Xét xử tiếp viên hàng không vì làm lây lan dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát tống đạt quyết định khởi tố bị can Dương Tấn Hậu. Ảnh: Công an cung cấp
Cảnh sát tống đạt quyết định khởi tố bị can Dương Tấn Hậu. Ảnh: Công an cung cấp
TP - Ngày mai (30/3), Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Dương Tấn Hậu (tiếp viên hàng không, sinh năm 1992, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

2.000 người bị ảnh hưởng, thiệt hại tiền tỷ

Theo cáo trạng sẽ công bố tại phiên tòa, ngày 14/11/2020, Hậu cùng đoàn bay từ Nhật Bản về Việt Nam trên chuyến bay VN 5301 của Vietnam Airlines. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất, Hậu được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và thực hiện cách ly tập trung tại khu cách ly của Vietnam Airlines. Ngày 15/11/2020, Hậu được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ nhất và cho kết quả âm tính. Ngày 18/11/2020, Hậu tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và tiếp tục cho kết quả âm tính. Cùng ngày, Hậu được khu cách ly tập trung cho về cách ly tại địa phương đến hết ngày 28/11/2020. Quá trình cách ly tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines, Hậu tiếp xúc ngoài phòng cách ly với hai người khác bị nhiễm.

Cụ thể, khoảng 20 giờ ngày 17/11/2020, Dương Tấn Hậu ra khỏi phòng và gặp Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Tuyết Nhi tại hành lang khu cách ly (2 người này là tiếp viên trên chuyến bay SVO-CXR-SGN/VN5062, nhập cảnh Việt Nam ngày 11/11/2020 và có kết quả dương tính COVID-19 lần lượt vào các ngày 25 và 26/11/2020). Cả 3 người sau đó về phòng cách ly của Dương Tấn Hậu. Đến 21 giờ cùng ngày thì Nguyễn Văn Hậu và Tuyết Nhi rời khỏi phòng Dương Tấn Hậu. Khi về cách ly tại địa phương, Hậu tiếp tục vi phạm các quy định cách ly.

Cụ thể vào ngày 21/11/2020, Hậu rời nhà trọ cùng Liễu Minh Sang đi ăn tại quán Củ Hành Tây, đi uống cà phê tại quán cà phê Cộng. Ngày 22/11/2020, Dương Tấn Hậu tham gia thi tiếng Anh tại Đại học HUTECH. Ngày 28/11/2020, Dương Tấn Hậu có kết quả dương tính COVID-19.

Cáo trạng xác định thiệt hại phi vật chất trong vụ án là ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người trên địa bàn TPHCM, gồm 861 người cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nhà. Theo Sở Y tế TPHCM, thiệt hại do việc làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng là gần 2,8 tỷ đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2. Ngoài ra còn có chi phí sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh có liên quan đến vụ án... Tổng thiệt hại vật chất là gần 4,5 tỷ đồng.

Ðề nghị triệu tập loạt cá nhân, đại diện các tổ chức

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Tấn Hậu đã gửi đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập đại diện Bộ GTVT, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Ban Quản lý cơ sở lưu trú, cách ly tập trung của Tổng Cty Hàng không Việt Nam (ACV), UBND TPHCM, các ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 liên quan trong vụ án và các cá nhân gồm: Bà Đinh Thị Thu Thảo (Trạm trưởng Trạm y tế Phường 2, Quận Tân Bình), ông Nguyễn Văn Thắng (Chủ nhà trọ nơi Dương Tấn Hậu cách ly) tham gia phiên tòa, nhằm giúp HĐXX xét xử khách quan toàn diện hơn.

Các luật sư cho rằng, trong vụ án này, khu cách ly tập trung của ACV đã được cấp phép là khu cách ly tập trung cho riêng các tổ bay của VNA, do chính hãng này đứng ra tổ chức quản lý, ngành y tế chỉ có trách nhiệm giám sát về hồ sơ và quy trình thực hiện. Trong quá trình thực hiện công tác cách ly tập trung, VNA đã không đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu về điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm, không bố trí cung cấp nước uống và thức ăn cho từng người được cách ly, dẫn đến việc khi thiếu nước uống hoặc thức ăn buộc người được cách ly phải di chuyển đến khu vực chung để lấy nước và thức ăn.

Việc di chuyển và tiếp xúc tại khu vực chung này sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc lây lan dịch bệnh giữa những người được cách ly, trong đó có việc lây lan từ BN 1425 qua Dương Tấn Hậu. Theo các luật sư thì việc UBND phường 2 không thực hiện đúng quy định về cách ly dẫn đến việc Dương Tấn Hậu không được kịp thời phổ biến về các quy định cách ly một cách cụ thể và rõ ràng.

MỚI - NÓNG