Xem robot đọc thơ, diễn kịch

Xem robot đọc thơ, diễn kịch
GS Oriza Hirata. TP - “Con phải đi đây/Đi ngay bây giờ/Nhưng không biết đi đâu/ Con sẽ làm bất cứ thứ gì, không e ngại/ Mỗi ngày con trải nghiệm nhiều hơn / Tìm ra những điều con mong muốn, khi tìm thấy con sẽ giữ nó đến cùng…” – Những câu thơ này được người máy Geminoid F đọc trước hàng trăm khán giả trong vở kịch “Sayonara” công diễn ngày 31/8 tại Hà Nội.

> Dạy Robot Việt nhảy bằng smartphone
> Việt Nam giành giải Nhì và Ba tại cuộc thi Robocon châu Á

Chưa đến giờ công chiếu, khán phòng của rạp Công Nhân 42 Tràng Tiền đã gần chật kín ghế ngồi. Mọi người đều tò mò muốn biết người máy Geminoid F sẽ diễn kịch thế nào trong vở “Sayonara” (tạm dịch là tạm biệt). Chương trình do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.

Giao cảm với con người

Người ta đã biết robot Nhật có thể nhảy múa và hát, thậm chí biết chăm sóc người bệnh và làm nhiều việc khác. Còn trong dự án này, GS Oriza Hirata - đạo diễn kịch trường Đại học Osaka muốn đưa người máy lên sân khấu để “tăng giao tiếp giữa robot và con người một cách tối đa”. Ông nói: “Tôi muốn tạo ra thế hệ người máy có thể cùng chung sống với con người và có những giao cảm với con người.”

Geminoid F là robot dòng Android, không thể chuyển động tay chân mà chỉ chuyển động khuôn mặt. GS Oriza Hirata cho biết: “Tôi muốn làm điều mọi người chưa bao giờ nghĩ đến đó là robot có thể đọc thơ”.

Robot Geminoid F (trái). Ảnh: dã huệ
Robot Geminoid F (trái). Ảnh: dã huệ.

Vở kịch kể về một cô chủ nhỏ lâm bệnh nặng. Cha biết cô không sống được bao lâu nên đã chọn mua một người máy để làm bạn với cô. Cô người máy hằng ngày đọc thơ và trò chuyện cho cô chủ nghe. Trong ngày cuối đời, cô chủ thốt lên: “Tôi sắp chết, bạn hãy đọc vần thơ nào hào hứng đi”. Cô gái người máy nghiêng mặt trầm tư. Cô như nhận thức rằng, cô chủ nhỏ sẽ không bên mình nữa. Mắt cô chớp chớp như để nhớ những vần thơ hay nhất rồi đọc... Cô chủ nhỏ nằm thiếp đi và không tỉnh dậy. Cô gái người máy vẫn đọc những vần thơ…

Vở kịch mang đến nhiều suy tưởng. Một khán giả, chị Mai, 39 tuổi, trú tại Ngọc Thụy – Long Biên, Hà Nội: “Tôi nghĩ robot là cái gì đó cứng nhắc, nhưng khi được nghe robot đọc những vần thơ mang triết lý sống, tôi cảm nhận robot trong vở kịch cũng như một con người. Tôi vừa xúc động lại vừa kinh ngạc”.

Bà Mitsue Inoue - Giảng viên ĐH Ngoại thương, khoa tiếng Nhật: “Tôi cảm nhận được nỗi buồn và sự cô đơn của cô gái robot. Xem kịch xong, tôi chỉ muốn quay về Nhật. Tôi đã thấy nhiều robot nhưng lần đầu tiên thấy robot với lời nói, khuôn mặt rất tự nhiên”.

“Bí kíp” công nghệ

Dự án này là sự kết hợp giữa sân khấu và công nghệ. GS Oriza Hirata và đoàn kịch Seinendan đã có sự hợp tác đặc biệt với chuyên gia hàng đầu về người máy của Nhật Bản là GS Hiroshi Ishiguro, Đại học Osaka.

Trong 5 năm qua, đã có 5 tác phẩm kịch do GS Oriza Hirata sáng tác và đạo diễn, được diễn thành công ở 15 quốc gia châu Á và châu Âu. Tác phẩm thứ 6 sẽ được công chiếu lần đầu tiên tại Pháp năm 2014.

“Sayonara” là tác phẩm thứ ba trong số đó. Để có được những cử động về khuôn mặt, ánh mắt, lời nói… của người máy, nhóm nghiên cứu mất 4 năm phát triển phần mềm. Người máy Geminoid F được phòng thí nghiệm của Giáo sư Ishiguro tạo ra năm 2010.

Sau công đoạn lập trình từng hành động kịch, diễn viên phải tập cùng robot để khớp lời. Trung bình, mất một tháng để diễn viên và người máy cùng tập với một vở kịch. Trong lần biểu diễn tại Hà Nội này, có một kỹ sư tại Nhật điều khiển từ xa qua internet cho hoạt động của robot.

Diễn viên Takuya Hoshino chia sẻ sau buổi diễn: “Tôi luôn phải chú ý để không sai sót. Cảm xúc khi diễn với robot cũng giống như với con người nhưng phải căn từng giây để khớp lời robot”.

Hiện tại, GS Hirata kỳ vọng phát triển loại hình kịch người diễn cùng robot, nhưng robot có thể diễn nhiều động tác. Một vở kịch có thể sử dụng nhiều người máy. “Việc viết kịch sử dụng robot là trải nghiệm tuyệt vời mà tôi có được” - ông chia sẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG