Hôm nay (25/5), TAND cấp cao tại TPHCM tiến hành tuyên vụ “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, xảy ra trên địa bàn Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Trước đó, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nguyễn Hồng Khanh 10 năm tù, Nguyễn Huy Hùng (cựu Giám đốc Chi nhánh BIDV Tây Sài Gòn) 12 năm tù và Nguyễn Quang Lộc (cựu cán bộ cấp dưới của bị cáo Hùng) 11 năm tù.
Bản án sơ thẩm cho rằng, 3 bị cáo có sai phạm liên quan đến việc BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn phát mãi tài sản thu hồi nợ là 20ha đất thế chấp của doanh nghiệp vay tiền từ năm 2005 tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Sau án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, cả 3 bị cáo kháng án, đề nghị cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội.
3 bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm |
Tại bản án phúc thẩm sáng nay, HĐXX nhận định cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Tài sản bị cáo Nguyễn Hồng Khanh mua của bà Hồ Thị Hiệp có phải là tài sản Nhà nước hay không thì chưa được cấp sơ thẩm làm rõ. Cũng như chưa làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của các bị cáo. Vì vậy chưa đủ cơ sở buộc tội các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”.
Bản án phúc thẩm nêu, bà Hiệp nhiều lần có đơn xin bán tài sản trả nợ cho ngân hàng. Khi được ngân hàng đồng ý thì bà Hiệp gặp bị cáo Khanh để bàn bạc việc mua bán. Quá trình mua bán có tham khảo theo giá thị trường còn việc bị cáo Khanh chuyển một phần tiền cho bà Hiệp là nhằm mục đích cho bà Hiệp tái kinh doanh và được ngân hàng đồng ý. Mặc đù, có hợp đồng 3 bên nhưng bị cáo Khanh, bà Hiệp và ngân hàng chưa bao giờ cùng gặp nhau, bạn bạc. Do đó, HĐXX xác định không đủ căn cứ xác định bị cáo Khanh là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Hùng và Lộc.
Từ những phân tích, nhận định trên, HĐXX quyết định tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Nội dung bản án sơ thẩm vừa bị Tòa phúc thẩm tuyên hủy
Từ năm 2005 đến 2008, bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Cty An Tây) đã vay của BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỷ đồng, thể hiện qua sáu bản hợp đồng. Tài sản thế chấp là hơn 20 ha đất, nhà xưởng, máy móc của Công ty An Tây với trị giá theo thẩm định tài sản gần 81 tỷ đồng.
Đến năm 2008, Cty An Tây không có khả năng trả nợ nên BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Thông qua môi giới, bị cáo Khanh đã mua toàn bộ tài sản thế chấp của bà Hiệp với giá gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, thiệt hại gần 36 tỷ đồng. Ngoài ra, Hùng, Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp, để sót 1.689 m2 đất trị giá hơn 748 triệu đồng của bà Hảo thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho bị cáo Khanh quản lý, sử dụng. Bản án sơ thẩm tuyên 33 năm tù đối với 3 bị cáo, cùng 1 tội danh.