Mới đây, Honda dự báo lợi nhuận ròng hợp nhất sẽ giảm 16% xuống còn 555 tỷ yen khi năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3 năm sau, ngược lại so với dự báo trước đó. Điều này xảy ra do tình trạng khan hiếm chip bán dẫn trên toàn cầu, dẫn đến việc cắt giảm sản lượng ô tô.
Tuy nhiên, xe máy vẫn là tương lai của hãng, đặc biệt ở các thị trường đang phát triển. Theo đó, xe hai bánh đã kiếm về cho Honda 148,1 tỷ yen lợi nhuận hoạt động trong nửa đầu năm tài chính tính đến tháng 9, tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Xe máy cỡ nhỏ của Honda không sử dụng chip bán dẫn và hầu như không bị ảnh hưởng bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Doanh số bán hàng xe máy trong năm tài chính này dự kiến sẽ tăng 16% lên 17,5 triệu chiếc.
Honda vốn dẫn đầu nhiều năm về xe máy, chiếm 34% thị phần vào năm ngoái. Xe máy chỉ chiếm 15% tổng doanh thu bán hàng hợp nhất trong nửa đầu năm, thấp hơn nhiều so với 63% của ô tô. Tuy nhiên, xét về lợi nhuận kinh doanh, xe máy đóng góp tới 34% trong khi ô tô chỉ có 27%. Lợi nhuận của xe máy vượt trội so với ô tô từ năm 2018, đóng góp tỷ lệ lãi cao thứ hai sau bộ phận dịch vụ tài chính.
Xe máy Honda có tỷ suất lợi nhuận hoạt động lên tới 14,5% trong nửa đầu năm tài chính này, đây là mức cao thứ hai kể từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2018 với 16,2%. Trong năm tài chính 2020, Honda đã đạt tỷ suất lợi nhuận hợp nhất là 12,6%, cao hơn đáng kể mức 2% của Yamaha, 1,2% của Suzuki và 3,5% của Kawasaki Heavy Industries.
Trên toàn cầu, tỷ suất lợi nhuận của Honda cũng vượt trội so với đối thủ gần nhất - Hero MotoCorp của Ấn Độ với 9,9%.
Honda rất mạnh về xe tay ga và xe máy Super Cub biểu tượng. Các mẫu xe máy động cơ nhỏ như vậy chiếm tới 90% trong tổng số 15,13 triệu xe máy bán ra trên toàn cầu của hãng trong năm tài chính trước đó. Các thị trường cạnh tranh nhất của Honda là Đông Nam Á và Ấn Độ.
Sản phẩm dành cho những thị trường mới nổi này đều được phát triển tại Nhật Bản. Sau đó, thiết kế được gửi đến các chi nhánh ở Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia để sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu ở từng nước.
Các sản phẩm xe máy phân khối lớn của Honda. |
Ấn Độ là nước tiếp nhận tốt các mẫu xe tay ga dung tích lớn có thể chở được 4 người, đáp ứng nhu cầu cho cả gia đình. Tại Thái Lan, từ năm 2018, Honda đã mở các đại lý xe máy kết hợp quán cà phê, trở thành điểm thu hút khách hàng trẻ tuổi. Thông qua chiến lược này, Honda đã nắm bắt được nhu cầu cụ thể ở từng khu vực và duy trì được sức hút cho sản phẩm của mình.
Lợi nhuận cao của xe máy đến từ việc hợp lý hóa quá trình phát triển và sản xuất. Honda đã tích cực phát triển các bộ phận dùng chung cho xe máy bán ra tại Đông Nam Á từ năm 2012. Hiện tại, 90% xe tay ga được trang bị cùng loại động cơ và 50% dùng chung khung xe.
Vào năm 2019, Honda đã tích hợp các hoạt động phát triển xe máy về trụ sở chính từ nhiều công ty con nội địa. Năng lực sản xuất ở Nhật Bản được hợp nhất và nhà máy ở tỉnh Kumamoto vào năm 2008.
Tỷ suất lợi nhuận/tài sản, cho biết mức độ hoàn vốn của thiết bị đối với các khoản đầu tư, ở mức 14,8% trong năm tài chính 2020, cao hơn 100 điểm cơ bản so với thập kỷ trước đó.
Honda đã chi 92 tỷ yen kết hợp đầu tư về vốn cùng việc nghiên cứu và phát triển cho xe máy, chỉ bằng 1/10 tổng số vốn đầu tư vào ô tô. Chi phí này tương đương 5% doanh thu, thấp hơn nhiều mức đỉnh 12% trong năm 2008.
Tuy nhiên, có một vấn đề gây lo ngại cho xe máy Honda. Đó là dù hãng chiếm thị phần cao trên toàn cầu nhưng các đối thủ Ấn Độ đang tung ra nhiều mẫu xe bình dân có giá chỉ hơn 1.000 USD. Chúng đang được bán ra ở cả Ấn Độ và các nước châu Phi. Theo đó, thị phần của hãng xe Hero đã tăng lên 13%, Bajaj cũng tăng lên 8%.
Phản ứng của Honda đối với sự chuyển dịch điện khí hóa cũng là một vấn đề. Nhà sản xuất này cam kết ngừng bán ô tô chạy bằng nhiên liêu hóa thạch vào năm 2040, đồng thời sẽ cung cấp các sản phẩm thay thế chạy điện.
Nhưng Honda vẫn chưa có tham vọng tương tự đối với xe máy. Hãng xe tuyên bố sẽ "phấn đấu đạt mức trung hòa carbon cho tất cả các sản phẩm" vào năm 2050. Honda hiện chỉ cung cấp 4 mẫu xe máy điện, bao gồm các mẫu được bán cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao vận.
Trong khi đó, Yamaha cho biết sẽ tăng sản lượng xe máy điện bằng 90% tổng số xe máy xuất xưởng vào năm 2050. Vào tháng 10, Kawasaki cho biết hãng cũng sẽ điện khí hóa gần như toàn bộ các dòng sản phẩm của mình vào năm 2035. Các start-up tại Mỹ và châu Á cũng đang phát triển xe máy điện, đe dọa đẩy Honda ra khỏi cuộc chơi.
Honda đã theo đuổi các chiến lược mới kể từ khi Toshihiro Mibe nhậm chức chủ tịch vào tháng 4, bao gồm việc điện khí hóa các mẫu xe chở khách và bước chân vào lĩnh vực kinh doanh tên lửa. Mỗi dự án sẽ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.
Mỗi mẫu ô tô điện thường sẽ tiêu tốn khoảng 50 tỷ yen để phát triển, hoặc gấp đôi đối với xe chạy nhiên liệu thông thường. Trong khi đó, một tên lửa nhỏ cũng cần tới hàng chục tỷ yen để phát triển và việc sản xuất hàng loạt sẽ tốn thêm từ 10 tỷ đến 20 tỷ yen.