Cấm xe máy liệu có khả thi?
Khi nhìn tới các nước phát triển, với giao thông phần lớn là xe hơi, các phương tiện công cộng, hiếm thấy bóng dáng xe máy, thì rất nhiều người muốn áp dụng vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không phải chuyện một sớm một chiều, khi mà khác biệt giữa Việt Nam và các nước phát triển là rất lớn. Dân số đông hơn, điều kiện đường xá tệ hơn, hệ thống phương tiện giao thông công cộng yếu kém không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, vì vậy xe máy vẫn là phương tiện phổ biến nhất và hiệu quả nhất tại Việt Nam.
Để loại bỏ hoàn toàn xe máy trên đường phố, Việt Nam cần nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ để phục vụ cho số lượng xe hơi tăng theo cấp số nhân, đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và đủ lớn để phục vụ dân số rất đông tập trung tại các thành phố lớn. Đây đều là những vấn đề lớn đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ. Có nhiều lý do để các chuyên gia cho rằng, việc cấm xe máy tại Việt Nam sẽ 'tạm thời' không thể thực hiện được, dù là tới năm 2025.
Trở về với hiện tại, xe máy vẫn là phương tiện giao thông không thể thiếu với người dân. Kể cả đối với những người sở hữu xe hơi, việc sử dụng xe máy vẫn thường xuyên xảy ra như một phương tiện hiệu quả hơn. Vì vậy, việc điều chỉnh sử dụng xe máy cùng với giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông của người đi xe máy là quan trọng hơn rất nhiều so với việc suy nghĩ tìm cách hạn chế và tiến tới cấm hoàn toàn xe máy vào thời điểm này.
Cụ thể, một số giải pháp liên quan tới nâng cao an toàn cho xe máy đã được đưa ra, như loại bỏ dần các xe máy đã quá cũ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn và khiến mức độ tai nạn nghiêm trọng tăng lên; hay tăng cường sử dụng các mẫu xe máy tiên tiến, được trang bị tính năng an toàn hiện đại và đi kèm là động cơ ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông, ý thức tham gia giao thông, đặc biệt cho trẻ em và cho học sinh, sinh viên.
Trẻ em và tai nạn giao thông
Trong đề tài nghiên cứu "Nguyên nhân tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và giải pháp cho TPHCM" của TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức, trong giai đoạn 2013-2015, tổng số vụ TNGT và số người chết do TNGT giảm lần lượt 19% và 11%, nhưng số vụ TNGT liên quan đến trẻ em và số trẻ bị tử vong do TNGT lại tăng lần lượt là 190% và 217%.
Trong đó, học sinh cấp 3 liên quan tới hơn 70% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em tại TPHCM. Có tới 80% vụ TNGT liên quan tới trẻ em là khi chính các em điều khiển phương tiện, chỉ có 20% các vụ xảy ra khi các em được phụ huynh đèo.
Năm nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các vụ TNGT liên quan tới trẻ em gồm có đi sai làn đường và phần đường quy định, chuyển hướng không đúng quy định, chạy xe vượt tốc độ quy định, vượt xe không đúng quy định và qua đường không đúng nơi quy định. Các nguyên nhân này thể hiện sự cần thiết giáo dục ATGT và ý thức giao thông cho các em.
Ngoài các em học sinh được bố mẹ đưa đón, phần lớn các em tự lái xe tới trường bằng các phương tiện như xe máy, xe đạp điện, xe đạp và đi bộ. Đáng chú ý, nhiều em lái xe máy trên 50cc khi chưa đủ tuổi, rất đông các em không đội mũ bảo hiểm. Chưa học luật giao thông, chưa có bằng lái, lái xe bất hợp pháp, các em học sinh do vậy dễ dàng vi phạm luật giao thông và không ít trong số đó gây nên tai nạn giao thông.
Ngoài các nguyên nhân chủ quan, cũng có một số nguyên nhân khách quan cần nhắc tới liên quan tới tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em, ví dụ như vỉa hè hư hỏng hay bị chiếm dụng khiến các em phải đi dưới lòng đường, không có khu vực cho người đưa đón học sinh dẫn tới tràn xuống đường gây mất an toàn giao thông, không có vạch đi bộ sang đường… Cùng với việc hệ thống giao thông công cộng chưa tốt như đã nói ở trên, trẻ em không có nhiều lựa chọn tới trường và phải đối mặt với nhiều nguy cơ TNGT tiềm ẩn.
Giải quyết vấn đề an toàn giao thông như thế nào?
Trong Lễ ký kết hợp tác về An toàn giao thông giữa Ủy ban ATGT Quốc Gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam năm 2016 mới được tổ chức, đặc biệt có sự góp mặt của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy quốc tế IMMA. Với kinh nghiệm trên nhiều quốc gia sử dụng xe máy, IMMA đã có những đóng góp tương đối thiết thực với Việt Nam, liên quan tới việc sử dụng xe máy trong tham gia giao thông cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan tới xe máy.
Trong đó, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy hoạch đường bộ, nâng cao công nghệ giao thông là điều tất nhiên được nhắc tới, đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam, lại có dân số đông. Điều quan trọng tiếp theo mà IMMA nhắc tới chính là nhận thức, ý thức tham gia giao thông của mỗi người.
Theo đó, lỗi của con người là nguyên nhân chính trong hầu hết các vụ tai nạn. Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng lái xe hay học luật giao thông đường bộ, từng cá nhân còn cần phải thay đổi hành vi, ý thức tham gia giao thông và ý thức tuân thủ luật giao thông, điều đó mới là cốt lõi để giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, hướng tới 1 môi trường giao thông văn minh hơn.
Điều cuối cùng mà nhiều nghiên cứu về an toàn giao thông nhắc tới, là lực lượng CSGT cần tuần tra, giám sát và xử lý các vi phạm triệt để, đặc biệt là các đối tượng học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn đường,... Hiện nay, rất đông các em học sinh vi phạm luật giao thông khi tới trường, điển hình như sử dụng xe đạp điện không đăng ký, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định..., nhưng vẫn còn đường lực lượng CSGT nương nhẹ, dẫn tới nhờn luật.
Nhìn chung vấn đề an toàn giao thông, đặc biệt liên quan đến xe máy, sẽ còn là vấn đề nan giải, đặc biệt tại các thành phố lớn. Ý thức tham gia giao thông có lẽ là điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề, ít nhất trong điều kiện chúng ta không thể ngay lập tức có những con đường rộng lớn để phục vụ việc chuyển đổi từ giao thông xe máy sang giao thông xe hơi. Mà ngay cả khi đó, nếu người tham gia giao thông tiếp tục chen lấn, luồn lách để tiết kiệm vài giây với những chiếc ô tô, với ý thức giao thông kiểu đi xe máy hiện nay, chắc chắn tình trạng giao thông còn tồi tệ hơn nữa.