Xử nghiêm thu tiền cưỡng ép

Xử nghiêm thu tiền cưỡng ép
TP - Bộ GD&ĐT vừa có quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục. Thông tư này đòi hỏi phụ huynh nếu ủng hộ nguồn lực cho giáo dục phải hoàn toàn tự nguyện và không vụ lợi.

> Phải trả tiền lạm thu và xin lỗi phụ huynh

Phụ huynh đưa trẻ đến trường và mối bận tâm những khoản thu “tự nguyện”. Ảnh minh họa: Minh Đức
Phụ huynh đưa trẻ đến trường và mối bận tâm những khoản thu “tự nguyện”. Ảnh minh họa: Minh Đức.

Không được phân biệt đối xử với học sinh

Trao đổi với Tiền Phong về nội dung Thông tư 29/2012, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT lý giải, Bộ GD&ĐT xác định các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, phục vụ các hoạt động dạy học… chính là một nguồn tài trợ cho giáo dục, phù hợp chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước.

“Đã là tiền - tài sản tài trợ thì nhà trường có trách nhiệm đứng ra vận động, thu - chi, sử dụng và chịu trách nhiệm với các cơ quan quản lý, với xã hội, với các nhà tài trợ.

Điều lệ ban đại diện ca mẹ học sinh đã quy định rõ rồi, ban đại diện không có trách nhiệm thu tiền hộ nhà trường. Với Thông tư 29/2012, nhà trường càng không có lý do gì để đẩy việc thu góp sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, một trong những điểm mới nổi bật trong nguyên tắc và yêu cầu về tài trợ của Thông tư 29/2012 so với trước đây là đòi hỏi phụ huynh phải hoàn toàn tự nguyện khi muốn đóng góp.

Các trường không được coi huy động đóng góp của phụ huynh là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục cũng như không quy định mức tài trợ cụ thể với từng phụ huynh.

Ngược lại, phụ huynh không gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cho nhà trường.

“Trong trường công lập, dù đóng tiền hay không đóng tiền ủng hộ, tất cả học sinh sẽ được đối xử bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ giáo dục”, ông Quang khẳng định.

Mọi đóng góp phải đưa vào sổ sách

Các trường được tiếp nhận các khoản tài trợ bằng tiền mặt hoặc thông qua tài khoản. Trường cũng được tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật có giá trị sử dụng và đáp ứng được nhu cầu dạy học. Giá trị khoản hoặc hiện vật được tài trợ phải được theo dõi và ghi chép trong sổ sách kế toán của nhà trường theo quy định hiện hành.

“Nếu nhà trường dùng nguồn tài trợ để mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất thì ngoài việc báo cáo công khai kế hoạch - kết quả mua sắm, sửa chữa, các trường phải thực hiện theo đúng các quy định của nhà nước”, ông Quang nói.

Khai giảng tại Trường mầm non Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Minh Đức
Khai giảng tại Trường mầm non Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.

Trong trường hợp phụ huynh tự nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới, mua sắm mới tài sản cho nhà trường hoặc tổ chức các hoạt động hỗ trợ dạy - học, các hoạt động ngoại khoá thì nhà trường có trách nhiệm hướng dẫn và giúp họ sử dụng khoản tài trợ đáp ứng đúng nhu cầu và phù hợp với kế hoạch phát triển của nhà trường.

“Nếu trường nào nhận được nhiều tài sản tài trợ thì nhà nước sẽ giảm đầu tư ngân sách vào các chương trình mục tiêu hoặc xây dựng cơ bản cho đơn vị đó để ưu tiên tài chính cho những trường khó khăn hơn, ít kêu gọi được nguồn tài trợ hơn”, ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, nếu các nội dung của Thông tư 29/2012 được quán triệt tới từng cơ sở giáo dục thì việc chấn chỉnh lạm thu năm học này có nhiều kết quả khả quan: “Nếu các giám đốc Sở GD&ĐT cương quyết, đề nghị kỷ luật với những hiệu trưởng vi phạm thì chắc chắn tình trạng thu tiền cưỡng ép với phụ huynh sẽ được ngăn chặn”.

Hà Nội: Huy động đóng góp của phụ huynh phải xin phép cấp trên

Các trường muốn vận động sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh để xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ học tập, sinh hoạt của học sinh phải xin phép cơ quan quản lý cấp trên.

Đây là một trong những nội dung được quy định trong hướng dẫn tạm thời thực hiện các khoản thu ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành.

Theo Sở GD&ĐT, trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học của các trường, các trường có thể sử dụng giải pháp huy động nguồn vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, sự đóng góp này phải dựa trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hoá mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật.

Trong quá trình vận động đóng góp của phụ huynh các trường phải lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết, bao gồm dự kiến nguồn huy động, các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể, để thực hiện.

Kế hoạch này phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp, cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng sản phẩm, công trình… Kế hoạch công việc và dự trù kinh phí phải được niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến
đóng góp.

Sau khi hoàn thành công việc các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán. Cũng trong văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng quy định khá cụ thể với các khoản thu khác gồm: thu hộ; thu thoả thuận; viện trợ, tài trợ, biếu, tặng, cho; kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Thu hộ chỉ có một khoản duy nhất là Bảo hiểm y tế. Mục thu thoả thuận có 4 khoản: phục vụ bán trú, học 2 buổi/ ngày, học phẩm, nước uống tinh khiết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG