Vào năm 2017 đến 2018, Daimler xác nhận không có vụ tai nạn nào xảy ra khi hãng "thu hồi tự nguyện" chậm trễ 464.000 chiếc xe.
Tuy nhiên, đây là một trong những lí do hãng xe vẫn phải chịu hình phạt mới được công bố. Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết Daimler tiếp tục không tuân thủ các yêu cầu khác, bao gồm khoản tiền phạt trả trước 10 triệu USD, 5 triệu USD mà nhà sản xuất ôtô phải chi cho các cải tiến an toàn và khoản phạt trả chậm 15 triệu USD.
NHTSA yêu cầu từ hai đến ba năm, Daimler phải cải thiện khả năng phát hiện và điều tra các mối nguy tiềm ẩn trên sản phẩm của mình. Công ty cũng phải cải thiện việc thu thập thông tin an toàn từ các doanh nghiệp và báo cáo chính xác cho các cơ quan quản lý tại NHTSA. Bên cạnh đó, hãng xe sẽ cập nhật các quy trình bằng văn bản và đào tạo cho các nhân viên để thực hiện yêu cầu thu hồi và báo cáo.
Trong buổi họp báo vào thứ 5 tuần trước, Daimler đánh giá cao cách giải quyết triệt để vấn đề này và tiếp tục sản xuất những chiếc xe an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy. Họ cũng đồng ý sẽ gặp trực tiếp NHTSA hàng tháng để báo cáo tình hình thực thi hình phạt.
James Owens, phó quản trị viên NHTSA tuyên bố: "Điều quan trọng là các nhà sản xuất phải nhận thức được tính cấp thiết về trách nhiệm thu hồi phương tiện an toàn và cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho cơ quan về tất cả các vấn đề an toàn".
Vào tháng 12 năm 2019, Mercedes-Benz Mỹ của Daimler đã đồng ý chịu phạt dân sự 20 triệu USD do không thông báo kịp thời cho chủ sở hữu trong một số đợt thu hồi, không gửi tất cả các báo cáo và không thực hiện hai đợt thu hồi một cách kịp thời.