Đảm đương nhiều án khó
Thực tế trong thời gian qua, hầu hết các chuyên án lớn có liên quan đến pháp y đều do pháp y công an đảm nhiệm, như chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, chuyên án “Khánh Trắng”, vụ tai nạn rơi máy bay IAK 442 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại Khánh Sơn, Khánh Hòa, vụ 5 nạn nhân bị giết chết khi đi tìm trầm hương tại Quảng Trị… Gần đây nhất là vụ án giết người cướp tài sản của Lê Văn Luyện, vụ “cậu Thủy” làm giả hài cốt liệt sỹ, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, vụ chết 4 người Trung Quốc tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh)…
Theo Thượng tá Trần Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Trung tâm giám định pháp y (TTGĐPY), Viện Khoa học Hình sự (Viện KHHS, Bộ Công an) mô hình tổ chức hệ thống pháp y của nước ta hiện nay (duy trì ở cả 3 bộ: Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) phù hợp với điều kiện đất nước và quá trình hoạt động cho thấy rất hiệu quả, đáp ứng tốt các yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các yêu cầu khác của Nhà nước. Trong bối cảnh hiện tại, lực lượng pháp y toàn quốc nói chung vẫn còn thiếu, hệ thống pháp y Bộ Y tế nói riêng chưa đủ năng lực về tổ chức cũng như trình độ chuyên môn để giải quyết đầy đủ các yêu cầu giám định pháp y trên toàn quốc.
Ngoài ra, với thực trạng hiện nay, hoạt động giám định pháp y vẫn cần có sự đối trọng, kiểm chứng giữa các cơ quan giám định, tránh sự độc quyền trong giám định.
Pháp y công an đã triển khai nhiều biện pháp giám định mà các cơ sở giám định pháp y khác chưa triển khai được hoặc có triển khai nhưng hoạt động kém hiệu quả như: giám định nhận dạng, giám định gene, giám định hài cốt, giám định tuổi người sống, giám định khả năng sinh lý tình dục, thực nghiệm giám định và dựng mô hình thực nghiệm giám định… Đặc biệt, việc xác định cơ chế hình thành dấu vết thương tích, hầu hết các cơ sở giám định của pháp y y tế không thực hiện được do không có khả năng giám định, phải trưng cầu pháp y công an giám định. Nhiều vụ án phức tạp kéo dài, chỉ khi có kết luận của pháp y công an, cơ quan tiến hành tố tụng mới có đủ chứng cứ tin cậy để tiến hành truy tố, xét xử.
Và những bất cập hiện nay
Theo Thượng tá Sơn, kể từ khi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực, bất cập lớn nhất là pháp y công an các địa phương chỉ được làm giám định pháp y tử thi, không được làm các thể loại giám định pháp y khác. Thậm chí, một số địa phương pháp y công an đã triển khai giám định thương tích rồi nay không được làm khiến cho cơ sở vật chất đã được mua sắm bị lãng phí, đặc biệt lãng phí “chất xám” ở một số lớn cán bộ đã được đào tạo cơ bản. Ở nhiều địa phương pháp y công an và pháp y y tế là hai cơ quan hoạt động độc lập. Trưng cầu cơ quan giám định nào là do Cơ quan trưng cầu (cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát…).
Tiếp theo là công tác đào tạo, trước đây Trung tâm Pháp y của Viện KHHS trực tiếp đào tạo lực lượng của mình, nhưng từ khi Luật Giám định tư pháp ra đời chỉ công nhận chứng chỉ giám định viên do bên Bộ Y tế cấp, sau đó vẫn phải quay lại Viện KHHS để bồi dưỡng thêm.
Theo Thượng tá Sơn, pháp y công an có thế mạnh ở chỗ giám định viên được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ giám định pháp y trong nước và nước ngoài, có kiến thức về khoa học hình sự, về hiện trường, nắm chắc kiến thức pháp luật, có nghiệp vụ công an nên những nhận xét, đánh giá, kết luận đáp ứng tốt các yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử, các yêu cầu cơ mật của Đảng và Chính phủ.
Mặt khác, giám định viên pháp y công an có tính kỷ luật cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Hơn nữa, trong một vụ việc, có thể có nhiều yêu cầu giám định ở các chuyên ngành khác nhau (dấu vết công cụ, cháy nổ, súng đạn, đường vân…) thì việc phối hợp giữa giám định pháp y và các lĩnh vực giám định này rất thuận lợi, kịp thời, hiệu quả.
Cũng theo Thượng tá Sơn, trong tiến trình phát triển, cần có hướng nâng cấp TTGĐPY, Viện KHHS thành Viện Pháp y Công an và củng cố, kiện toàn đội ngũ pháp y thuộc phòng Kỹ thuật hình sự công an các địa phương, nhằm đáp ứng tốt và kịp thời các yêu cầu công tác chiến đấu đang được đặt ra ngày càng cao.
Trong tiến trình phát triển, cần có hướng nâng cấp TTGĐPY, Viện KHHS thành Viện Pháp y Công an và củng cố, kiện toàn đội ngũ pháp y thuộc phòng Kỹ thuật hình sự công an các địa phương, nhằm đáp ứng tốt và kịp thời các yêu cầu công tác chiến đấu đang được đặt ra ngày càng cao.