1. Một hôm trời mưa to, nhiệt độ đột ngột hạ thấp, nghe lạnh lưng quá chừng. Tôi hỏi vợ: “Bà giặt mà không thấy chỗ rách của áo tôi đang mặc à?”. “Thấy”. “Sao không vá lại”. “Bây giờ ai thèm mặc áo vá?”. “Thế, cứ để rách à?”. “Rách dễ coi hơn vá”.
Nghe vậy, tôi ngạc nhiên, nhưng rất có thể vợ tôi nói đúng. Bà ấy hay nói đúng lắm.
Tôi liên tưởng ngày trước, ông bà vẫn bảo: “Rách mà khéo vá hơn lành vụng may”. Tôi linh cảm điều này có vẻ lỗi thời rồi. Tôi quyết định hỏi nữa cho ra lẽ. Tôi vòng vo: “Mặc áo rách cứ lạnh cái lưng…”. “Lạnh thì khoác thêm cái nữa vào”. “Nhưng mặc hai áo lại nóng nực”. “Thì cởi bớt ra một cái”. “Vậy, cứ cởi ra mặc vào mãi à”. “Chứ ông ở không làm gì?”.
Đến đây, tôi thua. Dường như mọi cuộc đối thoại, ngõ cụt cứ nghiêng về tôi. Nhưng, vì muốn biết cái “dễ coi” của áo rách, nên đành đấu dịu và hỏi thẳng: “Nè bà, sao áo rách lại dễ coi hơn áo vá?”. “Áo rách ngang tàng hơn. Áo rách là đại bàng gãy cánh. Là anh hùng sa cơ. Áo vá là gà vịt chắt chiu. Là níu kéo hà tiện. Ông không thấy thời trang người ta xé nó ra à? Người ta mài sờn nó ra à? Chúng còn mới tinh, đã rách đâu? Còn áo ông, đã rách rồi, khỏi phải xé, sao lại vá?”. “Vậy tôi đang xài thời trang à?”. “Ừ”.
2. Thế là tôi hiểu ra rồi. Chính cái nón lá rách bung vành vợ tôi vẫn đội, bà ấy cũng để nguyên. Thật may cho tôi, vì có hôm tôi nảy ý định dùng kéo cắt gọn những chiếc lá nón lè phè, và bẻ quăng cái nan vành đã bung. Giờ, tôi không đụng vào chiếc nón ấy nữa, cứ để như “ăn mày nòi” lại dễ coi hơn.
Tôi nhìn lại giày mình, chiếc bên trái há mồm. Nó ngáp hay nó kêu gào? Chắc có lẽ nó ngáp. Mắt kính bại xuội một gọng. Tóc tai quá lứa như bờm sư tử, râu ria tua tủa như rễ tre. Chiếc nịt da mút đòn vì bụng quá to. Hóa ra, tất cả con người tôi đều toát lên thời trang cả. Vậy mà tôi nào hay. Thời trang cực kỳ. Và cực kỳ thời trang.
Giờ, tôi nhận ra vợ tôi có lý. Một con người như tôi thế này, hoang dã như thế này, tiền sử như thế này, mặc chiếc áo vá cẩn thận, quả nhiên là coi không được. Áo và người đều lạc điệu, không hài hòa. Hừ, không nên coi thường nhãn quan thẩm mỹ của bà ấy. Một loại nhãn quan, thẩm mỹ rất tinh vi và hiện đại.
3. Tôi nhớ lại câu nói của Coco Chanel: “Thời trang chính là cái gì đã lỗi thời”. Và như thế, “Sẽ lỗi thời” là tương lai sán lạn của thời trang. Vậy, “đã lỗi thời” mới là bản chất xuyên suốt của thời trang. Thế nên, áo rách của tôi dư sức chen chân vào “thời trang” mà tôi không hề hay biết.
Quan điểm thời trang của bà vợ hoá ra cao ngất gấp mấy lần tôi.
Thế đấy, quan điểm là vậy, tôi chấp nhận, nhưng vẫn thú thiệt với bà vợ rằng: “Giờ lạnh quá. Xin bà tạm thời vá ngay cái lưng áo. Đừng lo. Ngày mai tôi sẽ xé ra như cũ”.