Ai đặt tên tỉnh Hà Bắc?
Thầy học tôi, giáo sư, tiến sĩ (GSTS) Đinh Văn Đức đã cao niên. Thầy trò vẫn bện quyện bởi thi thoảng có những cuộc gặp gỡ khi ngoài đời, khi trên facebook (FB).
Giáo sư, tiến sĩ là con trai vị nhân sĩ Đinh Văn Liên.
Cụ Liên là bạn học cùng lớp với học giả Hoàng Xuân Hãn ở trường Quốc học Vinh suốt 4 năm 1922- 1926.
Lớp ấy có những Hà Huy Giáp, nhà thơ Tchya Đái Đức Tuấn…
Lớp có 43 học sinh hầu hết là dân Thanh - Nghệ - Tĩnh và Quảng Bình.
Một cuộc thăm gặp giữa thầy Đức và GS Hoàng Xuân Hãn vào đầu năm 1990 thời điểm GSTS Đinh Văn Đức tới Paris làm GS thỉnh giảng ở Đại học Paris VII. GS Hãn khi ấy còn khỏe mạnh, minh mẫn.
Chút hồi ức về những người thân gần cụ. Biết cụ Cụ Ngân thì tôi không bao giờ quên được. Một người cực kỳ yêu nước không tham danh vọng quyền lợi của chế độ cũ. Buộc lòng phải bỏ lại gia đình vợ con để đi theo kháng chiến quả là một hy sinh rất lớn. Rất tiếc những nhân sĩ như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Ngân không còn nữa. (Lời cụ Phạm Văn Đồng. Rút trong tài liệu của Nguyễn Hữu Ngôn).
Lúc cách mạng thành công, cụ Ngân được giao chức Giám đốc văn hóa Viện Trung bộ ở nội thành Huế. Phải là người được tin cậy thì mới được giao nhiệm vụ này vì tàng thư lúc đó có nhiều sách quý và đặc biệt có cả hồ sơ mật thám.
Lúc mặt trận Bình Trị Thiên vỡ, ta buộc phải rút, cụ Ngân phải bỏ gia đình lại đi theo kháng chiến. Khi chạy giặc cụ có trách nhiệm mang theo một số sách và tài liệu rất quý.
… Cụ Ngân là nhà Nho uyên bác hiểu biết rộng. Một con người có tư cách trung thực trong sạch liêm khiết không màng phú quý vinh hoa. Không uốn lưỡi cơ hội. Là nhà trí thức cũ nhưng do yêu nước nồng nàn nên đã thích nghi được với cách mạng.
... Đó là một trí thức đáng kính (Lời ông Tố Hữu. Ghi lại ngày 27/6/1963. Tài liệu của Nguyễn Hữu Ngôn)
… Cụ Ngân người nhỏ nhắn, tiếng nói trong và to. Tuy làm quan nhưng thanh liêm cương trực. Không cơ hội. Có tinh thần yêu nước đặc biệt và rất tán thành chế độ mới.
(Lời ông Trần Hữu Dực, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ. Rút từ tài liệu sưu tầm của Nguyễn Hữu Ngôn).
Thầy Đức nhắc lại lời phụ thân rằng, bác Hãn học giỏi nhất lớp. GS Hãn cười hồn hậu.
Đúng ra là phải thế này, năm thứ nhất, người học giỏi nhất là cha cháu. Năm thứ hai một người tên là Minh. Năm thứ ba và thứ tư mới là bác. Cha cháu tuổi Giáp Thìn (1904) còn bác tuổi Mậu Thân.
Cụ Nguyễn Đình Ngân |
Một quá vãng như sống dậy sinh sắc khi GS Hãn nhỏ nhẹ nhắc lại…
Năm 1945, bác Hãn trong chính phủ Trần Trọng Kim được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. GS Hãn đã dẫn người bạn học thân thiết Đinh Văn Liên của mình vô Huế ra mắt Bảo Đại. Thì ra, Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã ấp ủ ý định muốn tiến cử bạn mình làm Đốc học Thanh Hóa. Nên trong câu chuyện với nhà vua, GS Hãn đột ngột tâu thẳng nguyện vọng ấy. Nhà vua cũng tán thành.
Bị bất ngờ nhưng ông Đinh Văn Liên đã khéo léo từ chối.
Thông làu Hán văn lẫn Pháp văn, thầy Đinh Văn Liên suốt đời gắn bó với nghề dạy học luôn được các thế hệ học trò mến mộ. Tính cách cùng nhân cách của phụ thân đã gieo cho người con trai những ảnh hưởng tốt lành. GS Đức luôn đinh ninh lời cha rằng nên chọn một giá trị chứ đừng theo hư danh. Rằng làm việc gì cũng gắng trong tầm kiểm soát của mình.
Một lần hiếm hoi, thời gian sắp vào đại học, Đinh Văn Đức được cha mình cho ngồi hầu chuyện cùng mấy người bạn già chung chí hướng. Trong số các vị ấy có cụ Nguyễn Đình Ngân.
Cụ Nguyễn Đình Ngân sinh 1890. Đỗ Cử nhân năm 19 tuổi. Từng là Tham tri (cỡ Thứ trưởng) trong Triều đình Huế. Rồi cụ theo cách mạng, đeo ba lô đi kháng chiến, làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Khu 4.
Năm 1960, cụ Ngân và thân phụ của thầy Đức, cụ Đinh Văn Liên đều trúng cử Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Ấn tượng cuộc hầu chuyện ấy đã đeo bám thầy Đức suốt đời.
Quen biết với các bạn hữu thường xuyên đi lại với cha mình, nhưng ít khi thầy Đức thấy cụ Ngân bộc bạch nhiều tâm sự như bữa ấy.
Về biến cố long trời lở đất Cách mạng Tháng Tám, cụ Ngân có cách diễn dịch thế sự rất dung dị.
Trời đất thiên hạ vốn cân bằng. Nho giáo coi trọng triết lý trung dung là có lý. Trên phương diện cách mạng, Cụ Hồ là người kiên định và nguyên tắc nhưng trong ứng xử, Cụ Hồ lại là người duy tình. Các trí thức ta từ Hán học đến Tây học đều nể Cụ, đi theo Cụ bởi cái duy tình ấy. Các cụ ấy đã bỏ cả vinh hoa phú quý đi theo kháng chiến.
Hướng cái nhìn ấm áp tin cậy về anh con trai của bạn mà cụ rất quý, cụ Ngân cười, mà nhà ta đi theo cụ từ ngày ấy cũng là lẽ phải.
Thân phụ thầy Liên cũng tiếp theo ý cụ Ngân.
Cụ Hồ sau Cách mạng tháng Tám đã rất sâu sắc nêu cái quốc hiệu nước ta là Việt Nam dân chủ cộng hòa và ba cái giá trị quốc gia phải phấn đấu Độc lập - Tự Do - Hạnh phúc. Chắc Cụ Hồ phải nghiền ngẫm lâu lắm mới nghĩ ra được 3 chữ ấy. Trừ hai chữ Việt Nam còn tất cả những chữ còn lại đều là những giá trị tuyệt vời của nhân loại mà mục tiêu dân ta phải hướng đến. Nhưng mà khó khăn gian khổ lắm. Chữ nào cũng khó. Con chưa hiểu hết đâu.
…Cha và các bác đây đi theo cụ Hồ và tin ở Cụ đã rửa được cái nhục mất nước. Lá cờ yêu nước của cụ đã tập hợp được cả dân tộc. Nhưng xử lý theo cương thường là rất khó. Cụ Hồ đã có câu thơ rất hay rằng, vốn biết việc đời không phải dễ/Mà nay càng thấy khó khăn hơn.
Và lần ấy, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Văn Liên đã kể cho con trai nghe một chuyện khá thú vị.
Tháng 10/1962, Quốc hội họp phiên cuối năm ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Giờ giải lao buổi sáng, nhóm nhân sĩ như thường lệ, thời gian nghỉ giải lao các phiên họp Quốc hội tụ lại với nhau.
Đang vui chuyện thì Cụ Hồ đến gần. Cụ Hồ tắt thuốc, vui vẻ chào mọi người rồi nói với cụ Nguyễn Đình Ngân: Chào cụ Cử, tôi có chút việc muốn nhờ cụ Cử.
Rồi Cụ Hồ khoác tay cụ Nguyễn Đình Ngân khi ấy là Phó Đoàn ĐBQH Thanh Hóa. Hai cụ thong thả sải bước…
Trưa về khách sạn Kim Liên, nơi ở của các ĐBQH, cha tôi thấy cụ Ngân không ngủ… Hình như cụ đang có tâm sự gì?
Rồi cụ ngồi dậy hướng về phía cha tôi cũng đương thức. Cha tôi khẽ hỏi… Cụ Ngân cười nhẹ. À cũng có tý chuyện.
Vừa lúc đó có người vào báo, cụ Ngân đương có xe đón cụ đến chỗ họp...
Sau bữa cơm chiều, cụ Ngân dắt cha tôi ra ghế đá trước nhà. Cụ ngỏ cái chuyện hồi sáng, cụ cùng Cụ Hồ tản bộ ra sảnh phía sau.
Cụ Hồ bảo: Việc tôi nhờ cụ là thế này: Quốc hội sắp duyệt một chương trình của Chính phủ, có đề nghị nhập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Mọi việc thì ổn, nhưng cái tên thì còn phân vân. Bởi tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều muốn giữ lại chút tên để kỷ niệm. Nhưng gọi là Giang Ninh hay Ninh Giang đều không ổn!
Vậy tôi thỉnh cụ Cử cùng nghĩ và góp ý cho.
Cụ Ngân khẽ đáp: Thưa Bác, tôi sẽ gắng trong hôm nay.
Cụ Hồ cười, nói nhẹ: Tôi và cụ ta cùng gọi nhau bằng cụ nhé…
Chiều gặp lại Cụ Hồ, tôi thưa, lĩnh ý cụ, tôi xin có ý thế này.
Hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đều có chung chữ Bắc. Chữ có ý nghĩa về địa và sử. Chữ Bắc thì nên giữ lại. Chữ thứ hai thì tôi cân nhắc. Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm. Ta đã có Hà Đông, Hà Nam, thì nay gọi Hà Bắc là thuận. Chữ Bắc phải để sau để tránh trùng cụm từ Bắc Hà xưa. Vậy cái tên tỉnh mới là Hà Bắc. Thiển ý của tôi là vậy. Xin được trình Cụ!
Nghe xong, Cụ Hồ nghĩ một chút rồi cầm tay tôi lắc mạnh rồi cười vui: Cảm ơn cụ Cử, tôi đã tìm đúng người! Tên ấy được lắm, tôi sẽ báo cáo lại Chính phủ để gợi ý.
Rồi Cụ Hồ hỏi tiếp: Mỗi bữa cụ ăn được mấy bát cơm. Tôi thưa lại, hai bát ạ. Cụ Hồ cười, bảo cụ Cử cứ giữ như thế nhé.
Cuối khóa họp tháng 10/1962, Quốc hội đã nhất trí lấy tên là Hà Bắc để đặt cho hai tỉnh mới sáp nhập.
Châu Nham Nguyễn Đình Ngân
Sau sự kiện ấy, thày Đức một bữa thấy cụ Nguyễn Đình Ngân tới nhà. Trên khuôn mặt có thoáng những nét ưu tư?
Đang pha trà thì mồn một chất giọng băn khoăn của cụ Ngân.
Lạ quá cụ ạ. Tôi cứ phân vân mãi, rằng đi với kháng chiến, tôi đã muốn quên đã giấu biệt cái danh cũ cử nhân lâu nay. Nhưng hơi hoảng thấy Cụ Hồ hôm rồi cứ một cụ Cử hai cụ Cử. Tôi thấy ngại và lạ quá đi…
Khi ấy thân phụ thầy Đức đã vui vẻ ôn tồn cắt nghĩa thêm với cụ Cử Nguyễn Đình Ngân rằng, Cụ Hồ gọi cụ Cử là có ý nhắc đến Cử nhân là tiến cử người tài, dâng người tài. Thân sinh cụ Hồ là Phó bảng trên cử nhân một bậc thuộc dạng Cống sĩ là kẻ sĩ được tiến cử. Mà tôi cũng phỏng đoán là Cụ Hồ gọi cụ Cử cũng có cái ý tạo không khí thân gần muốn nhắc nhớ thân phụ mình từng là Phó bảng. Mà thân sinh cụ cũng là phó bảng đó thôi! (Cũng cần nói thêm, thân phụ cụ Cử Ngân là quan bảng Nguyễn Đình Văn, vị quan có tiếng cương trực thanh liêm, từng làm Án sát Khánh Hòa. Quan bảng tham gia Văn thân. Bị Pháp bắt giam và mất trong đề lao năm 1906). Vậy nên phải thân gần lắm thì Cụ Hồ mới dùng từ cụ Cử. Cụ đừng ngại và nghĩ ngợi gì!
Câu chuyện về cụ Nguyễn Đình Ngân lại có cơ để tiếp nối? Đó là thời điểm tôi may mắn gặp được anh Nguyễn Hữu Ngôn, trước làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Rồi sau là Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa.
Nguyễn Hữu Ngôn tính tình điềm đạm cẩn trọng. Có thể gọi là người hiếu cổ. Nguyễn Hữu Ngôn gọi cụ Nguyễn Đình Ngân là chú họ.
Hữu Ngôn có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử con người xứ Thanh trong đó có cuốn Tính cách người Xứ Thanh khá nổi tiếng.
Cảm phục cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi phong phú của người ông Nguyễn Đình Ngân một người trong họ Nguyễn của làng quê Phương Đình huyện Hoằng Hóa, Nguyễn Hữu Ngôn đã bỏ nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về cụ Ngân. Trong những tài liệu di cảo hiếm hoi sưu tầm được về cụ, người cháu Nguyễn Hữu Ngôn đã cho xuất bản cuốn Bước ly kỳ của cụ nhân sĩ Nguyễn Đình Ngân.
Bước ly kì là một cuốn hồi ký viết theo thể thơ gồm 780 câu.
Những dòng thơ ghi lại một cách trung thực hành trình một cá nhân xếp lại hạnh phúc gia đình dấn thân vào gian khó hiểm nguy phấn đấu cho lý tưởng…
Chính sử còn đậm sự kiện năm 1964 diễn ra Hội nghị Chính trị đặc biệt. Là người chủ trì Hội nghị ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước và trong thời gian diễn ra Hội nghị đã cho mời cùng hội kiến với nhiều nhân sĩ yêu nước, trí thức. Trong đó có ĐBQH, nhân sĩ Nguyễn Đình Ngân. Suốt thời gian diễn ra Hội nghị, Cụ Hồ đã 3 lần gặp gỡ chuyện trò thân thiết với cụ Ngân.
Có một cuộc gặp thân mật được ghi lại.
…Cụ Hồ đặt tay lên một bên vai gầy gò của cụ Ngân:
Lần trước gặp cụ chưa kịp tường, tôi biết cụ sinh cùng năm với tôi. Chẳng hay cụ sinh tháng mấy?
Cụ Hồ khi nghe lời đáp của cụ Ngân đã thân thiết nắm lấy bàn tay người đồng tuế. Hai cụ, hai người con trai của hai vị Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Đình Văn.
Vậy là tôi trót hơn cụ hai tháng. Nếu cụ đồng ý, tôi xin nhận cụ làm em!
Ít ngày sau Hội nghị, cụ Ngân đã nhận được món quà quý của Cụ Hồ.
Đó là chiếc bút máy có dòng chữ quốc ngữ màu vàng khắc trên thân bút.
Tất Thành tặng Châu Nham.
(Châu Nham là hiệu của cụ Ngân).
Nhận quà biếu của cụ Hồ, ĐBQH, cụ Cử Nguyễn Đình Ngân bàng hoàng sửng sốt! Giời ơi, bấn bíu quốc sự trăm công ngàn việc, làm sao mà Cụ Hồ lại biết được cả cái bút hiệu quá ư nhỏ mọn của mình làm vậy?
Khi người cha đỗ Phó bảng đặt cái tên hiệu Châu Nham cho con trai của mình, cụ Ngân biết thân phụ đã trao đặt đã phó thác một niềm tin lớn. Không mong con giàu có vinh hiển mà lấy cái tích Châu Nham lạc lộ (cò về núi Ngọc) Châu Nham, rặng núi đá thô ráp sần sùi nhưng lại là nơi trú ngụ ấm áp của giống cò. Những đàn cò trắng sáng đi ăn ở các đầm vũng gần xa, ở bãi biển mé gành, tối bay về nghỉ trong núi đá. Cổ nhân mượn cảnh đi về gắn bó với nơi cư trú của giống cò để nói lên tấm lòng son gắn bó với dân với nước.
Cụ Ngân đương bồi hồi nhớ lại cuối năm 1950, Cụ Hồ nhờ cụ Hồ Tùng Mậu, Tổng Thanh tra Chính phủ đem vào Thanh cái can bằng trúc rất đẹp. Quà của Cụ Hồ tặng cụ.
Bộ sưu tập tư liệu về cụ Nguyễn Đình Ngân của Nguyễn Hữu Ngôn lưu lại nhiều sự kiện.
Làm mối cho tướng Nguyễn Sơn
Tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Khu Bốn khi ấy ở tuổi 43 trong khi người đẹp Hằng Huân, con gái thứ của ông Sở Cuồng Lê Dư ( cô chị là Hằng Phương đã thành thân với nhà văn Vũ Ngọc Phan) khi ấy mới 23 tuổi. Tướng Nguyễn Sơn mới đầu tưởng nắm chắc phần thắng, hăm hở đơn thương độc mã tiến công vào dinh lũy của người đẹp. Nhưng thất bại.
Nguyễn Sơn chuyển hướng. Nhờ bạn bè và người gia thế, tiếng tăm khác. Nhưng sau những năm tao bảy tiết cùng "vận động chiến", cụ Lê Dư vẫn dứt khoát không gả con gái cho tướng Nguyễn Sơn.
Tướng Nguyễn Sơn biết cụ Lê Dư có người bạn thân thiết là cụ Nguyễn Đình Ngân, có chân trong Ủy ban hành chính Liên Khu IV nên tìm gặp cụ Ngân mấy lần.
Rồi chả hiểu cụ Ngân đã vận động ông bố vợ tương lai tướng Sơn những gì mà sau đó mọi việc trở nên êm thuận, xuôi chèo mát mái!
Trong suy nghĩ, ký ức của ông tướng Nguyễn Sơn cùng người bố vợ nhà văn kiêm thi sĩ Lê Dư, lúc nào cũng sống động hình ảnh vị nhân sĩ đi theo kháng chiến Nguyễn Đình Ngân luôn chăm lo đến hạnh phúc người khác nhưng cá nhân mình luôn gánh chịu nhiều thiệt thòi.
Trong những tài liệu hiếm hoi còn sót lại có lưu lại bản tự kiểm thảo (viết ngày 22/7/1958), trong đó cụ Nguyễn Đình Ngân đã thành thực đau đớn thế này.
Xin trích một đoạn.
…Trong kháng chiến tôi bỏ rơi toàn thể gia đình ở vùng tạm chiếm. Không tích cực can thiệp để đưa ra vùng tự do. Hòa bình cũng không có điều kiện và thời gian để đưa gia đình vợ con ra trong đợt Tập kết cho kịp thời hạn. Đến nay tình trạng ly biệt đã kéo dài 12 năm. Tuổi già, sức thêm yếu, nghị lực đè nén tình cảm cũng không được mạnh như trước. Nên mỗi khi nghĩ đến không khỏi những ngơ ngẩn bồi hồi ảnh hưởng một phần đến công việc. (Hết trích)
Nhiều người cũng biết thêm, cụ Ngân là người rất nặng tình với gia đình. Danh giá thời điểm đỗ Cử nhân cụ vẫn thương yêu người vợ tao khang mà gia đình tác thành từ nhỏ. Người vợ của ông trước đó chẳng may vướng một căn bệnh nặng, thuốc thang mãi không khỏi đã bị mù một mắt. Hồi cụ đóng chức tham tri, lệ là Rằm, mồng Một, phu nhân các quan lớn đều phải vào cung chầu Vua và Hoàng hậu. Có người khuyên cụ không nên đem theo bà vợ tật nguyền đi. Cụ cười, một con mắt thì đã làm sao!
Vĩ thanh
Cũng cần nhắc lại chi tiết, khi Mặt trận Bình Trị Thiên vỡ, ta buộc phải rút. Cụ Ngân phải bỏ gia đình lại đi theo kháng chiến. Gia đình cụ Ngân vợ và 5 người con ở Huế sau đó dạt vô Sài Gòn. Thời gian ngặt nghèo khó khăn ấy, ông Phạm Văn Đồng đã chỉ thị cho Thành ủy Huế và Sài Gòn tạo mọi điều kiện có thể để quan tâm chăm sóc gia đình cụ Nguyễn Đình Ngân.
Như trên đã nói, cụ Nguyễn Đình Ngân được bầu ĐBQH Khóa II (1960-1964). Rồi và Khóa III (1964-1971) cụ vẫn tiếp tục trúng cử. Nhưng cụ không theo kịp hết khóa III. Tuổi tác cùng tật bệnh, cụ đã vĩnh biệt dương thế năm 1967 ở tuổi 77.
Vẫn theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn. Khi dạt vào Sài Gòn, cả 5 người con của cụ Ngân đều học hành phương trưởng. Người con thứ 2 của cụ Ngân là Nguyễn Đình Chung Song là một nhà sư phạm nổi trội. Nguyễn Đình Chung Song dạy học và là tác giả của hơn 30 công trình về toán học (từ năm 1949-1989) có công đào tạo nhiều nhà sư phạm toán của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Có hẳn một Giải thưởng danh giá mang tên ông: Giải thưởng toán học Nguyễn Đình Chung Song. Dưới chế độ mới, Giải ấy vẫn tồn tại và phát huy. 537 học sinh giỏi toán của TPHCM đã vinh dự nhận Giải thưởng mang tên Nguyễn Đình Chung Song.