Xử 'gian lận' thi cử ở Hà Giang, Sơn La: Cần làm rõ điều gì?

TPO - Sắp tới, vụ gian lận thi cử ở Sơn La sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 16/9 còn vụ gian lận thi cử ở Hà giang sẽ diễn ra công khai vào ngày 18/9. Theo các chuyên gia giáo dục, điều họ mong muốn sau phiên xét xử, phải xử lý được các đối tượng có liên quan đến gian lận dù họ là bất cứ ai.

Phải xử lý được các đối tượng, dù họ là bất cứ ai

PGS.TS Lê Hữu Lập - Nguyên Phó giám đốc HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, tội danh của các bị can trong vụ án thì đã rõ, nhưng quan trọng vụ án cần làm rõ các đối tượng có liên quan. Với từng trường hợp được nâng điểm là do: chạy tiền, quan hệ gia đình hay cấp trên tác động hay vì lý do nào khác cũng cần được làm rõ.

Tuy nhiên, PGS Lập cho rằng, người nhận tiền đã khai, người đưa tiền chối bay thì có xử lý được tội hối lộ hay không?

Ông Lập cho rằng, khi tìm ra được các nguyên nhân của từng trường hợp gian lận, thì các cơ quan quản lý mới có thể điều chỉnh các đối tượng tham gia trong các khâu tổ chức thi và chấm thi ra sao.

“Và cuối cùng tôi mong rằng, phải xử lý được các đối tượng có liên quan đến gian lận (ngoài đối tượng chính của vụ án đã bị bắt), dù họ là bất cứ ai"- PGS Lập nói.

Còn về việc các thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi sẽ xử lý thế nào?, PGS Lập cho rằng, thực ra theo quy chế thì khi có tác động của bất cứ đối tượng nào để làm sai lệch kết quả của bài thi, thì bài thi đó trả về 0 điểm, và đương nhiên thí sinh đó phải buộc thôi học.

“Việc này phải thực hiện ngay khi phát hiện gian lận, chứ không phải chờ tới xét xử xong vụ án”- Ông Lập nhấn mạnh.

Tìm lại sự công bằng cho xã hội

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, mong muốn xử đúng tội danh, đúng người và những thí sinh đã được nâng điểm buộc thôi học hết sau khi rõ chứng cứ buộc tội với phụ huynh.

Mặt khác, TS Vinh cho rằng, điều đó đảm bảo sự công bằng xã hội và răn đe những kẻ coi thường đạo lý và luật pháp.

PGS.TS Lê Hữu Lập - Nguyên Phó giám đốc HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém. Mặt khác, nó tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội

“Những thành phần này nếu chui vào các cơ quan nhà nước, đặc biệt là công an và quân đội thì rất là nguy hiểm cho đất nước vì năng lực và đạo đức...của chính họ. Thí sinh này chắc chắn họ biết điểm gian lận có được từ đâu ra”- PGS Lập nhấn mạnh.

Cũng trong bản cáo trạng của viện kiểm sát nêu rõ: "Hành vi phạm tội của các bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội…".

Tóm tắt gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La

Năm 2018, tỉnh Hà Giang, Sơn La chấn động vì gian lận thi với hàng trăm thí sinh được nâng điểm. Bộ GD&ĐT, cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện các hành vi gian lận nâng điểm, sửa bài thi...

Nhiều thí sinh ở Hà Giang, Sơn La được nâng điểm trong vụ tiêu cực kỳ thi THPT quốc gia 2018 là con em của lãnh đạo đương nhiệm, không ít em, gia đình có lý lịch "đặc biệt”.

Tại Hà Giang, có 330 bài thi của 114 thí sinh sửa điểm thấp thành cao. Nhiều trường hợp này là con, cháu của lãnh đạo huyện, tỉnh và các sở ngành của Hà Giang, một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.

Đối với tỉnh Hà Giang, hai phó giám đốc cùng lãnh đạo cấp phòng của Sở GD&ĐT và cán bộ Công an tỉnh Hà Giang sẽ bị đưa ra xét xử công khai vì những sai phạm trong vụ án gian lận thi cử tại địa phương này năm 2018.

Trong vụ gian lận thi cử tại Sơn La, có 44 thí sinh đã được sửa nâng điểm, gồm cả điểm thi trắc nghiệm và điểm thi tự luận. Trong số này, có những thí sinh là con em của cán bộ ngành giáo dục, công an, lãnh đạo ngành thuế...hoặc phó chủ tịch cấp thành phố, cấp huyện.

Tại Sơn La, Phó giám đốc cùng lãnh đạo cấp phòng của Sở GD&ĐT và cán bộ Công an tỉnh Sơn La vào ngày 16/9 tới sẽ bị đưa ra xét xử công khai vì những sai phạm trong vụ án gian lận thi cử tại địa phương này năm 2018.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh, có 8 bị can bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự.

Theo cáo trạng, các bị can trên đã cấu kết nhận thông tin của 44 thí sinh để tìm bài thi, sửa theo hướng nâng từ 2 đến 6,55 điểm/thí sinh. Đáng chú ý, chính các lãnh đạo khác của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cũng chuyển thông tin thí sinh cho các bị can để nâng điểm.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.