Xem đúc trống đồng dâng Quốc giỗ

Rót đồng vào khuôn tại xưởng nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn Ảnh: T.Toan
Rót đồng vào khuôn tại xưởng nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn Ảnh: T.Toan
TP - La liệt khuôn đất phơi nắng, lách cách đục họa tiết, tiếng ồn rộn lên của máy tiện… khi chúng tôi vừa đặt chân vào xưởng đúc trống đồng cho dự án "Trống đồng-Âm vang đất tổ".
Rót đồng vào khuôn tại xưởng nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn Ảnh: T.Toan
Rót đồng vào khuôn tại xưởng nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn. Ảnh: T.Toan.

Từ ý tưởng đúc 37 chiếc trống đồng của Hội Khoa học Lịch sử VN và Hội Di sản, hai nghệ nhân Thiều Quang Tùng và Nguyễn Minh Tuấn có chừng hai tháng để triển khai, kịp bàn giao trước giỗ Tổ.

Đến xưởng anh Nguyễn Minh Tuấn ở xã Quảng Ninh, Quảng Xương (Thanh Hóa) một tuần kể từ lễ chập lò 18 tháng Giêng (ÂL), mới thấy chiếc trống đồng đúc đầu tiên đang trong giai đoạn đánh bóng.

Trống đường kính 88cm đặt ở đền Trung (đền Hùng) mô phỏng họa tiết Hy Cương của trống đang trưng bày tại bảo tàng Hùng Vương ở Phú Thọ. Đấy là còn dùng máy, chứ cứ như các cụ ngày xưa có đến hàng tháng mới xong công đoạn làm đẹp trống. Dẫn chúng tôi một vòng quanh xưởng hơn 200m2, anh Tuấn chỉ mấy chiếc khuôn đất, bảo, khó và mất thì giờ nhất là đây.

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng, cơ sở đúc đồng xã Đông Tiến, Đông Sơn (Thanh Hóa) nói, chiếc trống to nhất, đường kính 1,47m tính đến nay gần 7 tháng làm khuôn, nặng gần 4 tấn.

Trống đúc hoàn toàn thủ công, theo phương pháp ba mang. Lớp vỏ ngoài khuôn đất chia đôi thành hình bán khuyên, tiện cho chạm hoa văn, khi chuẩn bị đổ đồng thì ráp lại. Thêm một lớp mặt trống cũng khắc họa tiết tỉ mỉ. Đấy là chưa kể lớp khuôn phía trong để lấy dáng trống. Tất cả đều bằng đất sét. Sét phải chọn loại mịn không lẫn tí sạn nào, khi ướt dẻo quánh, khô lại bóp vụn phải mịn tay.

Đục họa tiết trống đồng Ảnh: T.Toan
Đục họa tiết trống đồng. Ảnh: T.Toan.

Đất làm khuôn trống thường lấy ở mỏ Yên Định (Hà Nam), trước thì lấy ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Anh Tuấn kể, có khi phải đào sâu 11m so với mặt đất, mới lấy được vài chục phân sét. Bìa khuôn ngoài đắp thành hai loại đất, loại có trộn trấu để đắp phía ngoài chịu nhiệt. Phần phía trong màu đen trộn với tro chính là nơi đục họa tiết trống.

Mỗi chiếc trống có hơn nghìn nét họa tiết, nhưng cả hai nghệ nhân đều khẳng định, nhìn thế thôi chứ làm khuôn vẫn nhọc công nhất. Từ nhào đất, đắp khuôn đều thủ công cả, nay được hỗ trợ máy đánh bóng, nồi đun đồng dùng điện và cẩu ròng rọc đổ đồng đối với trống lớn.

Do phần bìa ngoài lớp vỏ phải chia đôi, khi ráp mà không khéo là hỏng trống ngay. Thêm công đoạn ráp khuôn trong với khuôn ngoài, chỉ lệch vài li cũng đi luôn chiếc trống. Anh Tuấn kể hồi mới khởi nghiệp, nhiều khi rót đồng xong dỡ khuôn, trống thủng, nứt đôi hết.

Trừ những phiên bản dùng lưu niệm, chứ trống muốn lấy âm thanh thì nhất thiết phải có đường kính mặt từ 50cm trở lên. Trống càng lớn, âm càng ngân. Muốn âm thanh tốt, dáng trống phải chuẩn, độ dày mỏng liệu cho chuẩn, chiếc trống lớn nhất đợt này đường kính 1,47 m mà mặt trống chỉ dày chừng 0,7 cm. Tỷ lệ pha đồng quan trọng không kém.

Đây cũng được xem là bí quyết của mỗi nghệ nhân, anh Tùng nói đồng đảm bảo từ 78 đến 82%. Còn lại là thiếc, chì, kẽm liệu pha cho khéo. Làm trống muốn chuẩn phải chọn đồng đỏ, giá thành cao gấp đôi đồng vàng-dù loại này cũng đúc được trống.

Hỏi nhỏ anh, chuyện bỏ vàng vào trống đồng có gì bí mật, anh nói thực ra đó là thể hiện cái tâm của người làm trống. Theo lí trí, vàng không tạo ra âm thanh. Nhưng mỗi chiếc trống chỉ bỏ chút ít, không ảnh hưởng gì.

Thời tiết cũng gây khó khăn. Vì khuôn đất đòi hỏi thời gian phơi khô lâu đến hàng tháng. Gặp mưa xuân sùi sụt, lại phải nghĩ cách khắc phục. Lấy rơm đốt phía trong khuôn, dùng máy sấy cho khuôn trống to nhất, kịp thời gian đổ đồng.

Lúc rảnh rỗi, có thợ tự tay làm đủ công đoạn từ làm khuôn tới đục họa tiết, rót đồng. Ở lúc gấp rút này, mỗi người một công đoạn. Dù eo hẹp thời gian, nhưng cả anh Tuấn, Tùng đều bảo phải dồn tâm sức chú ý hơn nhiều so với các đợt đặt hàng khác. Trong mỗi chiếc trống đúc này còn chứa cả tấm lòng thành kính của nghệ nhân.

Sau gần hai chục năm theo nghề, anh Tùng nói: "Nghề đúc trống đồng thất truyền không biết bao nhiêu đời, nên không cứ sinh ra ở làng nghề đúc đồng truyền thống là có thể theo nghề. Đúc trống đồng đòi hỏi am tường văn hóa, lịch sử, nhất là phân chia các thế hệ trống, họa tiết ra sao.

Sở dĩ tôi và anh Tuấn có thể theo đuổi nghề này vì chúng tôi có lợi thế từng phục chế đồ đồng. Thêm vào niềm đam mê được theo nghề cha ông".

Dự án Trống đồng-Âm vang đất tổ gồm 3 chiếc trống đặt cố định ở đền Hùng, 1 chiếc tặng di tích Phủ Chủ tịch đường kính 88cm. 18 chiếc tặng Bộ Ngoại giao, mỗi trống mô phỏng theo họa tiết: Ngọc Lũ, Đông Sơn, Hoàng Hạ, Quảng Xương, Sông Đà, Miếu Môn.

Số trống này còn khắc thêm 6 hình ảnh di sản tiêu biểu của Việt Nam, được UNESCO công nhận: Vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long (hình ảnh cột cờ), nhũ đá động Phong Nha - Kẻ Bàng, Ngọ Môn, chùa Cầu Quảng Nam, tháp Chàm thánh địa Mỹ Sơn. 

Toan Toan

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG