Xét xử vụ án GPBank: Mang sân golf ra làm kế “hoãn binh”

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa
TP - Ngày 9/11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 4.758 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).

Dàn lãnh đạo vướng lao lý

Các bị cáo trong vụ án gồm Tạ Bá Long (SN 1955) – nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank; Đoàn Văn An (SN 1958) – nguyên Phó Chủ tịch GPBank; Phạm Quyết Thắng (SN 1973) – nguyên TGĐ GPBank; Nghiêm Tiến Sỹ (SN 1973) – nguyên Phó TGĐ GPBank; Nguyễn Anh Dung (SN 1978) – nguyên Kế toán trưởng GPBank và Nguyễn Ngọc Nam (SN 1976) – nguyên GĐ Cty TNHH Thương mại và Công nghiệp Sao Bắc.

Theo cáo trạng, GPBank tiền thân là Ngân hàng CP Nông thôn Ninh Bình, vốn điều lệ năm 2014 là 3.018 tỷ đồng. Trong đó, Tạ Bá Long và nhóm liên quan sở hữu gần 35% vốn, ứng với hơn 1.056 tỷ đồng. Bị cáo Đoàn Văn An và nhóm liên quan sở hữu hơn 55% vốn, ứng với gần 1.670 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tạ Bá Long cùng vợ, con gái và con rể là Hoàng Công Hợp đứng ra lập Cty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Thành Trung, vốn điều lệ hơn 202 tỷ đồng. Cty Thành Trung là cổ đông góp hơn 58% cổ phần tại Cty Thủ Đô – đơn vị sở hữu tòa nhà Capital Tower (số 109, Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Về Đoàn Văn An, bị cáo và em vợ sở hữu 75% cổ phần tại Cty Sao Bắc. Ông An còn sở hữu Cty CP Sân golf Ngôi sao Chí Linh, là Chủ tịch Cty TNHH Đại Lải.

Hợp đồng giữa bố vợ và con rể

Theo cáo trạng, từ 2009 – 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ GPBank và chi cá nhân, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã dùng các Cty Thành Trung, Đại Lải và Chí Linh phát hành 3.380 trái phiếu, bán cho Cty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) được 3.380 tỷ đồng.

Trong số tiền trên, các bị cáo Long và An dùng 2.611 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ GPBank lên 3.018 tỷ đồng; chi 512 tỷ đồng trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu; dùng 255 tỷ đồng cho hoạt động của các Cty Thành Trung, Đại Lải và Chí Linh. Sau đó, do không có tiền trả cho EVNFinance nên Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã thống nhất rút tiền của GPBank để trả nợ trái phiếu.

Trước tiên, năm 2011, Tạ Bá Long ký với con rể mình là Hoàng Công Hợp thỏa thuận GPBank mua 58% diện tích tại tòa nhà Capital Tower từ Cty Thành Trung với giá 2.200 tỷ đồng. Việc này trái quy định bởi Cty Thành Trung chưa được Cty Thủ Đô (chủ sở hữu tòa nhà) chia cho diện tích sử dụng ứng với 58% cổ phần. Tiếp đó, Tạ Bá Long ký với Nguyễn Ngọc Nam – nguyên GĐ Cty Sao Bắc hợp đồng xây dựng kinh doanh dự án “Trung tâm Thương mại, văn phòng và Nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank”. Theo hợp đồng, GPBank chuyển 1.700 tỷ đồng cho Sao Bắc.

Tổng cộng 2 hợp đồng trên, GPBank đã chuyển 3.900 tỷ đồng cho phía Tạ Bá Long và Đoàn Văn An. Các bị cáo đã dùng 3.793 tỷ đồng để mua lại 3.380 trái phiếu trước hạn và trả lãi số trái phiếu này; Cty Thành Trung sử dụng gần 3 tỷ đồng; Đoàn Văn An chi dùng cá nhân hơn 103 tỷ đồng. Tính đến ngày khởi tố vụ án (13/7/2015), các Cty Thành Trung và Sao Bắc nợ GPBank gần 3.900 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi, không có khả năng thanh toán.

Hiện tại, gia đình Tạ Bá Long đã khắc phục được cho GPBank hơn 864 tỷ đồng trong số 1.389 tỷ đồng bị cáo phải chịu trách nhiệm. Gia đình Đoàn Văn An khắc phục được gần 84 tỷ đồng trong số 2.510 tỷ đồng ông An gây thất thoát. Ngoài ra, theo kết luận giám định, cả 2 bị cáo phải liên đới trả cho GPBank 858 tỷ đồng tiền lãi.

Bán sân golf khắc phục hậu quả?

Theo CQĐT, để xảy ra vụ án có trách nhiệm của Nguyễn Quang Hưng và Phạm Xuân Mạnh – thành viên Ban kiểm soát GPBank. Hai người không cảnh báo khi phát hiện sai phạm trong hợp đồng mua 58% diện tích tại Capital Tower. Tuy nhiên, năm 2016, VKSND Tối cao bác quyết định khởi tố bị can với hai người vì xác định họ không có thẩm quyền quyết định các nội dung thuộc Đại hội đồng cổ đông GPBank (nhóm của các bị cáo An và Long chiếm 90% vốn điều lệ).

Cũng trong năm 2016, Hoàng Công Hợp được Viện Pháp y Tâm thần Trung ương xác định mắc bệnh nên bị VKSND Tối cao ra quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Vợ và con gái bị cáo Tạ Bá Long cũng không bị xử lý hình sự bởi không biết việc làm của ông Long.

Trong vụ án, có 11 pháp nhân là cổ đông của GPBank bị thiệt hại như Cty CP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) 97 tỷ đồng; một ngân hàng khác thiệt hại hơn 37 tỷ đồng… Do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên cơ quan công an tách phần hồ sơ liên quan tới 11 pháp nhân trên để tiếp tục xác minh, xử lý sau.

Tại tòa ngày (9/11), phía Cty Chí Linh và bị cáo Đoàn Văn An xin hoãn tòa nhằm có thời gian thu xếp khắc phục hậu quả cho GPBank. Người ủy quyền của bị cáo An và đại diện GPBank cho biết, đã có nhiều tổ chức muốn mua lại sân golf Chí Linh với giá từ 210 đến hơn 300 tỷ đồng. Bị cáo An đồng ý sẽ dùng số tiền này để trả cho GPBank.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa theo đề nghị trên đồng thời để triệu tập một số người liên quan tới tham dự, cho các luật sư thêm thời gian nghiên cứu hồ sơ.

Trong vụ án, có 11 pháp nhân là cổ đông của GPBank bị thiệt hại như Cty CP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) 97 tỷ đồng; một ngân hàng khác thiệt hại hơn 37 tỷ đồng… Do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên cơ quan công an tách phần hồ sơ liên quan tới 11 pháp nhân trên để tiếp tục xác minh, xử lý sau.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương. 
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
TP - Hợp tác không gian Mỹ-Trung và Nga-Trung đang được đẩy mạnh vì các chiến lược, chương trình không gian của 3 nước có nhiều điểm chung và giúp tăng cường quan hệ song phương về tổng thể trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.