Ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, hiện tượng chở hàng cồng kềnh đã không còn quá xa lạ đối với người dân. Thậm chí những hành vi đó đã từng gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, vì sự thiếu ý thức tham gia giao thông, một bộ phận không nhỏ tài xế vẫn cố nhồi nhét thật nhiều hàng trên xe của mình để tiết kiệm một chút tiền nhiên liệu và thời gian mà không màng đến tính an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.
Do đó, tình trạng này khiến nhiều người điều khiển phương tiện hết sức bức xúc. Anh X.L., trú tại Bạch Mai, Hà Nội nói: "Để tham gia giao thông tại Việt Nam, tài xế cần phải rất tập trung vì luôn có những nguy hiểm có thể bất ngờ xảy đến bất cứ lúc nào. Không khó để bắt gặp nhiều ô tô, xe máy chở hàng hóa có kích thước vượt quá chiều dài, chiều cao của phương tiện, thậm chí còn vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng".
Đồng tình với quan điểm trên, chị M.A., đang làm việc tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Khi các lực lượng chức năng tập trung xử phạt những phương tiện chở hàng cồng kềnh, hiện tượng này đã có phần thuyên giảm. Tuy nhiên, đây đã trở thành thói quen của người dân Việt nên sau một thời gian, đâu lại vào đấy. Rất khó để những người này có thể thay đổi được hành vi. Dù biết ai cũng chỉ vì miếng cơm manh áo nhưng nếu gây ảnh hưởng tới sự an toàn của mọi người thì cần phải loại bỏ, lên án".
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển ô tô tải vận chuyển hàng hóa không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn có thể phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Còn theo điểm b, khoản 4 và điểm a, khoản 9, Điều 24 quy định, chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép đối với xe ô tô tải bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Ngay cả chủ phương tiện cũng bị xử phạt theo điểm c, khoản 8, Điều 30 vì lỗi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm chở hàng quá chiều cao. Mức phạt là từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 8.000.000 - 12.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác sẽ bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng tại điểm k, khoản 3, điều 6 Trong trường hợp gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện còn bị tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng tại điểm điểm c, khoản 10, điều 6.
Dù đã có những chế tài xử phạt rõ ràng, nhiều tài xế vẫn cố tình vi phạm chỉ để đạt được mục đích cá nhân. Một số hình ảnh được ghi nhận:
Sau vụ xe ba bánh đâm thủng kính xe buýt tại Hà Nội vào ngày 8/5, vẫn tồn tại rất nhiều xe tự chế lưu thông trong nội đô. |
Nếu va chạm phải những phương tiện chở theo sắt,thép, chúng có tính sát thương rất cao đối với người và các phương tiện khác. |
Camera hành trình một ô tô ghi lại cảnh một chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng quá chiều dài cho phép va chạm với người điều khiển xe máy. |