Ba cô bán xôi kèm “quẩy” mang nickname: Ngọc Xôi - Bé Lùn- Nga xinh. Các cô tiết lộ, xôi do các cô thay nhau nấu, được bán với giá bình dân: 10 ngàn đồng/hộp, chỉ bán đến 9 giờ sáng. Địa điểm, thời gian bắt đầu bán xôi liên tục được các cô nhắc trên trang cá nhân.
Điều bất ngờ, những cô gái gợi cảm ấy đang là những bà mẹ trẻ đơn thân, thuê nhà sống cùng nhau tại Hà Nội: Ngọc Xôi sinh năm 1993, bé Lùn sinh năm 1994, Nga xinh sinh năm 1980. Ngọc xôi tiết lộ: “Bọn em không ai học hành gì, xuất thân từ “nông dân” thôi”. Cô cho biết chiêu bán “xôi quẩy” được người chị có nickname Tâng Xinh chỉ bảo “tất cả các kiến thức đều học từ chị Tâng Xinh”. Tâng Xinh là ai? Ngọc Xôi giới thiệu: “Chị ấy trước làm giảng viên Đại học Hà Nội, bây giờ đang là tiến sỹ ngôn ngữ bên Nhật”.
Chẳng biết “lí lịch” vị “thủ lĩnh” bán xôi kèm “quẩy” này đúng như Ngọc Xôi nói hay không song chiêu bán xôi của cô truyền cho đàn em đang phát huy tác dụng. Ngọc Xôi bật mí: Việc bán xôi rất trôi chảy. Các cô cũng bất ngờ trở nên “nổi tiếng”: “Ra đầu ngõ người ta bảo xôi kìa. Đi ăn cơm mọi người chỉ bảo “xôi đê”. Có những người thắc mắc: Tại sao cơ quan chức năng vẫn để yên cho các cô gái tự do “quẩy” mà không “dẹp”? Chuyển câu hỏi này đến Ngọc Xôi, cô thú nhận: “Lần đầu nhảy ở vỉa hè cũng bị phường lập biên bản, bọn em di chuyển qua công viên Cầu Giấy để không ảnh hưởng giao thông. Bây giờ không vi phạm gì nên không bị ai hỏi nữa”.
Ngáo đá ?
Vô số những lời miệt thị dành cho nhóm “xôi quẩy”: Mấy con nhắng; Mấy con dở; loạn hết rồi; tưởng bị ngáo v.v. Có những người nhìn cảnh các cô gái trẻ vừa bán xôi vừa nhảy múa lại bi quan về xã hội hôm nay: “Xã hội bây giờ lạ nhỉ. Bán xôi cũng phải “quẩy”. Điên thật rồi”. Cũng không tránh khỏi những lời bình luận khiếm nhã xoáy vào hình thể của chị em hay những gợi ý khiếm nhã đối với các cô bán xôi, thí dụ: Mặc bikini nhảy cho “máu”…
Một điều không mấy ngạc nhiên, mặc dù lượng người “ném đá” mấy cô gái bán xôi nhiều không kể song lượt theo dõi trang cá nhân của các cô, lượt xem, lượt chia sẻ video các cô livestream khi bán xôi sáng cũng tăng lên chóng mặt. Điều này gợi nhắc một hiện tượng diễn ra mới đây, khi hai cô gái trẻ mặc đồ lót livestream để bán nội y ở một cửa hàng ở Sài Gòn. Chẳng thấy lời khen nào dành cho hành động “dũng cảm” của hai cô, chủ yếu là những chê bai gay gắt. Thế mà tại thời điểm các cô livestream trên facebook vẫn lôi kéo hàng ngàn lượt xem một lúc.
Các cô gái bán xôi kèm “quẩy” biết rõ tất cả những chỉ trích nhiều sắc thái, từ nghiêm khắc tới thô tục, dội về phía mình. Họ đối phó bằng nhiều hình thức, có khi một trong ba cô đáp lại thô tục y như sự thô tục các cô nhận được. Cao tay hơn, có lúc các cô “điểm huyệt” phe “ném đá”: “Nếu cuộc sống chúng ta ngày nào cũng thức dậy, cũng đi làm rồi về nhà thì bạn sẽ có một ngày u ám, mệt mỏi. Công việc của tôi là tạo năng lượng cho người khác, các bạn chửi nhưng cứ xem đi xem lại 100 lần, mình nói có đúng không?”.
Thực ra, các cô không phải những vũ công được đào tạo bài bản hay những dân chơi thứ thiệt, các cô bị chê không biết nhảy, song điều đó không khiến các cô mặc cảm sáng sáng ra công viên “tập thể dục”: “Nhảy không đẹp nhưng thích nhảy. Mấy chế bảo đi học vũ đạo. Nếu nhảy như bình thường các bạn vào Youtube xem đầy, cần gì vào FB mình”.
Chia sẻ với phóng viên TPCN, Ngọc Xôi cho biết, cảm giác ban đầu vừa bán xôi vừa “quẩy” cũng ngại nhưng sau thì quen và thấy “tràn đầy năng lượng”: Cuộc sống hạnh phúc là mạnh dạn làm những gì mình thích, họ quan niệm vậy. Khi video bán xôi của các cô nổi lên như hiện tượng được giới trẻ hài hước gọi “bán xôi quốc dân” thì bố mẹ các cô gái ở nhà đều biết nhưng không ngăn cản các con: “Mình có ăn cắp đâu mà bố mẹ phải ngại. Mình kiếm tiền bằng mồ hôi, bằng bàn tay mình thì chẳng phải ngại ai cả”, Ngọc nói.
Cô thậm chí tự hào với công việc của mình: “Em nghĩ không ai bán xôi như em, em bán xôi nhưng em truyền năng lượng cho mọi người”. Phóng viên hỏi: Các cô có hình thức gì để bảo vệ bản quyền “xôi quẩy” không? Nếu sau đây một loạt các bạn trẻ khác cũng vừa nhảy vừa bán xôi, liệu các cô có còn đắt khách? Ngọc tự tin: “Mọi người thích cứ bán, mỗi người sẽ có nét riêng biệt, không giống nhau. Lộc ai nấy hưởng mà”. Nhưng các cô khẳng định: Không bao giờ có chuyện mặc bikini để bán xôi. “Bọn em đều là mẹ đơn thân. Bọn em nhận biết được cuộc sống như nào. Không phải bọn em mới lớn thích khoe hàng để nổi. Bọn em bỏ công sức nhảy 2 tiếng đồng hồ nhưng đó là tiền mồ hôi bọn em kiếm bằng chính sức lực của bọn em”.
Nhân tài ?!
Cũng không ít người bênh ba cô gái bán “xôi quẩy”. Một bạn trẻ lên tiếng: “Mình có quan điểm, mỗi người một suy nghĩ, mỗi người một ngành nghề và một quan điểm sống khác nhau. Kinh doanh thì muôn màu, muôn vẻ cách PR của mỗi nhóm, mỗi người khác nhau. Đừng dè bỉu người khác”. Những ý kiến khác: “Mỗi người một cách kiếm tiền riêng. Họ không trộm cắp, họ kiếm tiền bằng sức lực của chính họ tại sao có người vào xem lại nói những lời khó chịu?”; “Mấy bạn này có phong cách bán hàng đột phá. Mới mẻ, trẻ trung”…
Một vị có tên và có tuổi ở lĩnh vực bất động sản, bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân: “Cảm ơn đạo diễn “clip bán xôi” và ba cô xinh đẹp đã cống hiến cho anh chị em sale (bán hàng) thêm bài học về cách bán hàng truyền thống rất đẳng cấp”. Ông cho rằng: Các cô gái đã rất sáng tạo khi tiến hành cách thức bán hàng Mới cho sản phẩm Cũ. Tuy nhiên, cũng có những lời khen thái quá đến mức lố bịch dành tặng các cô: “Trẻ trung, năng động, style bán hàng rất sáng tạo. Đất nước cần những nhân tài như vậy. Cố gắng lên các bạn trẻ”.
Trao đổi với người có chuyên môn trong ngành xã hội học, nên có thái độ như thế nào với những chiêu tiếp thị mới lạ thí dụ như bán “xôi quẩy” của mấy cô gái trẻ, TS Vũ Mạnh Lợi bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, ta nên quen với việc thực tế cuộc sống có nhiều cái lạ và có lẽ sẽ càng ngày càng nhiều cái lạ. Nếu ta quen được với việc thực tế cuộc sống luôn có nhiều cái “lạ”, thì khi cái “lạ” xảy ra ta sẽ không cảm thấy sốc, sẽ tỉnh táo hơn để nhận định về cái “lạ” đó, sẽ cảm thấy nó đỡ “lạ” và chỉ khi có cái “lạ” nào thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người mới có khả năng tạo nên dư luận xã hội.
Thứ hai, cần xem những cái “lạ” này có gây tác động xấu về văn hóa không, có gây sự phản cảm về văn hóa khiến nhiều người khó chịu? Để hiểu điều này cần biết rõ bối cảnh xã hội và thời điểm xảy ra cái “lạ”. Cuối cùng và là điều quan trọng nhất, là các hành vi “lạ” đó có trái pháp luật không?”.
Còn TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội bày tỏ: “Trong xã hội hiện đại với cơ chế thị trường đang phát triển ngày càng mạnh thì chúng ta sẽ còn được chứng kiến nhiều hiện tượng lạ. Điều tôi băn khoăn là xu hướng vật thể hóa cơ thể phụ nữ và tình dục hóa nhiều thực hành xã hội đang ngày càng phổ biến trong xã hội vốn khắt khe với phụ nữ. Ấy vậy mà trên thị trường cơ thể phụ nữ lại bị khai thác từ góc độ tình dục để bán mọi thứ từ ô tô đến… xôi. Tôi không trách các cô gái đó vì tôi biết họ cần kiếm sống trong một thương trường khốc liệt và họ đem lại cái thị trường mà nó đòi hỏi. Nhưng tôi lo lắng vì xã hội đang bị cuốn đi theo xu hướng đó như là nó không thể cưỡng lại được”.