“Thủ tục” diễn ra chóng vánh
Vụ mía năm 2023, Nhà máy đường An Khê (đường Lê Lợi, thị xã An Khê, Gia Lai) có vùng nguyên liệu khoảng 25.000ha, sản lượng ước đạt 1,6 triệu tấn. Việc thu mua của nhà máy kéo dài từ đầu tháng 12/2022 đến cuối tháng 4/2023. Năm nay giá mía cao hơn mọi năm nên hoạt động thu mua càng diễn ra tấp nập.
Để bán được mía, từ các huyện Đăk Pơ, Kông Chro, Kbang và thị xã An Khê (phía Đông tỉnh Gia Lai), xe tải chở hàng từ vùng nguyên liệu phải đi qua nhiều tuyến đường, chịu sự kiểm soát của đủ lực lượng chức năng. Đặc biệt, nhiều xe phải đi trên quốc lộ 19, chịu sự kiểm soát của Đội tuần tra thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải Gia Lai).
3 ô tô tải quá khổ đi trên quốc lộ 19, đoạn qua huyện Đắk Pơ |
Phóng viên Tiền Phong đã ghi nhận thực tế nhiều ngày trên quốc lộ 19, phát hiện hàng loạt xe tải có dấu hiệu quá khổ, cơi nới thành thùng cao cả mét, chở quá tải trọng. Điển hình, ngày 21/2, hàng loạt xe vi phạm quy định về tải trọng mang biển số 81C-113.56, 81H-010.67, 81C-117.15, 81H-002.46, 81C-059.21…, cả xe ngoại tỉnh, ì ạch chở hàng chục tấn mía/xe.
Theo thông tin từ Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự, Công an thị xã An Khê, từ 19/12/2022 đến 19/2/2023, đội này lập biên bản xử phạt 93 trường hợp xe tải chở mía vi phạm tải trọng, kích thước thành thùng xe, tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
“Xe tải 3 chân thường chỉ được chở 12-17 tấn, nếu chở đúng thì lỗ, tài xế bắt buộc phải cơi nới thùng, chở từ 35-37 tấn. Trung bình mỗi chuyến xe, trừ đi cước, phí, xăng dầu, tài xế chỉ kiếm được 1,5-2 triệu đồng cho quãng đường 20km”, anh H. - một tài xế phân trần với phóng viên.
Nhiều ô tô tải quá khổ vô tư đi qua xe lực lượng CSGT tại quốc lộ 19 |
13h35 ngày 21/2, tại quốc lộ 19 (đoạn qua xã Cư An, huyện Đắk Pơ) xuất hiện xe bán tải biển xanh 81A-003.34 của Cảnh sát giao thông Gia Lai. Chiếc xe này dừng lại phía trái đường, hướng từ Đắk Pơ đi thị xã An Khê. Khi thấy xe biển xanh, lập tức 3 ô tô chở mía nghi quá khổ đi tới, dừng phía bên phải đường. Theo ghi nhận của phóng viên, chẳng cần hiệu lệnh gì từ phía xe biển xanh kia, các tài xế hớt hải chạy tới, cầm trên tay một cuốn sổ mỏng, luồn qua cửa sau đưa cho người ngồi trong xe. “Thủ tục” diễn ra chóng vánh. Chúng tôi không hề thấy lực lượng CSGT ra kiểm tra ô tô tải mà cứ thế cho đi thoải mái.
Đáng nói, quốc lộ 19 đang được sửa chữa nhưng các xe quá khổ lộng hành, khiến đường bụi mù, hư hỏng gây mất an toàn giao thông. Chiều 27/2, quay lại con đường này, phóng viên Tiền Phong tiếp tục ghi nhận lúc 14h, ô tô bán tải biển xanh 81A-003.34 xuất hiện. Thấy một xe tải chở mía nghi quá khổ, xe biển xanh lập tức “nhá đèn”. Dường như bắt được “tín hiệu”, xe chở mía dừng lại. Tuy nhiên, thấy bóng dáng người lạ, nghi có người theo dõi nên ô tô tải chở mía không xuống “làm thủ tục” mà tiếp tục lưu thông.
Dù không có hiệu lệnh nhưng tài xế (dấu X) từ ô tô quá khổ tự động chạy đến ô tô của lực lượng CSGT |
Theo ghi nhận nhiều ngày của phóng viên, chiếc xe CSGT trên di chuyển, dừng đỗ liên tục. Xe này đi quanh điểm tiếp nối giữa địa phận huyện Đắk Pơ và thị xã An Khê. Người trong xe cũng ít khi ra ngoài, tuy nhiên, chỉ cần thấy xe này, các tài xế xe tải ngay lập tức dừng lại, chạy qua để làm “thủ tục”. Xong việc, ô tô bán tải lại di chuyển qua địa điểm khác.
Cảnh sát giao thông nói gì?
Tại Nhà máy đường An Khê, phóng viên ghi nhận có hàng trăm ô tô quá khổ đang trực chờ để cân. Ông Nguyễn Hoàng Phước - Phó Giám đốc nhà máy này cho biết, mỗi ngày có khoảng 700 xe tải chở mía vào đây. Theo ông Phước, ngay từ đầu năm, công ty đã tổ chức một cuộc họp với đầy đủ ngành chức năng địa phương, gần 200 tài xế xe tải chở mía để quán triệt việc tuân thủ pháp luật. Với trách nhiệm là điểm thu mua, theo lãnh đạo nhà máy này, để siết chặt quản lý xe chở mía, đơn vị đã cấp logo nhận diện cho từng phương tiện ở mỗi vùng nguyên liệu; đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng các bến bãi cố định, đưa các phương tiện chở mía vào đậu đỗ ngay ngắn.
Hàng loạt ô tô quá khổ tập kết ở khuôn viên Nhà máy Đường An Khê |
Ông Phước cho biết, các xe chở mía có tải trọng 8-22 tấn, tuỳ loại. Như xe tải loại 5 chân (xe có 5 dàn lốp), khi trừ trọng lượng vỏ xe, còn trong khoảng 20 tấn trở lại là đạt yêu cầu; xe 3 chân (xe tải có 3 dàn lốp) thì chở nhiều nhất cũng chỉ khoảng 17 tấn là đúng tải. Còn loại thông thường như Kamaz được phép chở từ 8 đến 10 tấn . Tuy nhiên, lãnh đạo Nhà máy đường An Khê thừa nhận, vẫn còn những tài xế lì lợm, không chấp hành, chở quá tải trọng nên nhà máy đã nhắc nhở.
Chiều 28/2, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, một lãnh đạo Đội Cảnh sát Giao thông Đường bộ 3 (Công an tỉnh Gia Lai) - tuần tra, kiểm soát tuyến quốc lộ 19 cho biết, sẽ kiểm tra lại số liệu và cung cấp sau về việc xử lý các xe quá khổ, quá tải thời gian qua. Trước mắt, vị này đề nghị phóng viên gửi hình ảnh, video các ô tô quá khổ, quá tải để làm căn cứ kiểm tra, xử lý.
Cũng theo lãnh đạo Đội Cảnh sát Giao thông Đường bộ 3, từ đầu năm 2022 đến nay, đội đã cân tải trọng và lập biên bản đối với 133 trường hợp lái xe chở hàng quá khổ, quá tải trên tuyến quốc lộ 19, tạm giữ 133 giấy phép lái xe; lập 29 biên bản đối với chủ phương tiện về hành vi giao xe cho người làm công điều khiển phương tiện vi phạm chở hàng vượt tải trọng cho phép. Ngoài ra, Đội Cảnh sát Giao thông Đường bộ 3 cũng đo đạc và lập biên bản đối với 4 trường hợp chở hàng vượt quá kích thước cho phép, 2 trường hợp tự ý cơi nới thành thùng xe, yêu cầu lái xe và chủ phương tiện phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.
“Thực tế việc quản lý trên tuyến quốc lộ 19 còn gặp nhiều khó khăn do nhiều đường nhánh, lái xe canh lực lượng tuần tra kiểm soát để tránh né. Đặc biệt, họ lợi dụng đêm khuya để lưu thông rất khó phát hiện. Về các hình ảnh ô tô tải mà phóng viên cung cấp, chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, lãnh đạo Đội Cảnh sát Giao thông Đường bộ 3 nói.