Xét xử đại án OceanBank: Hà Văn Thắm giúp người khác lấy tiền của mình?

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
TP - Tại phần đối đáp, người giữ quyền công tố tại tòa quyết định thay đổi một phần đề nghị của mình trước đó khi xin giảm án cho một số bị cáo. Tuy nhiên, các luật sư chưa hài lòng vì chưa được giải đáp thắc mắc.

Chiều 22/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 51 bị cáo trong vụ thất thoát 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Tại tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội nêu quan điểm trước ý kiến của các luật sư, bị cáo tham gia tố tụng.

Tiền đề cho tham nhũng phát triển

Người giữ quyền công tố tại tòa xác định, Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch OceanBank đã lập Cty BSC, chiếm đoạt 69 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (lúc đó là TGĐ OceanBank) để chăm sóc khách hàng nhóm dầu khí của OceanBank.

Ngoài ra, ông Sơn còn thỏa thuận với Hà Văn Thắm chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi nhằm huy động vốn. Việc này vi phạm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trần lãi suất và khiến OceanBank thất thoát 1.576 tỷ đồng. Hành vi này còn là tiền đề cho tội phạm tham nhũng phát triển. Cụ thể, trong số tiền trên có 246 tỷ đồng được chuyển cho ông Sơn và bị tham ô 49 tỷ đồng (ứng với 20% vốn Nhà nước của PVN), bị chiếm đoạt 197 tỷ đồng.

Một số luật sư và bị cáo cho rằng gây thất thoát 1.576 tỷ đồng theo Thông tư 02 chỉ bị xử lý hành chính; hàng chục ngân hàng khác cũng chi lãi ngoài như vậy nhưng sao không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý hành chính. Ông Đào Thịnh Cường - đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng ý kiến trên là chưa chính xác và đưa ra vài ví dụ việc chi lãi ngoài đã bị xử lý hình sự như vụ án Nguyễn Đức Kiên ở ngân hàng ABC; vụ án Phạm Công Danh (cùng là bị cáo trong vụ án OceanBank hiện nay) ở Ngân hàng Xây dựng.

Ngoài ra, một số luật sư tranh luận trách nhiệm của các bị cáo Hà Văn Thắm; Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn - nguyên Chủ tịch Cty Phú Mỹ trong khoản 500 tỷ đồng mà OceanBank cho Cty Trung Dung (Cty con của ông Danh) vay gây thất thoát 343 tỷ đồng. Ông Cường cho rằng các bị cáo biết rõ khoản vay này không đáp ứng các điều kiện cho vay nhưng cố tình thực hiện. Theo đại diện VKSND, có đủ căn cứ xác định bà Hứa Thị Phấn đang giữ 500 tỷ đồng của OceanBank nên phải buộc bà Phấn trả lại số tiền này.

Tuy vậy, dựa trên cơ sở điều tra và xét hỏi, tranh luận công khai tại tòa, ông Đào Thịnh Cường đề nghị HĐXX giảm án cho một số bị cáo là cán bộ hội sở, giám đốc chi nhánh OceanBank; miễn hình phạt cho 4 người nguyên là giám đốc các phòng giao dịch; trả lại tiền đã nộp khắc phục hậu quả cho các bị cáo. Ngoài ra, lãnh đạo Cty BSC là Phạm Hoàng Giang cũng được xin giảm án; nữ diễn viên Hoàng Thị Hồng Tứ được ông Cường đề nghị nhận án treo dù trước đó chính vị đại diện VKSND đề nghị bị cáo này nhận án tù. Những yêu cầu khác của VKSND được ông Cường giữ nguyên.

Xét xử đại án OceanBank: Hà Văn Thắm giúp người khác lấy tiền của mình? ảnh 1 Ông Đào Thịnh Cường - đại diện VKSND TP Hà Nội tại tòa.

Giúp người khác lấy tiền của mình?

Đối đáp với đại diện VKSND, luật sư Đào Hữu Đăng bào chữa cho Hà Văn Thắm nói thân chủ của mình đã nhận tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (ứng với số tiền thiệt hại 1.576 tỷ và 343 tỷ đồng - PV). Tuy nhiên, luật sư Đăng cho rằng vẫn chưa có lời giải đáp: “Vì sao những chuyên gia tài chính là giám sát, kiểm toán, thanh tra của NHNN không cảnh báo khi OceanBank sai phạm chi lãi ngoài hợp đồng (1.576 tỷ đồng - PV) trong nhiều năm khiến hàng chục lãnh đạo ngân hàng vướng lao lý... Phải chăng biết mà vẫn bỏ qua?”.

Ông Đăng đặt câu hỏi: “CQĐT chưa chứng minh được hành vi cố ý làm trái có gây hậu quả không? Có hành vi làm trái song không có nghĩa là có hậu quả. không thể đồng nghĩa việc không có hóa đơn chứng từ hợp lệ là thiệt hại”. Đặc biệt, luật sư Đăng cho rằng giám định tư pháp của NHNN không chứng minh được thiệt hại của vụ án. “Nếu chi lãi ngoài là hợp lý với hoàn cảnh lúc đó thì có bị coi là thiệt hại không?” - ông Đăng nêu quan điểm. Ông Đăng cũng cho rằng quan điểm của đại diện VKSND rằng Nguyễn Đức Kiên và Phạm Công Danh đã bị xử lý hình sự vì hành vi chi lãi ngoài là sai.

Một luật sư khác của Hà Văn Thắm, ông Nguyễn Huy Thiệp nói rất hụt hẫng khi VKSND không đối đáp lại quan điểm của mình dù đã có một ngày chuẩn bị. “Có tới 9 điểm tôi chờ đợi sự tranh luận song phần đối đáp đã nhắc lại phần đã nêu trong bản luận tội và cáo trạng” - ông Thiệp nói. Theo ông Thiệp, VKSND nhắc lại cáo trạng về số tiền 1.576 tỷ đồng dù ông Thắm đã nhận tội và không giải đáp các yêu cầu khác.

Luật sư Thiệp mong VKSND tranh luận các điểm: căn cứ xác định 1.576 tỷ đồng là thiệt hại từ việc chi lãi suất vượt trần; khoản tiền 246 tỷ đồng có hai nguyên đơn dân sự là PVN và OceanBank mới (sau khi bị mua 0 đồng - PV), vậy thu của ai trả cho ai; căn cứ để chứng minh bị cáo Sơn chiếm đoạt 246 tỷ đồng; căn cứ xác định 49 tỷ đồng bị cáo buộc tham ô là của PVN và 197 tỷ đồng còn lại là của cổ đông nhưng tại sao không trả cho họ; căn cứ chứng minh ông Thắm giúp ông Sơn chiếm đoạt tiền của chính ông Thắm (trong 246 tỷ thì có tới 155 tỷ là của Thắm nếu tính theo tỷ lệ góp vốn mà VKSND tính cho PVN)...

Đại diện VKSND phủ nhận ý kiến của luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) khi cho rằng 81 bút lục trong vụ án đã được đánh tráo theo hướng bất lợi cho bà Phấn. Cụ thể, các bút lục này được rút ra trước khi khởi tố vụ án Hà Văn Thắm và là tài liệu liên quan vụ chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín, không nằm trong vụ án này.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.