Chị An Bình, một người chụp ảnh Sơn Trà nhiều năm nay chia sẻ rất yêu quý loại động vật này và hay ghi lại hình ảnh của chúng. Thời gian gần đây, chị để ý thấy nhiều chú khỉ bị thương. Có con với vết thương lở loét, có con cụt chi, thậm chí lòi cả xương ra ngoài. “Mình thương khỉ như thú cưng, nên thấy vậy thật sự rất xót. Bị như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, quá trình di chuyển, tìm kiếm thức ăn của khỉ…”, chị xót xa.
Chị Bình chia sẻ thêm, khi phát hiện những chú khỉ bị thương, chị thường báo với lực lượng kiểm lâm để đưa vào bệnh viện thú y chữa trị. Khi khỉ lành lặn sẽ cùng lực lượng này đem về thả lại rừng. Trong số hình của chị chụp, có chú khỉ bị đánh bẫy, cả nhóm phải đưa vào bệnh viện thú y cắt bỏ đoạn xương bị nát.
Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho hay đã từng ghi nhận nhiều con khỉ bị xe tông chết, nhất là đoạn đường từ Hồ Xanh lên các khu nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, bà Lê Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, thẳng thắn rằng con người đã đem lại những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến khỉ trên Sơn Trà bằng việc cho ăn. “Nhiều chú khỉ tới bãi rác đang đốt đào bới thức ăn bị dính lửa, hoặc đánh nhau bị thương. Chúng ăn thức ăn bị vứt bỏ dễ mắc bệnh, nguy cơ tạo thành dịch, nếu xảy ra thật sự khó kiểm soát. Không chỉ vậy, việc cho khỉ ăn tạo nên những tính xấu như tranh giành, nhảy vào du khách để “cướp” đồ ăn, cào cấu người. Riêng việc khỉ tập trung thường xuyên ở khu nghỉ dưỡng chờ thức ăn từ du khách thì “quá tồi tệ”. Chúng đã quên mất tập tính tự kiếm ăn ngoài tự nhiên của mình”, bà Trang nói.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, lên Sơn Trà rất dễ bắt gặp khỉ, chúng rất dạn dĩ khi thấy người. Tại bãi đỗ xe ở chùa Linh Ứng, hầu như khi nào có người là có khỉ. Nhiều người lấy làm vui nên vô tư cho ăn trái cây, bánh kẹo, thậm chí cả kem. Khi không có thức ăn, khỉ táo bạo lục tìm các túi đồ treo trên xe của khách.