Xử lý nghiêm vi phạm tập trung đông người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kết luận Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt nguy cơ từ biến chủng mới Omicron. Trước mắt, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch

Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế, xã hội năm 2022. Dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Báo cáo tại hội nghị về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ xác định chủ đề điều hành là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6- 6,5%.

“Cuộc chiến phòng chống COVID-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh. Nếu chúng ta để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên. Vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch”.

Bộ trưởng Bộ Y tế

“Chính phủ sẽ triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vắc xin, nhất là đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhận định tình hình dịch bệnh trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, và có thể sẽ xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Vì thế, trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho phòng, chống COVID-19.

Đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đang quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt”, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hà Nội đang triển khai phương án đáp ứng 100.000 ca nhiễm trên địa bàn, trong đó huy động các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành và bệnh viện tư nhân tham gia điều trị người bệnh COVID-19; thành lập hơn 3.200 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (trên 17.000 người). Thành phố cũng huy động nhân lực từ mạng lưới thầy thuốc trẻ, sinh viên các trường khối ngành y; triển khai ATM ôxy y tế và các hoạt động điều phối sẵn sàng đáp ứng y tế đối với các trường hợp điều trị tại nhà.

Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta đã quyết liệt, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và đạt được những kết quả khá toàn diện, với nhiều điểm sáng. Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin cho các đối tượng theo các kế hoạch đã đề ra. Xây dựng kế hoạch nhập khẩu, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị khoa học, an toàn, hiệu quả. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt nguy cơ từ biến chủng mới Omicron. Trước mắt, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Về kinh tế, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục phục hồi sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp; bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất; tháo gỡ các vướng mắc tồn tại trong thủ tục đầu tư, nhất là với các dự án bất động sản; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm nhất là hạ tầng về giao thông, năng lượng, y tế, văn hóa, giáo dục; tập trung xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh hợp tác công tư. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án công nghệ cao, mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa và kết nối với khu vực kinh tế trong nước. Có biện pháp hiệu quả thúc đẩy các dự án hợp tác công tư (PPP). Xử lý nghiêm những trường hợp triển khai chậm, vi phạm quy định.

MỚI - NÓNG