Cuối tháng 2, khi những vườn bưởi Phúc Trạch nở rộ cũng là lúc người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hối hả ra vườn “se duyên” cho giống bưởi đặc sản.
Giống bưởi Phúc Trạch được mệnh danh là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, được trồng nhiều tại xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Thủy... Bưởi Phúc Trạch có vị ngọt thanh, quả to, tép mọng nước.
Dịp này đến Hương Khê, tại những vườn đồi, trang trại, người dân hối hả đưa từng hạt phấn vào nhụy vàng của các bông hoa, giúp bưởi kết trái.
Từ sáng sớm, người dân đi hái hoa bưởi chua, đựng vào xô nhỏ rồi dùng tay nhẹ nhàng đưa nhụy hoa bưởi chua quét lên hoa bưởi Phúc Trạch. Dù không quá phức tạp nhưng công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì của người nông dân khi hoa bưởi rất nhỏ và rất nhiều.
Với hơn 300 gốc bưởi Phúc Trạch, bà Đinh Thị Thanh (51 tuổi, trú thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch) phải thức dậy từ 5h sáng để làm việc. Với lịch trình hái hoa bưởi chua từ vườn nhà, sau đó ra trang trại để thụ phấn. Hoa chỉ nở hai tuần lễ, nên những thời điểm này gia đình bà Thanh phải làm việc hết tần suất từ sáng tới tối.
“Thụ phấn vào buổi sáng tỉ lệ đậu quả cao hơn do hoa vừa nở, đang tươi và trời mát, còn trưa và chiều hoa héo hơn thì tỉ lệ đậu kém hơn, nhưng vẫn phải làm vì cho kịp mùa vụ. Nếu bình thường không thụ phấn thì tỉ lệ đậu quả chỉ đạt 30%, còn thụ phấn như này thì đạt 80%. Sau khi thụ phấn được khoảng hơn 1 tháng sẽ cắt bỏ bớt quả bưởi không đạt”, bà Thanh cho hay.
Với người trồng bưởi, quá trình thụ phấn là khoảng thời gian làm việc vất vả và khó khăn nhất.
Những ngày này gia đình bà Bạch Thị Lương (trú tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) cùng nhau ra vườn để thụ phấn bổ sung cho bưởi. Cây bưởi là cây chủ lực, là nguồn thu nhập lớn nhất của gia đình bà Lương nên được chăm sóc rất kỹ. Đặc biệt, việc thụ phấn bổ sung quyết định đến năng suất của cả vụ nên được đầu tư rất nhiều thời gian với hy vọng được mùa bưởi bội thu.
Những nhụy hoa bưởi chua được người dân hái để thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch.
Những nhụy hoa chua được ngắt hết các cành, để lại nhụy vàng bên trong có phấn hoa để thụ phấn bưởi. Việc thụ phấn bưởi chua được đánh giá tăng năng suất, nhưng vị ngọt vẫn được đảm bảo.
Những cây bưởi cao, người dân phải dùng sào để đưa nhụy hoa bưởi chua thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch.
Những hoa gần, ở tầm thấp, người nông dân dùng tay tự thụ phấn cho bưởi.
Những gốc bưởi cổ thụ, người dân phải sử dụng đến thang để thụ phấn.
Một số gốc bưởi chưa kịp thụ phấn hoa đã rụng đầy gốc.