TS Nguyễn Xuân Thủy:

'Xóa 'điểm đen' trên cao tốc, Bộ GTVT luôn hô khẩu hiệu'

Cận cảnh người dân qua đường trên QL5 trong nỗi sợ hãi Ảnh: Nam Trần
Cận cảnh người dân qua đường trên QL5 trong nỗi sợ hãi Ảnh: Nam Trần
TP - Trước những bất cập về đảm bảo an toàn giao thông QL5, đoạn qua tỉnh Hải Dương, đại diện Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT  cũng như cơ quan có thẩm quyền nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng phòng Pháp chế - An toàn, Sở GTVT Hải Dương cho biết, một trong những nguyên nhân khiến QL 5 xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm là do quá tải lưu lượng.


Theo thiết kế, QL 5 thiết kế chỉ 15 nghìn xe/ngày đêm,nhưng thực tế hiện lên tới 50- 60 nghìn xe/ngày đêm, khiến mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của người dân giữa hai bên đường rất lớn. Trong khi hàng loạt lối mở để cho các phương tiện quay đầu chưa đảm bảo được an toàn, số lượng cầu vượt, đường gom đang còn hạn chế, thiếu những cảnh báo cho người dân.

Theo thống kê sơ bộ, riêng địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương) có khoảng 200 tuyến đường dân sinh cắt ngang QL 5 nhưng chỉ có một vài cầu vượt.

“Từ năm 2013, Sở GTVT tỉnh Hải Dương đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền có phương án hỗ trợ khắc phục những vấn đề trên. Nhưng đến nay kết quả xử lý vẫn rất chậm, khiến tình trạng tai nạn giao thông ở địa phương luôn ở mức cao”, ông Hạnh cho hay.
Còn ông Lê Qúy Tiệp, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết, sau vụ tai nạn thảm khốc đầu năm 2019, Sở đã kiến nghị Bộ GTVT có phương án xây dựng thêm cầu vượt, đường gom… nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.

Sau vụ tai nạn ngày 23/7, Bộ GTVT đã đề nghị Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vidifi (Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam) khảo sát mặt đường địa bàn huyện Kim Thành và các huyện tuyến đường này chạy qua, sử dụng nguồn tiền 800 tỷ đồng từ quỹ duy tu bảo trì.
“Trong 800 tỷ đồng này, Bộ GTVT cũng yêu cầu ưu tiên việc khắc phục đoạn đường lồi lõm, trang bị thiết bị phản quang, gờ giảm tốc trên đường đi bộ cắt ngang quốc lộ. Tại các vị trí có mặt bằng, có thể làm đường gom cho xe thô sơ bên ngoài hộ lan mềm và xây thêm một số cầu vượt nhẹ, đồng thời đóng một số nút giao quá gần nhau”, ông Tiệp cho biết.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Quản lý, bảo trì và khai thác QL5 (Vidifi) cho biết, sau khi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp kiểm tra chỉ đạo (ngày 23/7) tại hiện trường tai nạn (xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành), Vidifi đã phối hợp với cơ quan chức năng trước mắt sơn vạch giảm tốc cảnh báo tại các nút giao nói trên. Đồng thời, đơn vị kiến nghị Tổng cục Đường bộ đưa ra phải pháp giảm tốc độ tại các vị trí nguy hiểm.

 “Với đường gom, Ủy ban ATGT các cấp ở Hải Dương phải căn cứ vào mặt bằng mới triển khai được, bởi QL 5 bây giờ ví như “phố Hải-Hà” (Hải Phòng-Hà Nội), người dân sinh sống, kinh doanh dày đặc hai bên đường, và đây là điều rất khó khăn”, ông Huỳnh nói.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, Bộ GTVT  luôn hô khẩu hiệu nhưng thực chất chưa có hành động cụ thể. Đơn cử, việc xóa bỏ các “điểm đen” trên các tuyến cao tốc, dù nhiều lần “hô” quyết tâm giảm bằng được, nhưng đến nay Bộ vẫn loay hoay chưa có giải pháp và mục tiêu rõ ràng.

Tại các tuyến quốc lộ có mật độ người dân sinh sống hai bên đường cao như QL5 và QL1, theo ông Thủy, Bộ GTVT cần nghiên cứu lại chiến lược phát triển, chú trọng vào đường sắt thay vì tập trung hầu hết nguồn lực cho đường bộ.

MỚI - NÓNG