Cận cảnh những cánh đồng muối bỏ hoang ở Hà Tĩnh. Video: Phạm Trường. |
Xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trước đây là vựa sản xuất muối nổi tiếng, lớn nhất nhì tỉnh này nhưng nhiều năm qua, hàng chục ha đất ruộng muối bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. |
Theo người dân địa phương, nghề muối từng là nghề chính của người dân nơi đây, giúp họ có kinh tế và cuộc sống đảm bảo. Tuy nhiên, giá muối tiêu thụ gần đây khó khăn, rất thấp nên người dân không còn mặn mà với nghề mà chuyển đổi nghề khác. |
“Những ai còn bám trụ với nghề làm muối chủ yếu là người lớn tuổi không đi làm thuê được những nghề khác. Vợ chồng tôi cũng đang trụ lại làm 2 sào đất muối, kiếm 15-20 triệu đồng mỗi vụ”, ông Trần Văn Thắng (trú xã Kỳ Hà) nói. Trong ảnh là cánh đồng muối ở xã Kỳ Hà đang dần bị bỏ hoang diện tích lớn. |
Các cánh đồng lúa sản xuất manh mún, giảm dần qua các năm. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; mương dẫn nước vỡ vụn, nứt nẻ nham nhở, nước tù đọng. |
Ông Lê Văn Luyện - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà - cho biết, lúc cao điểm, toàn xã có khoảng 1.000 - 1.200 hộ dân sản xuất muối với tổng diện tích 73ha, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 10.000 tấn muối. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, nghề muối ở xã Kỳ Hà bắt đầu sụt giảm mạnh cả về diện tích, sản lượng và số lượng hộ dân làm muối. |
“Nghề muối càng ngày càng ít người làm. Hiện chỉ còn lại khoảng 70-80 hộ dân bám trụ cầm chừng với nghề sản xuất muối trên diện tích khoảng 15ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.000-1.200 tấn muối/năm”, vị lãnh đạo địa phương cho hay. |
Tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) hay xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) cũng xảy ra tình trạng tương tự khi hàng cả trăm ha đất quy hoạch làm muối đang bỏ hoang. |
Những ruộng làm muối chỉ lác đác, trên cánh đồng rộng lớn mọc đầy cỏ dại. |
Lãnh đạo UBND xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) thông tin, toàn xã Hộ Độ hiện có 40 hộ diêm dân đang sản xuất 3ha muối trong tổng số 120ha đất muối. Trong ảnh, nhiều diện tích muối cỏ cây um tùm, thành nơi chăn thả gia súc hoặc chăn nuôi gia cầm của người dân. |
“Giờ muối từ miền Nam ra nhiều mà giá rẻ hơn nên việc tiêu thụ muối của địa phương gặp khó khăn. Chẳng ai muốn theo nghề muối nữa, chỉ có ông già, bà lão hoặc những người sức khỏe yếu không đi làm thuê nghề khác được mới phải bám lấy nghề muối thôi”, lãnh đạo xã Hộ Độ thông tin. |