Xóa bỏ hộ khẩu: Cần sớm đưa ra lộ trình rõ ràng

Việc gỡ bỏ hộ khẩu giúp người dân giảm bớt được nhiều phiền hà. Ảnh: PV.
Việc gỡ bỏ hộ khẩu giúp người dân giảm bớt được nhiều phiền hà. Ảnh: PV.
TP - Nghị quyết 112/NQ-CP, vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có quy định bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” đang mang đến niềm vui cho hàng triệu lao động trẻ tại Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn khác. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra lộ trình cụ thể và giải pháp quản lý thay thế đồng bộ, đảm bảo sự thông suốt trong việc quản lý giữa các cơ quan.

Nghị quyết 112/NQ-CP yêu cầu sửa đổi thủ tục gồm: Quản lý xuất nhập cảnh; lĩnh vực quản lý về ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; lĩnh vực đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; lĩnh vực tổ chức cán bộ; lĩnh vực chính sách; lĩnh vực phòng cháy chữa cháy; lĩnh vực cấp, quản lý chứng minh nhân dân; lĩnh vực đăng ký quản lý cư trú.

Với nhiều thay đổi cụ thể trong các tờ khai, trong thủ tục hành chính thuộc nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, Nghị quyết 112 được coi là một quyết định “lịch sử” giúp người dân giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hàng triệu công dân ngoại tỉnh tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm, sở hữu nhà, con cái được hưởng các điều kiện hạ tầng công bằng tại Hà Nội, TPHCM và nhiều thành phố lớn khác trong cả nước, cùng nhiều quyền lợi khác...

Nội dung Nghị quyết 112 đang tạo ra tâm lý náo nức, vui mừng với hàng triệu người lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Tuy nhiên, để nghị quyết trên sớm được áp dụng vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công an - đơn vị được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 trình Quốc hội xem xét ban hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định liên quan.

Nhận định về Nghị quyết 112 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, Nghị quyết 112 sẽ là điều kiện “đòn bẩy” quan trọng tạo điều kiện cho các lao động trẻ ngoại tỉnh, giúp người dân giảm bớt được nhiều thủ tục hành chính phiền hà trong quá trình làm việc, sinh sống ở những thành phố lớn. Tuy nhiên, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và mang lại những kết quả rõ rệt, Chính phủ cần yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra giải pháp đồng bộ tạo ra sự thông suốt trong việc quản lý dân số, để các cơ quan dễ dàng tiếp cận dữ liệu khi cần thiết.

“Chủ trương bỏ hộ khẩu là rất đúng đắn, giúp cho người dân bớt đi nhiều thủ tục hành chính rườm rà, thậm chí gây phiền nhiễu. Tuy nhiên, trước khi bỏ hộ khẩu, Bộ Công an và các cơ quan chức năng cần đưa ra những biện pháp kiểm tra, hướng dẫn cụ thể để quản lý về dân số. Nghị quyết muốn phát huy được hiệu quả cần bám sát Luật Cư trú đang được giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét, định hướng phát triển và quản lý dân số. Đồng thời, gắn với tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đang được giao Bộ Công an chủ trì.

Riêng ở lĩnh vực quy hoạch, việc quản lý hộ khẩu trên cơ sở thống kê hiện trạng là cái rất cần thiết trong quá trình lập quy hoạch, bởi quy mô và cơ cấu dân số có tác động rất lớn đến những tính toán về quy hoạch, trong đó có việc chịu tải của hạ tầng, quy hoạch hạ tầng mới sao cho phù hợp... Bỏ hộ khẩu, phải thay thế quản lý bằng hình thức nào? Nếu chỉ căn cứ vào thẻ căn cước thì phải đảm bảo sự thông suốt giữa các cơ quan, để các cấp, các ngành có thể dễ dàng lấy được dữ liệu khi cần thống kê.

Với những khu đô thị lớn như Hà Nội, là đơn vị có đặc thù riêng về quản lý dân số, thậm chí trong đó, Luật Thủ đô đã có một cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Vì vậy, việc thay thế cách thức quản lý dân số cần được xây dựng dựa trên các giải pháp đồng bộ, nếu chỉ nói chung chung thì rất khó áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả. Nếu không có giải pháp đồng bộ, cụ thể thì rất khó. Những hiệu quả và ý nghĩa tốt đẹp Nghị quyết 112 có thể đem lại thì ai cũng nhìn thấy, nhưng để sớm đưa vào cuộc sống vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần gỡ bỏ, đặc biệt là tiến độ triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006…”, ông Nghiêm phân tích.

Cùng chung quan điểm, trao đổi với PV, một đại diện HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, Nghị quyết 112 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành là chủ trương lớn và đúng đắn, bởi sẽ giúp người dân giảm được nhiều thủ tục hành chính, giúp tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, để phân tích rõ hơn về những hiệu quả Nghị quyết 112 mang lại cần có thêm thời gian nghiên cứu. Thời gian thực hiện phụ thuộc nhiều vào tiến độ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thời gian qua.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.