Chiều 7/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn chủ trì đối thoại với doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giuộc nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Lãnh đạo UBND tỉnh Long An đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp chiều 7/9. |
Tại hội nghị, các doanh nghiệp kiến nghị những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tín dụng… Theo đó, một số doanh nghiệp kiến nghị việc sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sớm ban hành mức giá bồi thường tái định cư; thủ tục giao đất, cho thuê đất; việc đầu tư hạ tầng giao thông tại vùng giáp ranh TPHCM…
Ông Hứa Thanh Phú - Chủ nhiệm HTX Dịch Vụ Nông Nghiệp Và Nuôi Trồng Thủy Sản Long Phụng, huyện Cần Giuộc - đánh giá cao chính sách hỗ trợ của tỉnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phú còn nhiều vấn đề như chính sách hỗ trợ hợp tác xã thực hiện Vietgap, chính sách hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh còn nhiều bất cập.
Ông Phú dẫn chứng, hiện Nhà nước chưa hỗ trợ nhà lưới, nhà màng cho HTX mà chủ yếu là hỗ trợ phân hữu cơ. Ông Phú kiến nghị tỉnh hỗ trợ nhà sơ chế, máy móc thiết bị cho các HTX với định mức cao hơn, đồng thời hỗ trợ nhà lưới, nhà màng cho HTX.
Ông Hứa Thanh Phú tại vườn dưa lưới của mình. |
"Các ngân hàng cho vay và thu hồi vốn theo chu kỳ kinh doanh, trong khi đó lĩnh vực trồng trọt, rau màu chu kỳ kinh doanh ngắn nên tôi kiến nghị tạo điều kiện để HTX được vay vốn với mức lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư trong 3 năm liên tiếp để tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Hạn mức tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án, nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án theo quyết định số 40/2021/QĐ-UBND tỉnh" - ông Phú nói.
Chủ nhiệm HTX Dịch Vụ Nông Nghiệp Và Nuôi Trồng Thủy Sản Long Phụng đề nghị lãnh đạo tỉnh tăng cường quan tâm hỗ trợ đầu ra sản phẩm nông nghiệp, nhất là tạo điều kiện để các HTX được kết nối trực tiếp với các bếp ăn trong các khu - cụm công nghiệp, các doanh nghiệp cung cấp suất ăn tập thể cho các công ty, xí nghiệp, trường học.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thắc mắc đến thủ tục chi trả bảo hiểm xã hội một lần cho người lao động, bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, địa phương thông tin, làm rõ một số vướng mắc, hướng giải quyết cụ thể đối với từng nhóm vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng.
Ông Sơn cho biết sau hội nghị này UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện công vụ; xử lý nghiêm các trường hợp gây nhũng nhiễu, không thực hiện nghiêm theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Lãnh đạo địa phương mong muốn, các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn nói chung, doanh nghiệp tại huyện Cần Giuộc nói riêng tiếp tục thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, đồng hành cùng tỉnh để chuyển đổi những khó khăn, thử thách thành thuận lợi, cơ hội. Từ đó, thực hiện mục tiêu chung là cùng vượt khó, phát triển một cách bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ thường xuyên tổ chức những buổi đối thoại với doanh nghiệp, các buổi họp chuyên đề giải quyết từng nhóm vấn đề cụ thể để kịp thời khai thông các “điểm nghẽn”. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, công khai và minh bạch và phải được quán triệt thực hiện một cách quyết liệt, thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cần Giuộc có 1.446 doanh nghiệp đang hoạt động có vốn đăng ký khoảng 58.000 tỷ đồng.
Riêng 8 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Cần Giuộc thành lập mới 136 doanh nghiệp, nhưng lại tạm ngừng hoạt động đến 75 doanh nghiệp, giải thể 15 doanh nghiệp,… Có thể thấy được các doanh nghiệp tại huyện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và những “điểm nghẽn” làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.