Xem Tây… hát với nhau!

Ben thổi kèn cùng các bạn ở Sài Gòn Jazz Club. Ảnh: Hồ Ðắc Anh Thi
Ben thổi kèn cùng các bạn ở Sài Gòn Jazz Club. Ảnh: Hồ Ðắc Anh Thi
TP - Nếu người Việt Nam cuối tuần thường tụ tập trong những quán hát với nhau để ca những bài nhạc bolero hay ca khúc cách mạng thì ở TPHCM những người nước ngoài cũng tụ tập lại trong những quán nhạc để đàn hát cùng nhau những bài hát tiếng Anh, tiếng Pháp. Có những quán nhạc thường ngày rất vắng, nhưng mỗi khi mở cửa sân khấu để khán giả tự hát với nhau lại đầy kín khách Tây…

Tìm niềm vui nơi quê người

Tôi biết Ben trong một lần anh chơi nhạc tại Sài Gòn Jazz Club ở đường Tú Xương. Anh là một nghệ sĩ kèn rất chuyên nghiệp: “Tôi đang dạy nhạc tại một trường quốc tế, tất nhiên tôi chơi nhạc để kiếm tiền, nhưng tôi cũng sẵn sàng chơi vì đam mê”. Một chương trình, Sài Gòn Jazz Club trả cát xê cho anh, nhưng khi sân khấu mở, hát với nhau, Ben cũng sẵn sàng thổi kèn suốt đêm vui cùng mọi người mà không cần một đồng xu nào!

Mark cũng là một tay trống rất nhiệt tình, thường xuất hiện trong những quán nhạc hát với nhau và lối chơi trống nhẹ nhàng của anh thể hiện một tâm hồn điềm đạm. Còn Toshio là một cây ghi ta luống tuổi nhưng lối chơi của anh rất bốc lửa. Điểm chung của họ là sẵn sàng lên sân khấu để đàn hát bất cứ đâu, hòa đồng với tất cả những người nước ngoài khác và cả những bạn bè mới quen tại Việt Nam.

Không thể thống kê được những nghệ sĩ, những người dạy nhạc nước ngoài đang làm việc, du lịch hay tìm cơ hội biểu diễn tại TPHCM lúc này. Thậm chí có một chuyên gia sửa đàn cho riêng những nghệ sĩ lang thang này là ông Long. Ông là một nghệ nhân người Singapore sống trong một căn nhà nhỏ, nơi chất đầy những cây đàn cũ mà những vị khách cũng là nước ngoài như ông đang sinh sống tại TPHCM gửi sửa chữa, nâng cấp. Ông Long nói với tôi: “Mỗi tuần tôi sửa từ ba đến năm cây đàn. Nhiều cây đàn rất quý, thậm chí rất cổ, giá tới dăm bảy ngàn đô la. Chủ nhân của nó là người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại TPHCM”.

Cách đây vài tuần, tôi gặp một nhóm nghệ sĩ người Nga từ Phú Quốc vào tận TPHCM để sửa những cây đàn của họ. Các bạn Nga nói: “Chúng tôi rất thích văn hóa Việt Nam, chúng tôi muốn dạy nhạc, làm việc tại đây với những cây đàn của mình”.

Bạn đến từ đâu?

Có lẽ quán hát với nhau, karaoke đông nhất là quán Yoko ở quận 3 TPHCM. Vào tối thứ Ba hàng tuần có hàng trăm người nước ngoài tới để hát với nhau. Họ tự chơi nhạc, đàn hát, giới thiệu về mình, bày tỏ niềm đam mê ca hát. Người dẫn chương trình cho đêm hát với nhau là một người Hà Lan. Vì đa số khách là nước ngoài nên dẫn dắt chương trình hát với nhau hàng tuần này cũng là người nước ngoài! Anh ta nói với tôi: “Quán rất đông khách, hát tới 11h30 khuya mà vẫn còn nhiều người đăng ký!”. Mỗi khách chỉ được phép hát 2 bài, song đôi khi phải vài ba tuần mới tới lượt!

Khoảng 8 giờ tối thứ Ba là quán đã đông nghẹt. Những người nước ngoài tới đem theo đàn ghi ta điện, ghi ta thùng, có người đem sáo, violon, thậm chí cả những bộ trống của họ nữa. Jan, một người làm việc tại TPHCM đã lâu, thường có mặt vui cùng chúng bạn, nghe những kẻ xa quê như cô hát và đôi khi cô cũng lên hát một vài bài. Hoài Anh, chủ quán Yoko, thường luôn có mặt trong các chương trình, nhưng đêm người nước ngoài hát với nhau, anh “né” đi, để họ tự chơi, tự hát với nhau những gì tùy thích. Những người phục vụ ở quán nói: “Khách tới hát với nhau, không chỉ được thỏa mãn đam mê mà còn được giảm giá đồ uống nữa!”.

Một phóng viên của Mỹ đã tới quán Yoko đúng vào đêm hát với nhau để ghi hình làm phóng sự. Anh ta nói với tôi: “Ở Mỹ, tôi cũng đã được giới thiệu về những quán hát với nhau của người nước ngoài tại TPHCM, nhưng sang đây, tôi mới tận mắt thấy không khí vui nhộn, thoải mái, đầm ấm thế này”. Người phóng viên phát cho những người đến hát một tờ phiếu điều tra ghi những câu hỏi đại loại như: bạn đến từ nước nào? Điều gì khiến bạn thích lui tới những chỗ hát với nhau… tất cả mọi người đều vui vẻ trả lời khảo sát của người phóng viên Mỹ. Phần lớn họ đều nhận xét về cuộc sống thân thiện ở TPHCM.

Ta cùng chơi nhạc chứ?

TPHCM là một thành phố mở, nơi những sở thích riêng tư được tôn trọng và yêu thích nghệ thuật là một nét văn hóa của nơi này. Những nghệ sĩ nước ngoài, những bạn trẻ nước ngoài yêu nhạc cảm thấy một không khí thân thiện chào đón mình.

Đào Minh Pha, giảng viên nhạc jazz của Nhạc viện TPHCM kể: “Tôi vừa tham gia một ban nhạc jazz lớn của người nước ngoài thành lập tại TPHCM. Tất cả đều chơi nhạc vì đam mê và tập trung lại với nhau tới vài chục nghệ sĩ, ngẫu hứng, đàn hát không vì cát xê. Các bạn rất đáng yêu. Cuộc sống của tôi cũng bận bịu với công việc giảng dạy, trước đam mê của các bạn, tôi cũng ôm cả cây đàn Contrabass tới chơi cùng”.

Anh Cường, một nghệ sĩ múa có mở quán cà phê nhỏ ở gần kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Hầu như tuần nào các nghệ sĩ Philippines cũng tới chỉ để hát với nhau. Họ người làm ca sĩ, người nấu ăn cho trường học, đều chọn thành phố này làm nơi mưu sinh. Những người Philippines này đem cả đàn và loa tới, họ hát với nhau tới khuya.

Xem Tây… hát với nhau! ảnh 1 Ðôi bạn say sưa hát với nhau tại quán Yoko. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Xem Tây… hát với nhau! ảnh 2

Quảng cáo chương trình hát với nhau cho người nước ngoài

Quê hương

Phương bass, một nghệ sĩ trẻ của TPHCM được gọi là chuyên gia thành lập ban nhạc vì có lúc anh có tới 4 ban nhạc khác nhau. Phương bass nói: “Các bạn của em đến từ nhiều nước khác nhau, các bạn đông quá, nên phải lập mấy ban khác nhau để cùng chơi nhạc ở các tụ điểm”. Họ có thể chơi nhạc jazz, rock, pop… Có những ban nhạc tồn tại đã dăm năm và mỗi cuộc chia ly của họ cũng thấm đẫm kỷ niệm của thành phố này.

Không chỉ Phương bass mà nhiều nghệ sĩ khác như nghệ sĩ kèn nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn cũng mời nhiều nghệ sĩ quốc tế sinh sống tại TPHCM tham gia ban nhạc và các chương trình của anh. Họ tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức… Những nghệ sĩ này thường tới quán nhạc jazz của Trần Mạnh Tuấn và chơi nhạc để thỏa nỗi mong nhớ với nghệ thuật, với những nhạc cụ của họ. Từ đó, họ quen thân với các nghệ sĩ Việt Nam như Trần Mạnh Tuấn và hợp tác cùng nhau.

Ngày nay, khi tới TPHCM chúng ta dễ dàng gặp những nghệ sĩ nước ngoài sẵn sàng lên sân khấu để hát những bài hát nổi tiếng, thậm chí nhiều người hát được bài hát tiếng Việt. Quả thực âm nhạc kết nối con người lại với nhau. Thật thú vị khi bạn tới một quán nhạc hát với nhau mà người Việt Nam chỉ chiếm thiểu số và chỉ ngồi nghe các bạn nước ngoài chơi nhạc, hát những ca khúc mà họ biết. Những bài hát ấy nói về những xứ sở quê hương của họ nơi xa xôi, đó là nước Mỹ, nước Nga, cũng có thể là Brazin, Cu Ba… những bài ca đầy màu sắc và da diết ấy đêm khuya vẫn vang lên trong thành phố phương Nam làm thổn thức người nghe.

TPHCM là một thành phố mở, nơi những sở thích riêng tư được tôn trọng và yêu thích nghệ thuật là một nét văn hóa của nơi này. Những nghệ sĩ nước ngoài, những bạn trẻ nước ngoài yêu nhạc cảm thấy một không khí thân thiện chào đón mình.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.