> Bộ trưởng Đinh La Thăng có nhầm lẫn?
Tại cuộc họp với báo chí ngày 3-4, Bộ trưởng GTVT khẳng định sẽ thu phí lưu hành và phí hạn chế phương tiện cá nhân bởi Chính phủ, Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này?
Cách hiểu của Bộ trưởng GTVT là tại kỳ họp thứ hai vừa qua, QH đồng ý việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông là không đúng. QH mới chỉ thông qua chủ trương chung về đầu tư cho giao thông, phí và thu phí chỉ là một giải pháp. Còn biện pháp thu như thế nào, bao giờ thu, về nguyên tắc, phải có đề án cụ thể. Chính phủ phải trình đề án đó ra UBTVQH cho ý kiến, quyết định, rồi mới triển khai. Phải đúng quy trình. Trong trường hợp này, đề án của Bộ GTVT gặp phản ứng trái chiều của dư luận, nhân dân và ngay tại phiên họp UBTVQH mới đây cũng có nhiều ý kiến đề nghị đưa ra QH xem xét.
Vì vậy, tôi nghĩ, đề án thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT cần đưa ra thảo luận tại QH để nhân dân biết. Nếu thấy hợp lý, QH sẽ đồng tình còn nếu không phù hợp, QH không thông qua, điều đó là bình thường.
Với tư cách cá nhân, ông có ý kiến gì về đề xuất của Bộ GTVT?
Khi có những phản ứng, Bộ điều chỉnh nhiều mức thu khác nhau, theo hướng giảm thu. Nhưng giảm mức thu, người ta sẽ lại có điều kiện sử dụng phương tiện nhiều hơn. Nếu nói mục đích thu để hạn chế phương tiện rõ ràng không đạt được. TS Đinh Xuân Thảo |
Một đề án nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn và có nguồn thu đầu tư cho hạ tầng giao thông, về lâu dài, là cần thiết. Nhưng cần tính toán kỹ, để giải quyết ùn tắc giao thông, cần có giải pháp đồng bộ như tăng cường phương tiện giao thông công cộng, giảm tải dân số cho khu vực trung tâm. Tức là phải có một giải pháp đồng bộ, lâu dài. Nhưng hiện nay, đa số người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân trong cuộc sống hằng ngày. Nếu họ lại phải chịu quá nhiều loại chi phí gộp vào trong khi thu nhập còn thấp thì đời sống sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Phải tính đến điều kiện thực tế là phương tiện công cộng của ta chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Phần lớn người lao động cũng đang phải sử dụng phương tiện cá nhân của mình để đi làm, kiếm sống. Vì vậy, phải tính toán lại đề án này ở nhiều khía cạnh.
Trước hết, cần làm rõ mục tiêu của hai loại phí “hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” và “phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm”. Bộ đề ra mục tiêu là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố giờ cao điểm, tạo nguồn đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ. Nhưng do đã có một số nguồn thu rồi, như từ 1-6 sẽ thu phí bảo trì đường bộ, tức là phí sẽ chồng lên phí.
Dù gặp phải phản ứng của dư luận nhưng Bộ GTVT vẫn rất quyết tâm?
Tôi cho rằng cần tham khảo, lấy ý kiến nhân dân, bởi dân là người bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, phải có sự tách bạch rõ phí lưu hành thì xem nó có trùng thuế, trùng phí không. Vì đã có rất nhiều khoản thuế và phí trên một phương tiện - từ nhập khẩu, đăng ký, đăng kiểm, phí thu qua xăng dầu...
Giá thành đầu xe ở Việt Nam có thể nói do phí và thuế đã trở thành đắt nhất thế giới. Nếu nói thu để bảo trì, bảo dưỡng, đầu tư trở lại hạ tầng giao thông thì phải rõ ràng, phải công bằng: Ai lưu hành nhiều thu nhiều, không thể đổ đồng như đề án. Thu bao nhiêu, sử dụng ra sao, phải giải trình rõ. Bên cạnh đó, phải tính toán xem việc thu phí hạn chế phương tiện vào nội đô có hiệu quả thực sự không.
Bộ GTVT cho rằng đề án này cũng vì đại đa số người dân, và Bộ trưởng GTVT sẵn sàng chịu trách nhiệm, kể cả việc bỏ phiếu tín nhiệm?
Một việc này thôi thì cũng không đến mức và không cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng việc Bộ trưởng cho rằng QH đã có chủ trương, nghị quyết rồi và cứ làm thì phải xem xét lại. Bởi đây là vấn đề lớn, tác động tới nhiều người dân, nếu có sự hiểu chưa đúng ở đây thì phải đưa ra QH xem xét, cho ý kiến.
Nguyễn Tuấn
thực hiện