TPO - Sở hữu nhiều nâng cấp mang tính thể thao và tiện lợi hơn tuy nhiên, thiếu các chế độ lái khiến mẫu xe gầm cao này chưa tối ưu hoá ở khả năng vận hành.
Được đánh giá là một trong những phân khúc sôi động và đáng chú ý nhất của thị trường ôtô Việt Nam hiện nay, crossover cỡ trung với mức giá khoảng 1 tỷ đồng đang là sự cạnh tranh của hàng loạt mẫu xe nhưng nổi bật hơn cả là các đại diện đến từ Nhật Bản. Với kết cấu 5+2 tiện dụng, gầm cao và tiết kiệm nhiên liệu tốt, phân khúc này đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các gia đình.
Và để khởi động cho một năm 2020 tiếp tục phát triển đối với các mẫu crossover cỡ trung, Mitsubishi đã tung ra phiên bản mới dành cho Outlander. Tuy chỉ là một bản facelift nâng cấp giữa vòng đời nhưng xe đã được bổ sung từ 11 đến 15 điểm, theo công bố từ nhà sản xuất. Liệu các thay đổi về thiết kế cũng như tính năng trên Mitsubishi Outlander 2020 có giúp mẫu xe này cạnh tranh đươc với những đối thủ mạnh như Honda CR-V hay Mazda CX-5 không?
Ngoại thất
Đến với năm 2020, Mitsubishi Outlander không có thay đổi gì về mặt kích thước so với trước đây, xe vẫn có chiều dài x rộng x cao lần lượt 4.695 x 1.810 x 1.710 mm, cùng với đó là chiều dài cơ sở 2.670 mm và khoảng sáng gầm 190 mm. Do đó, Outlander 2020 vẫn sở hữu hình dáng thuôn dài quen thuộc, trong khi gầm xe không cao bằng nhiều đối thủ khác trong phân khúc.
Ngôn ngữ Dynamic Shield tiếp tục là "kim chỉ nam" cho thiết kế của các mẫu xe Mitsubishi. Đối với Outlander 2020, điều này được thể hiện rõ ràng ở phần đầu xe với lưới tản nhiệt kiểu mới gồm các thanh ngang màu bạc kết hợp lưới dạng tổ ong, bên cạnh là hai dải Chrome bo cong ở hai mép bên. Đồng thời mẫu crossover này đã được mài phẳng ở mặt ca-lăng trước và hạn chế các phần ốp lồi ra hơn so với trước.
Phiên bản mới của Mitsubishi tiếp tục sở hữu ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield.
Dòng chữ quen thuộc "OUTLANDER" phía trên lưới tản nhiệt đã được loại bỏ ở mẫu xe năm 2020 này và phần cản trước có thiết kế kiểu mới với ốp mạ Chrome. Trong khi đó, cụm đèn pha vẫn giữ hình dáng quen thuộc như trước đây nhưng đèn LED chạy ban ngày hiện đã trở thành trang bị tiêu chuẩn. Phiên bản 2.0 CVT Premium có thêm hệ thống chiếu sáng sử dụng công nghệ Full LED tích hợp chức năng rửa đèn. Điều này giúp Mitsubishi Outlander 2020 không bị tụt hậu so với các đối thủ.
Đáng tiếc, cụm đèn pha vẫn giữ kiểu gộp cùng một chỗ, chưa tạo nên đột phá về thiết kế như nhiều người kỳ vọng với hai phần được đặt tách biệt như trên những "anh em" Xpander hay Triton. Có lẽ, Mitsubishi muốn đợi đến khi thế hệ mới của Outlander để cập nhật thiết kế mặt trước hoàn toàn, mang đúng chất Dynamic Shield.
Bánh mâm sở hữu thiết kế thể thao hơn.
Hai bên thân xe vẫn được trang trí với đường gân dập nổi chạy dọc từ đầu đến đuôi kết hợp với dải kim loại kéo dài giữa hai cánh cửa, và thanh giá trên nóc xe. Trong khi đó, phần viền cửa kính mạ Chrome giúp xe tăng vẻ sang trọng. Bánh mâm đúc hợp kim 18 inch cũng là một điểm nhấn mới lạ với 2 tông màu tương phản và thiết kế 8 chấu thể thao.
Đuôi xe có hình dáng cơ bản không khác biệt nhiều so với trước đây, các thay đổi nằm ở cánh lướt gió trở thành một trang bị tiêu chuẩn và cản sau được thay đổi nhẹ. Chúng sẽ giúp Outlander mới tăng khả năng thoát gió phía sau, xe sẽ ổn định hơn. Những chi tiết còn lại không có thay đổi, Mitsubishi dường như muốn giữ lại sự hài hòa mà trước đây mẫu crossover của mình đã đạt được.
Đuôi xe có thêm cánh lướt gió trên cao.
Tổng thể về ngoại thất, Mitsubishi Outlander 2020 có một số thay đổi nhẹ, đúng chất dành cho một bản facelift (nâng cấp giữa vòng đời). Tuy nhiên, những thay đổi này đem đến điểm tích cực, đặc biệt ở phần đầu xe, thu hút nhiều người từ cái nhìn đầu tiên dù thiết kế mặt trước chưa được cập nhật theo đúng xu thế của nhà Mitsubishi hiện nay.
Nội thất
Có thể thấy, khoang cabin của Outlander mới có cách bố trí không khác biệt nhiều so với trước đây, chỉ có thay đổi một chút ở các nút điều khiển điều hòa, lẫy chuyển số đã xuất hiện trên vô-lăng và phanh tay truyền thống được thay thể bằng phanh tay điện tử, tăng tính thẩm mỹ và giúp tích hợp thêm tính năng giữ phanh tự động (Auto Hold) khi xe dừng. Hệ thống âm thanh được trang bị với 6 loa, nội thất hoàn thiện với da và ốp giả sợi carbon bóng trên bản Premium cho cảm giác cao cấp.
Nội thất trên phiên bản Premium được bọc da cùng ốp nhựa giả vân carbon.
Chính giữa bảng táp-lô là màn hình giải trí cảm ứng kích thước 7 inch lớn hơn một chút so với trước, nhưng hệ thống giải trí đã được nâng cấp mạnh khi tích hợp kết nối Apple CarPlay và Android Auto. Qua thử nghiệm Android Auto, kết nối với điện thoại đôi khi còn chưa ổn định khi bắt đầu, ngoài ra cảm ứng của màn hình chưa phản hồi tốt với chuyển động ngón tay.
Cụm đồng hồ được tạo thành bởi hai đồng hồ nhỏ đo tốc độ và tua máy cùng một màn hình LCD cỡ nhỏ hiển thị các thông số cần thiết. Vô-lăng vẫn có thiết kế cũ, được bọc da và tích hợp các nút nghe gọi điện thoại rảnh tay và thiết lập Cruise Control.
Tuy nhiên, người lái sẽ có cảm giác khá khó chịu khi quay sang bên trái vì cột A của xe hơi dày cùng với gương chiếu hậu được đặt không hợp lý nên Outlander mới không tối ưu tầm quan sát tốt cho tài xế.
Màn hình được nâng cấp lên kích thước 7 inch.
Trong khi đa số các ghế đều chỉ có thể điều chỉnh bằng tay khá vất vả, ghế lái có thể chỉnh điện 10 hướng với chức năng làm phồng đệm lưng lại là một điều được đánh giá cao trên Outlander mới. Bọc da và đệm ghế trên bản Premium cho cảm giác êm ái và dễ chịu.
Ngoài ra, Outlander 2020 sở hữu hệ thống điều hòa tự động hai vùng độc lập, hàng ghế thứ 2 được trang bị cửa gió điều hòa, một cập nhật đến khá muộn so với các đối thủ cùng phân khúc nhưng cũng góp phần làm dịu mát cho hành khách phía sau trong những ngày hè nắng nóng. Tiện tay, Mitsubishi đồng thời bổ sung thêm 2 cổng sạc USB ngay dưới cửa gió phía sau.
Không gian nội thất của Outlander 2020 được thiết kế với kết cấu 5+2 chỗ ngồi, chiều dài trục cơ sở 2.670 mm cũng thuộc tầm trung bình nhưng có chiều dài tổng thể dài nhất trong phân khúc. Hàng ghế thứ hai có không gian rất rộng rãi đặc biệt về khoảng để chân. Hàng ghế thứ ba của xe thích hợp cho trẻ em hoặc những người có chiều cao vừa phải.
Bảng điều khiển trung tâm rất thoáng.
Khoang hành lý khá nhỏ, chỉ để vừa một số va-li và ba lô nhẹ nhàng; tuy nhiên nhờ khả năng gập phẳng hàng ghế cuối, Outlander 2020 có thể tăng dung tích sẽ để đồ sẽ được tăng lên đáng kể. Cửa cốp trên phiên bản Premium có thể mở/đóng bằng điện với chỉ 1 nút bấm. Ngoài ra, ở bên hông của khoang này có thêm một cổng sạc dạng "tẩu".
Nội thất của Mitsubishi Outlander mới được thiết kế theo hướng cơ bản, không tích hợp quá nhiều thứ phức tạp. Chính vì vậy, bảng táp-lô và bảng điều khiển trung tâm của xe khá thoáng và ít nút, dễ làm quen với người mới sử dụng. Tuy nhiên, chất liệu sử dụng trên bản tiêu chuẩn chỉ là nỉ nên sẽ khiến nhiều người không thực sự hài lòng.
Vận hành
Khác với phiên bản trước, Mitsubishi Outlander 2020 chỉ còn trang bị động cơ xăng 2.0L MIVEC, cho công suất tối đa 145 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 196 Nm tại 4.200 vòng/phút. Kết hợp cùng hộp số CVT và hệ dẫn động cầu trước, mẫu crossover này không quá mạnh về khả năng lái thể thao hay tạo phấn khích.
Mitsubishi Outlander 2020 không được trang bị các chế độ lái.
Điều này càng được thể hiện rõ ở việc xe không sở hữu các chế độ lái tùy biến giống các đối thủ. Lẫy chuyển số trên vô-lăng cũng không tăng cảm giác lái thể thao mà gần như chỉ giúp vượt xe dễ hơn; đặc biệt, bộ phận này được gắn cố định, không thể xoay theo khi tài xế "vần" vô-lăng.
Tuy nhiên, đó không phải điều Mitsubishi hướng đến ở Outlander 2020. Crossover cỡ trung chủ yếu tập trung vào khả năng lái ổn định, mượt mà trên những cung đường phố và cao tốc. Động cơ hút khí tự nhiên của xe dù không mạnh mẽ như các đối thủ nhưng cho cảm giác phản hồi chân ga khá tốt, đặc biệt ở các dải vòng tua thấp. Nói đến tua máy, dường như Mitsubishi đã cố gắng tối ưu cho Outlander tiết kiệm nhiên liệu nhất có thể, khi đạt đến vận tốc 100 km/h ở đường trường, vòng tua của xe chỉ khoảng 2.000 vòng/phút.
Với các trang bị trên cùng với hệ thống treo MacPherson phía trước và đa liên kết phía sau kết, mẫu xe của Mitsubishi thực sự xử lý tốt khi đi qua các gờ nổi nhẹ trên đường, đồng thời thân xe rất ổn định, ít bị lắc khi đi trên vận tốc cao, nhưng nếu vào các đoạn đường quá gồ ghề, xe cho cảm giác hơi cứng. Ngoài ra, Outlander 2020 vẫn phát huy khả năng cách âm gầm và môi trường, tiếng vọng từ lốp, khoang máy và bên ngoài không quá nhiều ở tốc độ dưới 80 km/h.
Xe cho cảm giác đầm chắc khi di chuyển với tốc độ cao.
Trong điều kiện lái bình thường, các tính năng an toàn của Outlander mới không thể hiện rõ ràng. Nổi bật nhất có lẽ là tính năng cảnh báo điểm mù vì hai đèn tín hiệu trên gương luôn hiển thị tốt khi có phương tiện khác vượt, và nếu quá gần, hệ thống sẽ phát cảnh báo bằng âm thanh. Ngoài ra, camera lùi cũng giúp tài xế quan sát, đỗ xe tốt hơn với hình ảnh khá sáng sủa hiển thị trên màn hình.
Hệ thống phanh ABS, EBD phát huy ổn trong bài thử phanh gấp ở tốc độ 80 km/h, tuy nhiên, độ trượt của xe vẫn dài hơn so với kỳ vọng dừng nhanh nhất của người lái. Ở bài thử đánh lái zig zag hay ôm cua tốc độ cao, hệ thống cân bằng điện tử giúp chiếc xe khá ổn định dù đánh trả lái rất gấp.
Với đường đô thị, Outlander 2020 không có nhiều điều để nói vì khả năng vận hành khá mượt mà, tuy nhiên, với kiểu địa hình đường đất đá mấp mô như khu vực bãi bồi sông Hồng, đường đất ở làng văn hoá các dân tộc Đồng Mô, với hệ dẫn động cầu trước, người lái chỉ có thể rón rén và quan sát địa hình nếu đi được mới có thể đi. Nếu tích hợp hệ dẫn động 2 cầu hoặc 4 bánh toàn thời gian, Outlander mới sẽ mang đến nhiều trải nghiệm lái thích thú hơn.