Xử lý tham nhũng để cảnh tỉnh ​cán bộ

Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi với cử tri quận 10
Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi với cử tri quận 10
TP - Ngày 10/12, tiếp xúc với cử tri quận 10, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc Trung ương, Bộ Chính trị xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm vừa qua cũng đồng thời là để răn đe những người khác hiểu rằng “nếu đã dính vào tham nhũng thì sẽ không có lối ra”.

Không “miễn tử” cho tội tham nhũng

Tại buổi tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cử tri Vũ Nga (phường 5) bức xúc: Trung ương đã xử lý hơn 70 cán bộ cấp do Trung ương quản lý, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên phó thủ tướng, 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 bí thư tỉnh ủy, 5 nguyên bí thư tỉnh ủy… Nhiều tướng lĩnh công an, quân đội cũng bị cách chức, xử lý. Cử tri rất vui mừng nhưng vẫn thắc mắc vì sao chưa có án tử hình nào.

Trích dẫn những phát biểu của Bác Hồ, ông Nga khẳng định Bác đã xem tội tham nhũng như tội phản quốc và đã ra lệnh xử bắn Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu. “Chúng ta học tập tấm gương cao cả của Bác nhưng đã xử lý kiên quyết, nghiêm khắc như Bác chưa?”- đại biểu Nga nêu.

"Trong trường hợp cần thiết, chúng ta vẫn còn nhiều cách, nhiều giải pháp khác để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM

Cử tri Đinh Văn Huệ (phường 15) nói: Chúng ta coi tham nhũng là giặc nội xâm, một trong 4 nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đã nghiêm khắc, chống quyết liệt, xử lý hàng loạt cán bộ cao cấp vi phạm nhưng cử tri vẫn trăn trở: Đó là chưa bao giờ đất nước mất nhiều cán bộ đảng viên đến thế. “Đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xác định nguyên nhân để tham mưu cho Trung ương các giải pháp hiệu quả, chống được tham nhũng nhưng cũng không làm mất cán bộ”, ông Huệ nói.

Trả lời các cử tri, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong công tác chống tham nhũng, Trung ương đang làm rất quyết liệt. Và, việc xử lý nghiêm khắc cán bộ có sai phạm cũng là để răn đe, cảnh tỉnh những người khác hiểu rằng “nếu đã dính vào tham nhũng thì sẽ không có lối ra”. Đơn cử như việc xử lý các cán bộ cấp cao gần đây không phải là bây giờ mới làm. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã điều tra, thu nhập tài liệu, chứng cứ từ nhiều năm trước và xử lý nghiêm túc sai phạm từ cấp thấp lên cấp cao. 

“Tham nhũng, tham ô nếu mức độ nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn có thể chịu mức án tử hình, không phải chúng ta miễn tử cho tội phạm tham nhũng”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo đề nghị của Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã trả lời cụ thể hơn thắc mắc của các cử tri về việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng.

Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu cho biết các điều khoản quy định trong Luật Hình sự sửa đổi vẫn còn giữ hình phạt cao nhất là tử hình. Cụ thể: nếu tội phạm “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên”; gây thiệt hại tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân, hoặc tử hình.

Tòa án quốc tế không có chế tài

Nhiều cử tri bức xúc về việc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thường xuyên bị nước ngoài xâm phạm. Cử tri Đinh Văn Huệ bày tỏ: Chúng tôi đã tuyên truyền vận động bà con, rằng Đảng và Nhà nước đang đấu tranh kiên quyết, kiên trì nhưng bằng các biện pháp hòa bình và người dân hoàn toàn đồng tình nhưng đề nghị Trung ương, Ban Tuyên giáo thường xuyên có thông tin chính thức, đầy đủ về tình hình Biển Đông để người dân yên tâm.

Cử tri Nguyễn Văn Trung (phường 4) nói: Bộ Ngoại giao đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Tổng Bí thư, Thủ tướng đã khẳng định chủ quyền thì không thể nhân nhượng và cử nhiều cán bộ cao cấp tiếp xúc. Cử tri rất hoan nghênh. Kỳ họp này, Quốc hội đã nghe báo cáo về Biển Đông. Cử tri đề nghị Quốc hội dành nhiều thời gian hơn để bàn đối sách vì vấn đề bảo vệ chủ quyền là vô cùng thiêng liêng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là những vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia thì không thể nhân nhượng. Chủ trương của Việt Nam là đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Phân tích một số ý kiến chuyên gia khuyến cáo Việt Nam kiện ra tòa án Quốc tế, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, các quốc gia có chính phủ nhưng thế giới thì lại không có. Tòa án các quốc gia có chế tài, còn tòa án quốc tế thì không có quyền chế tài.

Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng: Vụ Philippines kiện Trung Quốc, tòa án quốc tế đã tuyên án nhưng chỉ mang tính chất tham khảo, không có tính chất bắt buộc nước này nước kia phải tuân thủ, có nghĩa vụ thực hiện. Và tòa án quốc tế cũng không có thẩm quyền chế tài. Các giải pháp đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên mặt trận ngoại giao để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đang thể hiện chính nghĩa và được bạn bè trên thế giới ủng hộ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ kiến nghị cơ quan chức năng có hình thức thông tin đến người dân chính thức đầy đủ, kịp thời hơn về tình hình Biển Đông không để những thông tin trái chiều trên mạng xã hội xuyên tạc ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của cử tri. 

MỚI - NÓNG