Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng

TP - Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào hôm nay (20/10). Trong thời gian 21 ngày họp tập trung, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, mặc dù đây là kỳ họp cuối năm với nhiều việc, nhưng chương trình rút ngắn nhiều so với thông lệ thường là 30 ngày. Kỳ họp thứ 4 diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.

Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng ảnh 1

Nhiều dự án, công trình chậm tiến độ gây bức xúc cho người dân. Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chậm thêm 5 năm. Ảnh: Mạnh Thắng

Trong ngày khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp…

Liên quan tình hình kinh tế - xã hội, theo đánh giá của Chính phủ, năm 2022, dù khó khăn chồng khó khăn, kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn. Đặc biệt, có 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội giao, nhất là tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%; còn 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (ước thực hiện 4,7 - 5%/mục tiêu 5,5%). Tuy nhiên, Chính phủ chỉ ra những hạn chế, vướng mắc như đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm, triển khai tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro gặp nhiều khó khăn...

Với độ mở của nền kinh tế lớn cùng những bất ổn, rủi ro khó đoán định, năm 2023, dự báo kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, quan điểm chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô sẽ chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Chính phủ dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng 6,5%.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân là 4,5% trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên. Uỷ ban Kinh tế lưu ý, cần điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, chú trọng hơn đến cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Kiện toàn nhân sự

Trong ngày khai mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ họp riêng để xem xét, quyết định về công tác nhân sự, miễn nhiệm và bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đồng thời phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ 2021-2026 theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyển nguồn cải cách tiền lương 173 nghìn tỷ

Kỳ họp này Quốc hội cũng xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. Điểm đáng chú ý, Quốc hội sẽ cho ý kiến về vấn đề tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

Thông tin tại buổi họp báo trước kỳ họp, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%), áp dụng từ 1/7/2023. Còn việc tăng chi lương hưu trợ cấp BHXH đối với đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5%, hỗ trợ thêm người nghỉ hưu trước năm 1995, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, thực hiện từ đầu tháng 1/2023.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan sẽ phải xem xét, đề xuất việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, tuy nhiên, việc này sẽ còn phụ thuộc nhiều vào nguồn lực ngân sách.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Đức Thụ, nguyên Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tăng lương cơ sở là rất cần thiết, vừa cải thiện đời sống cho công chức, viên chức, vừa tạo động lực mới và ngăn chặn được tình trạng “chảy máu chất xám”. Tuy nhiên, ông Thụ nhấn mạnh, tăng lương phải được xem là vấn đề cấp bách như với phòng, chống dịch. Do vậy, thời điểm áp dụng tăng lương cơ sở cần phải được thực hiện ngay từ tháng 1/2023 thay vì kéo dài tới tháng 7/2023.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Theo Báo cáo giám sát gửi tới Quốc hội, việc quản lý, sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương chưa chặt chẽ, hiệu quả, trong khi số chuyển nguồn cải cách tiền lương tiếp tục xu hướng tăng cao do lập dự toán thu thấp, tăng thu cao. Riêng số chuyển nguồn cải cách tiền lương quyết toán năm 2020 sang năm 2021 là 173,1 nghìn tỷ đồng. Đoàn giám sát đề nghị phải rà soát lại toàn bộ các khoản chi chuyển nguồn, khẩn trương thu hồi các khoản tạm ứng, chuyển nguồn quá thời gian quy định, không có nhu cầu sử dụng hoặc đã hủy dự toán.

Đáng lưu ý, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, nhóm lĩnh vực nội vụ, trong đó có vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương cũng như tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua là một trong sáu vấn đề được đề xuất chất vấn tại kỳ họp này.

Tổng huy động vốn đạt hơn 619.400 tỷ đồng

Liên quan đến vấn đề nợ công, Chính phủ cho biết, năm 2022, tổng huy động vốn đạt khoảng 619.492 tỷ đồng, tương đương 25,2 tỷ USD. Trong đó, vay cân đối ngân sách Trung ương chiếm khoảng 97%, còn lại vay ODA, ưu đãi nước ngoài về cho vay lại; tổng trả nợ trong năm của Chính phủ ước khoảng 324.583 tỷ đồng, với gần 91% là trả nợ trực tiếp. Về nợ công, Chính phủ đánh giá, các chỉ tiêu được kiểm soát chặt chẽ, trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn.

Trong bối cảnh thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán, giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chính phủ cho biết, việc phát hành trái phiếu Chính phủ những tháng cuối năm sẽ phù hợp để đáp ứng yêu cầu chi ngân sách. Sang năm 2023, Chính phủ dự kiến huy động vay 644.515 tỷ đồng, tăng khoảng 27.000 tỷ đồng so với 2022. Chính phủ sẽ hoàn thiện pháp lý về nợ công, ngân sách để kiểm soát chặt nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách.

Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng ảnh 2
Tin liên quan