Chiều 1/5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay đã yêu cầu các đơn vị liên quan công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn phải kiểm điểm lại, đồng thời xử lý trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân liên quan.
Công trình này dài gần 2,4 km, có tổng mức đầu tư gần 80 tỉ đồng và đã đổ sập sau hai tháng đưa vào sử dụng mà chúng tôi từng phản ánh.
Trước đó, cuối năm 2018, chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư là UBND huyện Hoài Nhơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan (chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công, giám sát…) và đề xuất xử lý sai phạm, giải pháp khắc phục. Tháng 3/2019, huyện Hoài Nhơn có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm điểm. Huyện cho là bờ kè hư hỏng do thiên tai bất thường. Từ đó chủ đầu tư cùng đại diện chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công xin… rút kinh nghiệm!
“Việc kiểm điểm như vậy là quá sơ sài, không thể chấp nhận! Tỉnh yêu cầu UBND huyện Hoài Nhơn phải tổ chức kiểm điểm lại, có đề xuất hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng đơn vị, cá nhân để tỉnh xem xét, quyết định” - ông Châu nói.
Kè biển Tam Quan đổ sập, tan nát ngay sau khi mới đưa vào sử dụng. Ảnh: TẤN LỘC
Ông cũng cho hay đã yêu cầu huyện làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND huyện Hoài Nhơn, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng huyện Hoài Nhơn, đơn vị thi công là Công ty TNHH Tân Lập. “Các đơn vị này phải tháo dọn ngay các đoạn kè bị hư hỏng, có giải pháp và tổ chức khắc phục trước mùa mưa năm nay” - ông Châu nói.
Ngoài việc trên, tỉnh cũng có công văn cấm Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng SPQD hoạt động lĩnh vực thiết kế đê kè sông, biển; Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển Bình Định hoạt động lĩnh vực giám sát thi công đê kè sông, biển trên toàn địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian ba năm. Hai công ty trên là đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát công trình hư hỏng trên.
Về thông tin địa chỉ của hai công ty trên là nhà dân, không liên quan đến công ty, ông Châu cho hay là “đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra”.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan gồm hệ thống kè chắn sóng dài 2,4 km, cao 4,5 m bằng bê tông cốt thép, mặt đê bằng đất rộng 13 m. Dự án này nhằm khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ tính mạng, tài sản hàng ngàn gia đình hai xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam kết hợp làm đường dân sinh.
Công trình được xây dựng hoàn thành hồi tháng 9-2016 sau hơn một năm thi công. Tuy nhiên, ngay trong cuối năm 2016, nhiều đoạn kè dài với tổng chiều dài gần 300 m đã bị sóng đánh vỡ, sập hoàn toàn. UBND huyện Hoài Nhơn đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp 10 tỉ đồng để sửa chữa và đến tháng 12-2017, công trình này gần như bị đổ sập, tan nát sau bão.
Sai phạm từ thiết kế đến thi công, giám sát
Theo kết luận của UBND tỉnh Bình Định, nguyên nhân kè Tam Quan mới làm đã hỏng là do sai phạm từ thiết kế đến thi công, giám sát…
Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế thiếu kinh nghiệm, chọn phương án tuyến không hợp lý, kết cấu thân kè, chân kè chưa đảm bảo chịu lực trực tiếp từ sóng biển.
Đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán là Trung tâm Tư vấn - Chuyển giao công nghệ thủy lợi (thuộc Tổng cục Thủy lợi) thiếu trách nhiệm trong thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình.
Nhà thầu thi công là Công ty TNHH Tân Lập (huyện Hoài Ân, Bình Định) tự thay đổi biện pháp thi công nhưng không trao đổi, bàn bạc với đơn vị thiết kế.
Đơn vị giám sát đã không lập biên bản báo cáo chủ đầu tư và các bên liên quan khi đơn vị thi công thay đổi biện pháp thi công, chưa thực hiện hết trách nhiệm.
Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng huyện Hoài Nhơn được giao nhiệm vụ quản lý dự án đã không phát hiện những sai sót trong thiết kế, các thay đổi biện pháp thi công để báo cáo kịp thời cho chủ đầu tư.
Các sở KH&ĐT, NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng có trách nhiệm với thẩm định, thiết kế cơ sở của công trình.