Xe tăng Israel lao vào căn cứ của Liên Hợp Quốc, các đồng minh lên án

TPO - Liên Hợp Quốc cho biết xe tăng của Israel đã lao qua cổng một căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình ở miền Nam Li-băng (UNIFIL). Hành động này bị chính các đồng minh của Israel lên án.
Xe tăng Israel lao vào căn cứ của Liên Hợp Quốc, các đồng minh lên án ảnh 1

Một chiếc xe tăng Merkava của Israel. (Nguồn: aa.com)

Lực lượng gìn giữ hòa bình UNIFIL cho biết 2 xe tăng Merkava của Israel đã phá hủy cổng chính và đột nhập căn cứ lúc bình minh ngày 14/10. Sau khi xe tăng rời đi, các quả đạn pháo phát nổ cách đó 100m, tạo ra khói bao trùm khắp căn cứ, ảnh hưởng đến các nhân viên của UNIFIL.

Quân đội Israel nói rằng các chiến binh Hezbollah đã bắn tên lửa chống tăng vào quân đội Israel, khiến 25 người bị thương. Cuộc tấn công diễn ra rất gần đồn của UNIFIL và một chiếc xe tăng giúp sơ tán những người bị thương và sau đó đã lùi vào đồn của UNIFIL.

Trong một tuyên bố, quân đội Israel nói rằng đã tạo khói để che chắn hoạt động sơ tán những người lính bị thương, nhưng hành động của họ không gây nguy hiểm cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gửi thông điệp tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres: "Đã đến lúc các ngài phải rút UNIFIL khỏi thành trì của Hezbollah và khu vực chiến sự".

"IDF đã nhiều lần yêu cầu điều này và đã liên tục bị từ chối. Tình trạng này giúp Hezbollah có được lá chắn sống", ông Netanyahu nói.

Tổng Thư ký Antonio Guterres bày tỏ sự biết ơn lực lượng gìn giữ hòa bình của UNIFIL, những người "giữ nguyên vị trí", người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết trong tuyên bố đưa ra ngày 14/10. Ông khẳng định "lá cờ LHQ vẫn tiếp tục tung bay".

Tổng Thư ký nhắc lại lời cảnh báo, rằng không được phép biến lực lượng gìn giữ hòa bình thành mục tiêu.

"Các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình là vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế. Điều đó có thể cấu thành tội ác chiến tranh", ông Dujarric tuyên bố.

UNIFIL cho biết cuộc tấn công trước đây của Israel vào một tháp canh khiến lực lượng này giảm khả năng giám sát tình hình. Các nguồn tin của LHQ cho biết, họ lo ngại khả năng khó giám sát bất kỳ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nào trong cuộc xung đột.

Dù là một trong những người ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất trong số các lãnh đạo Tây Âu, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni có cuộc trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Netanyahu trong ngày 14/10 và lên án các hành động tấn công "không thể chấp nhận được" của Israel, Chính phủ Ý cho biết.

Ý là một trong những quốc gia đóng góp nhân sự lớn nhất cho UNIFIL, với hơn 1.000 quân. Pháp và Tây Ban Nha, mỗi nước có gần 700 quân trong lực lượng, cũng lên án các cuộc tấn công của Israel.

Lực lượng gìn giữ hòa bình được thành lập ở miền nam Li-băng từ năm 1978.

Khu vực này xảy ra xung đột trong ​​nhiều thập kỷ, với cuộc xâm lược của Israel năm 1982 và chiếm đóng miền nam Li-băng cho đến năm 2000. Năm 2006, Israel một lần nữa tiến hành cuộc chiến tranh lớn kéo dài 5 tuần chống lại Hezbollah, kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do UNIFIL giám sát.

Cuộc tấn công của Israel vào Hezbollah trong 3 tuần qua đã khiến 1,2 triệu người dân Li-băng phải di tản và giáng một đòn chưa từng có vào phong trào này bằng cách cuộc tấn công loại bỏ hầu hết lãnh đạo cấp cao của họ.

Chính phủ Li-băng cho biết, hơn 2.100 người đã thiệt mạng và 10.000 người bị thương trong hơn 1 năm giao tranh, tập trung trong vài tuần qua.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG