Xử lý ra sao với người giấu bệnh Covid-19?

Hành vi "Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm" có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí phạt tù nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

N.H.N (27 tuổi; trú quận Ba Đình - Hà Nội) - ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam - khiến dư luận bức xúc khi nhìn lại quá trình đi lại của bệnh nhân này.

Xử lý ra sao với người giấu bệnh Covid-19? ảnh 1 Phun tiêu độc, khử trùng chống Covid sau khi phát hiện ca bệnh thứ 17 ở tp Hà Nội Ảnh: MINH CHIẾN

Nửa cuối tháng 2-2020, chị N. đi thăm chị gái ở Anh (sau này cũng xác định bị nhiễm Covid-19) và cùng chị gái qua Ý, Pháp du lịch. N. trở về Hà Nội vào ngày 2-3 nhưng không khai báo y tế dù ý thức mình có nguy cơ nhiễm Covid-19.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó, mạng xã hội đã "dậy sóng" với đoạn livestream của một cô gái tên N.T.T, về từ vùng dịch - tỉnh Daegu (Hàn Quốc) chia sẻ "bí quyết" khai báo y tế không trung thực để không bị cách ly.

Theo các chuyên gia, tâm lý của người trốn cách ly thường có 2 nguyên nhân. Một là, họ chủ quan với sức khỏe của chính mình, cho rằng bản thân có đề kháng tốt, khỏe mạnh nên không muốn bị cách ly. Hai là, sợ vào khu cách ly sẽ mất tự do, sinh hoạt thiếu thốn và sợ bị kỳ thị.

Nhưng rõ ràng, việc một người đi về từ vùng có dịch Covid-19 nhưng không được giám sát y tế có thể dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng khi người đó nhiễm bệnh, mà trường hợp chị N. ở Hà Nội là ví dụ.

Dư luận đặt câu hỏi: Trường hợp bệnh nhân N. cố tình giấu bệnh, khai dối hành trình di chuyển có thể bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng trước tiên cần làm rõ thông tin mà nữ bệnh nhân N.H.N khai báo xem có chính xác hay không? Tại sao tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 (là chị gái của nữ bệnh nhân này) mà chị N. không khai báo?

Luật sư Cường cho biết theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ bắt buộc trong việc khai báo y tế, xử lý y tế được áp dụng với người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch; người đi qua vùng dịch hoặc người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Những người nào thuộc trường hợp bắt buộc phải khai báo y tế, xử lý y tế nhưng cố tình không thực hiện thì sẽ bị xử lý.

Cụ thể, tại điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm….

Còn theo luật sư Võ Trần Hoàng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), từ ngày 1-2-2020, Chính phủ quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Sau đó, Bộ Y tế bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A - nhóm nguy hiểm nhất. Pháp luật đề cập rất rõ hành vi "Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm" tại điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đây là căn cứ giúp cơ quan quản lý xử lý mạnh tay hành vi trốn tránh biện pháp phòng tránh dịch bệnh, trong đó có né tránh hoặc khai báo y tế gian dối. Tùy tính chất và mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý bằng mức phạt hành chính, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo điều 6 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng.

Ngoài ra, điều 240 Bộ Luật Hình sự quy định về tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho người có thể bị phạt tù từ 5-10 năm. "Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì bị phạt tù từ 10-12 năm" - luật sư Toàn nói thêm.

Cũng theo luật sư Toàn, Việt Nam đang làm rất tốt công tác cách ly để phòng chống Covid-19. Tại các khu cách ly này, không có sự phân biệt đối xử công dân của Việt Nam và nước ngoài. Những người không có biểu hiện bệnh sau 14 ngày đều được trở về cộng đồng sinh hoạt bình thường. Vì vậy, cơ quan chức năng và báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền chính xác về tình hình tại các khu cách ly tập trung để xã hội biết và không xem đó là nơi thiếu thốn, từ đó hạn chế thấp nhất tâm lý e dè, khai báo gian dối để trốn cách ly.

"Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh Covid-19, mọi người nên bình tĩnh, chọn lọc thông tin nhưng cũng đừng quá gây áp lực cho chị N. vì có thể làm cho chị và gia đình có những suy nghĩ tiêu cực, có thể thực hiện những hành động gây ra thêm sai lầm đáng tiếc cho xã hội" - luật sư Toàn lưu ý. 

Hãy nhớ bài học Hàn Quốc!

Theo các chuyên gia dịch tễ, một người bị nhiễm Covid-19 nếu không được phát hiện, cách ly kịp thời có thể gây lây lan cấp số nhân trong cộng đồng. Bài học tại Hàn Quốc là điển hình khi 1 phụ nữ nhiễm bệnh nhất quyết không chịu cách ly đã khiến đất nước này hiện có hơn 7.000 ca nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết những người được Bộ Y tế khuyến cáo phải cách ly y tế, theo dõi sức khỏe phòng Covid-19 cần có ý thức khai báo y tế trung thực, thực hiện cách ly nghiêm túc. Đây là biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình và trách nhiệm phòng bệnh, trước tiên là cho người thân, gia đình mình, rồi sau đó là cả cộng đồng.

Theo Theo Người Lao động
MỚI - NÓNG