An ninh Việt Nam- những chiến công lịch sử - Bài cuối:

Xóa sổ tổ chức phản động Hoàng Cơ Minh

Trần Văn Thuận (áo sẫm màu) trong lần thực nghiệm hiện trường vụ nổ lựu đạn.
Trần Văn Thuận (áo sẫm màu) trong lần thực nghiệm hiện trường vụ nổ lựu đạn.
TP - Sau kế hoạch KHCM12, An ninh Việt Nam tiếp tục phá tan nhiều âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, đáng chú ý là việc xóa sổ hoàn toàn tổ chức phản động do Hoàng Cơ Minh - nguyên Chuẩn tướng, phó đề đốc phụ tá hành quân, tư lệnh vùng 2 Duyên hải của ngụy quyền Sài Gòn cầm đầu.

Chặn đứng 3 cuộc hành quân, tiêu diệt đầu sỏ

Sau khi chạy trốn sang Mỹ, ngày 30/4/1980, Hoàng Cơ Minh, nguyên Chuẩn tướng, Phó đề đốc phụ tá hành quân, Tư lệnh vùng 2 Duyên hải của ngụy quyền Sài Gòn cùng một số tay chân đã tổ chức họp báo ra mắt “Mặt trận Quốc gia giải phóng Việt Nam”.

 Với sự ủng hộ của các thế lực thù địch, Hoàng Cơ Minh và một số sỹ quan cao cấp của ngụy quyền tiếp tục thành lập “Việt Nam canh tân cách mạng Đảng” (gọi tắt là Việt Tân).

Tổ chức này lấy cờ ba sọc của ngụy quyền Sài Gòn làm cờ mặt trận, lấy cờ màu xanh có bông mai trắng 6 cánh làm cờ đảng; soạn thảo hiến chương của mặt trận; xuất bản “báo kháng chiến” và đặt trụ sở tổng vụ hải ngoại ở Mỹ; tìm cách móc nối với chính quyền Thái Lan, coi đó là bàn đạp để huấn luyện phiến quân, xâm nhập về nước.

Đáng chú ý, qua điều tra, lực lượng An ninh Việt Nam làm rõ tổ chức phản động lưu vong này còn vạch ra chương trình hoạt động gồm 5 giai đoạn, từ tập hợp lực lượng ở nước ngoài cho đến tổ chức đánh chiếm một số xã, ấp, vô hiệu hoá chính quyền cấp cơ sở… rồi đồng loạt nổi dậy lật đổ chính quyền. Để triệt phá tổ chức phản động này, chuyên án HM29 được xác lập…

Tài liệu của cơ quan An ninh thể hiện, từ năm 1982-1983, Hoàng Cơ Minh đã bí mật chuyển về Việt Nam “báo kháng chiến” và các loại tài liệu kích động chống đối chính phủ nhằm khuếch trương lực lượng ở nước ngoài, chuẩn bị cho các cuộc xâm nhập về nước thực hiện giai đoạn 3 trong kế hoạch của chúng. 

Theo đó, từ tháng 5/1985 - 12/1986, Hoàng Cơ Minh phát động 2 cuộc hành quân có tên gọi “Đông Tiến I” và “Đông Tiến II”, xuất phát từ các căn cứ qua biên giới Thái Lan vào đất Lào, Campuchia để về Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai cuộc xâm nhập này đều bị lực lượng An ninh Việt Nam nắm bắt được và phối hợp với lực lượng vũ trang Lào truy quét. Trong trận đánh cách biên giới Việt Nam 50km, Hoàng Cơ Minh đã bỏ mạng trong đám loạn quân.

“Rắn chúa” - Hoàng Cơ Minh bị tiêu diệt, song tay chân đắc lực của hắn là Đào Bá Kế (tức Trần Quang Đô) tiếp tục đứng ra lãnh đạo đám tàn quân, tuyển mộ thêm phiến quân. Vào ngày 22/8/1989, Trần Quang Đô trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân vũ trang “Đông Tiến III”. Tuy nhiên, khi các đối tượng bước chân vào đất Lào, lập tức bị bộ đội Lào tiêu diệt và bắt sống.

Chuyên án HM29 kết thúc bằng việc xóa sổ toàn bộ lực lượng của tổ chức phản động “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” căn cứ tại Thái Lan do Hoàng Cơ Minh cầm đầu.

Đập tan chiến dịch “Hoa Lan”

Vào năm 1994, An ninh Việt Nam phát hiện tổ chức “Mặt trận kháng chiến phục quốc Việt Nam” do tên Bùi Hữu Thăng - Việt kiều Mỹ cầm đầu đang tìm cách móc nối với số đối tượng tàn dư của tổ chức “Liên đảng cách mạng Việt Nam” do Hoàng Việt Cương cầm đầu. Chúng âm mưu liên kết lực lượng để thực hiện ý đồ chống phá và vạch kế hoạch thực hiện chiến dịch với tên gọi “Hoa Phượng”, “Hoa Lan”.

Với chiến dịch “Hoa Phượng”, các đối tượng đưa đồng bọn về Việt Nam dưới danh nghĩa Việt kiều thăm thân, du lịch, ký kết làm ăn... Trong khi lực lượng An ninh đang tiến hành các biện pháp trinh sát, quản lý các đối tượng chủ yếu thì tối 13/10/1994, các tổ chức phản động này đã gây ra vụ nổ lựu đạn tại bến Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh). Vụ nổ tuy không gây thiệt hại lớn, nhưng ảnh hưởng xấu về chính trị cũng như tác động không tốt đến các hoạt động kinh doanh, hợp tác quốc tế.

Ngay sau khi vào cuộc điều tra, Tổng Cục An ninh - Bộ Công an đã làm rõ các đối tượng Nguyễn Sĩ Bằng, Trần Văn Thuận và Phạm Văn Thân đã nhận nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát, thực hiện vụ ném lựu đạn trên. Đồng thời làm rõ kế hoạch dịch chuyển chiến dịch “Hoa Phượng” sang phát động chiến dịch “Hoa Lan” với mục tiêu “cho nổ” trong dịp Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối tượng được giao thực hiện vụ nổ tiếp theo - đánh phá khách sạn Tản Đà (TP Hồ Chí Minh) là Huỳnh Văn Dũng, quê Cái Nước, Minh Hải.

Lập tức, chuyên án PQ55 được thành lập. Một mặt tung lực lượng truy tìm Huỳnh Văn Dũng và số đối tượng đang lẩn trốn, mặt khác Ban chuyên án chỉ đạo lực lượng trinh sát sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đập tan kế hoạch “Hoa Lan”… Từ ngày 9 - 22/6/1996, các mũi trinh sát Ban chuyên án PQ55 đã lần lượt bắt giữ Trần Văn Thuận và Nguyễn Sỹ Bằng khi đang vận chuyển tài liệu phản động qua biên giới Campuchia vào Việt Nam. Bắt giữ Trần Văn Nghị, Huỳnh Cẩm Quang, Huỳnh Cẩm Phong và Đặng Văn Thân tại TPHCM.

Ngày 15/7/1997, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử công khai, tuyên phạt mức án tử hình đối với Trần Văn Thuận và Huỳnh Cẩm Phong- kẻ trực tiếp đưa tiền, lựu đạn cho Thuận và Nguyễn Sĩ Bằng thực hiện vụ nổ tại bến Bạch Đằng. Còn các đối tượng còn lại phải chịu mức án chung thân.

Hôm nay (12/7/2016), tại cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, Bộ Công an tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh Việt Nam và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.

MỚI - NÓNG