Xem Công an diễn tập cứu nạn, chữa cháy trong đường hầm vượt sông Sài Gòn
TPO - Theo kịch bản diễn tập, lúc 9h sáng 28/5, xe khách 30 chỗ lưu thông trong đường hầm vượt sông Sài Gòn, hướng từ quận 1 sang TP Thủ Đức thì bị tắt máy đột ngột không di chuyển được.
Diễn viên tham gia diễn tập yêu cầu phải hoá trang như thật.
Theo kịch bản, vào lúc 9h ngày 28/5, xe khách 30 chỗ đang lưu thông trong đường hầm sông Sài Gòn (hướng từ Quận 1 sang thành phố Thủ Đức), đến vị trí cách đầu hầm Thủ Đức 300m thì gặp sự cố khiến xe bị tắt máy đột ngột không di chuyển được. Do dừng đột ngột, tài xế xe tải chở hàng tải trọng 2,5 tấn đang chạy cùng làn đường phía sau không làm chủ được tay lái tông thẳng vào đuôi xe khách gây tai nạn liên hoàn các xe phía sau.
Lưu thông phía sau xe tải, tài xế xe ô tô 4 chỗ không làm chủ được tốc độ, đánh lái sang phải tông trực diện vào xe máy đang lưu thông cùng chiều làm ngã xe, rò rỉ nhiên liệu. Xăng gặp tia lửa phát ra do ma sát giữa xe máy với mặt đường, đám cháy bùng lên. 1 xe ô tô lưu thông cùng chiều phía sau tiếp tục tông vào xe ô tô 4 chỗ... Nhận được tin báo, lực lượng tại chỗ của Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông Đô thị thông báo cho toàn cơ sở nắm tình hình sự cố, thông báo cho lực lượng chuyên nghiệp biết thông tin qua số điện thoại 114, đồng thời triển khai phương án chữa cháy cho lực lượng tại chỗ.
Người bị nạn chạy theo lối thoát hiểm ra ngoài đường hầm. Buổi diễn tập huy động hơn 1.200 người từ các đơn vị: Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông Đô thị - Sở Giao thông vận tải TPHCM, Công an Thành phố, Sở Y tế, Bộ Tư Lệnh Thành phố, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, Tổng công ty Điện lực TPHCM, Thanh niên xung phong, UBND thành phố Thủ Đức, Sở Tài chính TPHCM, Văn phòng UBND Thành phố, Đài truyền hình TPHCM…
Người bị thương nặng được dìu ra ngoài.
Mục đích của cuộc diễn tập nhằm nâng cao ý thức PCCC và CNCH đối với các công trình trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn TPHCM, đồng thời tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống chữa cháy và CNCH của lực lượng, phương tiện tại chỗ.
Bên cạnh đó, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và công tác phối hợp tác chiến giữa lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH với các lực lượng tham gia chữa cháy, CNCH trên địa bàn thành phố trong xử lý các tình huống cháy, nổ lớn.
Sau diễn tập, cơ quan chuyên môn sẽ kiểm tra khả năng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở trên địa bàn TPHCM nhằm tham gia giải quyết các tình huống cháy, nổ lớn phải tổ chức công tác chữa cháy, CNCH.
Qua đó, lực lượng cảnh sát PCCC- CNCH sẽ đánh giá tính năng, tác dụng, hiệu quả thực tế của các phương tiện, thiết bị chữa cháy, CNCH, thông tin liên lạc và công tác hậu cần.
Tuy chỉ là diễn tập nhưng sự tập trung của các chiến sĩ luôn cao độ, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Lực lượng chó nghiệp vụ được triển khai để tham gia công tác tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt nhằm cứu nạn, cứu hộ nạn nhân kịp thời.
"Thủ phạm chính" gây nên tình huống diễn tập đang được Cảnh sát PCCC tập trung dập lửa.
Thiết bị chữa cháy chuyên dụng được sử dụng trong cuộc diễn tập.
Robot chữa cháy được đưa vào đường hầm tham gia công tác chữa cháy. Xe rô bốt tự hành là loại xe chữa cháy và cứu nạn bánh xích điều khiển từ xa bằng thiết bị vô tuyến, được sản xuất tại Đức. Trên xe trang bị động cơ diezen (động cơ kéo dùng cho chuyển động tự hành) và động cơ xăng (dùng cho máy bơm chữa cháy được trang bị theo xe). Ưu điểm nổi bật của xe là khả năng tự hành vào khu vực nguy hiểm đối với con người để triển khai phun chất dập tắt đám cháy. Xe có kích thước nhỏ gọn. Trọng lượng tịnh 2,5 tấn, tổng trọng lượng 5 tấn. Dung tích két nước 2000 lít. Dung tích két bọt 150 lít.
Hệ thống phun nước của hầm vượt sông Sài Gòn được kích hoạt, kết hợp với "vòi rồng" chuyên dụng.của lực lượng PCCC chuyên nghiệp Hầm vượt sông Sài Gòn được trang bị hệ thống chữa cháy tự động trong đường hầm ở cả 2 hướng lưu thông. Đây là hệ thống chữa cháy tự động với công nghệ hiện đại, áp lực phun nước cao gấp 10 lần hệ thống chữa cháy tự động thông thường… giúp cho việc chữa cháy hiệu quả hơn trong đường hầm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Cao trào của tình huống là tổng lực dập lửa. Trong ảnh, các chiến sĩ bị bao phủ bởi khói, nước, vật liệu chữa cháy...
Các nạn nhân được đưa vào lối thoát hiểm của hầm vượt sông di chuyển ra ngoài, chuyển giao cho đội ngũ nhân viên y tế.
Tuy chỉ là tình huống giả định nhưng có thể thấy công tác PCCC-CNCH được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản và tập trung.
Xe chữa cháy hai đầu là loại xe 2 buồng lái, cơ động ra vào đường hầm từ 2 hướng, tích hợp các hệ thống cứu hộ và chữa cháy, được thiết kế đặc biệt dùng để xử lý nhanh các đám cháy và cứu nạn, cứu hộ trong đường hầm. Do đường hầm không đủ rộng để quay đầu nên xe chữa cháy 02 đầu là phương tiện linh hoạt nhất không cần quay đầu mà vẫn có thể thay đổi buồng lái để di chuyển ngược lại một cách linh hoạt trong đường hầm.
Hoạt động diễn tập sẽ nâng cao khả năng sẵn sàng phối hợp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, năng lực chỉ huy, điều hành và công tác phối hợp giữa Công an Thành phố với các lực lượng khác trên địa bàn TPHCM trong xử lý các tình huống cháy, nổ lớn, phức tạp cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.