Các tuyến đường cao tốc kể từ khi đưa vào khai thác đã và đang phát huy hiệu quả như giảm ùn tắc và thời gian đi lại cho phương tiện, tiết kiệm nhiên liệu, kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng…
Tuy nhiên, đại diện các cơ quan chức năng, Hiệp hội Vận tải và doanh nghiệp cũng đã chỉ ra hàng loạt những bất cập về điểm dừng nghỉ, đón trả khách, hành lang an toàn đường cao tốc, chất lượng tuyến đường, xử phạt vi phạm… trên tuyến cao tốc đã được “mổ xẻ” kỹ càng nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Dân chính là hàng rào bảo vệ cao tốc
Tại Hội nghị nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam vào chiều 20/5, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, các đường cao tốc đưa vào đều hiện đại nhưng còn nhiều nội dung cần giải quyết vì nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến dẫn đến sự canh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải. Do đó, Cảnh sát giao thông, công an địa phương nơi có tuyến đường đi qua phải làm việc rất vất vả để đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là camera như Nội Bài-Lào Cai, Ninh Bình-Cầu Giẽ đưa vào sử dụng nhằm giám sát phương tiện. Hiện nay, Công ty Hanel đang làm việc với Bộ Công an nhằm hoàn thiện khung pháp lý để đưa vào xử phạt qua camera.
“Việc theo dõi giám sát camera rất phổ biến ở các nước, không lấy đâu sức người để theo dõi được mà phải tự động hóa để giám sát các vi phạm doanh nghiệp vận tải. Tuyến đường cao tốc cũng xây dựng văn hóa giao thông cho người đi đường thông qua kiểm soát camera gắn trên dọc trục đường đã giúp ý thức giao thông tốt hơn so với các tuyến Quốc lộ,” bà Hiền khẳng định.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, người dân bỏ tiền sử dụng dịch vụ đường thì phải tốt nhưng đường trơn trượt, gồ ghề thì chưa thể nào gọi là hài lòng.
“Dân vẫn cắt hàng rào là do quá trình xây dựng con đường chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu. Họ sống dọc tuyến cũng chính là những hàng rào bảo vệ đường cao tốc. Nếu nay đóng hàng rào, mai dân lại mở thì có tung bao nhiêu người ra xử phạt, đóng hàng rào cũng không thể làm xong,” Thiếu tướng Dánh nhìn nhận.
Đặc biệt, theo Thiếu tướng Dánh, một số người dân tranh thủ kẽ hở của chính những hàng rào để lách, vi phạm hành lang an toàn đường cao tốc như mở hàng quán, mở đường cho xe quá tải chạy qua, đón xe… mặc dù dân đã ký cam kết nhưng chưa làm đến nơi, đến chốn đã dẫn đến thực tế “nhờn thuốc”.
Bên cạnh đó, một số đơn vị vận tải sau khi bị cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm và có thông báo xuống doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thấy doanh nghiệp có động thái hay biện pháp gì xử lý lái xe. Vì thế, doanh nghiệp vận tải cứ ngang nhiên vi phạm nhiều lần.
Về vấn đề này, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, đối với đoạn đi qua tỉnh Lào Cai đến nay, VEC đã làm đầy đủ các đường gom. Với các điểm trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cách đây một tuần chủ đầu tư cũng đã làm xong.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, còn một số vị trí mới phát sinh do Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đề xuất, địa phương chưa bàn giao được mặt bằng nên chủ đầu tư chưa triển khai được. Khi có mặt bằng VEC sẽ cho triển khai ngay.
Đau đầu giải bài toán dừng đón, trả khách
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội Vận tải và doanh nghiệp vận tải đều than phiền về các điểm dừng đón trả khách, xử phạt vi phạm của Cảnh sát giao thông, hệ thống an toàn giao thông, chất lượng công trình.
Ông Đoàn Văn Thu, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh Yên Bái cho rằng, một số đoạn tuyến cao tốc gần đây dù được sửa lại nhưng chất lượng chưa ổn khi có chỗ gồ ghề, chưa láng phẳng mặt nên xe đi vào rất hại lốp, nếu trời mưa sẽ không an toàn.
“Riêng đoạn cao tốc Yên Bái-Lào Cai, lực lượng cảnh sát giao thông chưa xử lý việc chạy chậm, dù đoạn này quy định xe chạy trên 60km nhưng nhiều trường hợp xe container lên dốc nhưng chở hàng nặng chạy nên chỉ đạt 40-50km, xe đi sau nếu vượt lên là sai, có thể bố trí các đoạn tránh vượt lên, đỡ gây bức xúc giữa các lái xe con và xe container,” ông Thu kiến nghị.
Đồng tình quan điểm này, theo đại diện doanh nghiệp vận tải Trần Phương (Lào Cai), cảnh sát giao thông chỉ bắn tốc độ xe chạy nhanh chứ không bắn tốc độ chạy chậm, 1-2 xe container chở hàng nặng lên dốc khiến lái xe phía sau phải “bò theo.”
“Nếu lái xe không vượt thì chậm giờ đóng lệnh tại bến sẽ bị chủ xe phạt tiền, hoặc có vượt thì cảnh sát giao thông dùng súng bắn tốc độ đằng sau, đợt trước bắn tốc độ từng điểm, hiện nay bắn lưu động nên rất khó khăn cho xe khách lưu thông. Người kinh doanh vận tải phải chấp hành những luật đề ra nhưng vẫn còn bất cập, tồn tại của tuyến đường,” đại diện doanh nghiệp Trần Phương nói rõ.
Liên quan đến việc nhà xe nhận giấy thông báo Ban quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai về xe vi phạm 3 lần dừng đỗ thì tạm dừng phục vụ trên tuyến cao tốc, vị đại diện đại doanh nghiệp Trần Phương thẳng thắn nói rõ thực tế, xe chạy 365 ngày thì vi phạm không chỉ 10 lần mà gấp nhiều, thậm chí hàng trăm lần. Những vi phạm này cũng là do nhu cầu người dân xuống nhà trong khi các điểm dừng đỗ chưa bố trí và đường gom chưa làm cho nhà dân hoàn thiện.
“Nhiều người dân hiến đất nhà để làm đường nhưng từ xã Sơn Hà-thành phố Lào Cai mất 40km nhưng không có đường xuống, khách muốn xuống lại phải bắt xe ôm để về, tiền xe ôm quá cả vé xe khách. Nếu một năm vi phạm ba lần trên đường Nội Bài-Lào Cai thực hiện đúng theo quy định từ chối phục vụ thì không còn xe khách nào lưu hành nữa. Xe khách chỉ chạy có 20 năm, vi phạm 3 lần mà VEC từ chối, không phục vụ thì xe chỉ để bán sắt vụn,” đại diện doanh nghiệp này than thở.
Một xe khách dừng đỗ bắt khách ngay trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: VEC cung cấp)
Do vậy, hầu hết các ý kiến các doanh nghiệp vận tải đều kiến nghị VEC và cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu làm điểm nhánh hay điểm nào đó cho phương tiện dừng từ 2-3 phút để dừng, đỗ trả khách.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam thừa nhận tình trạng đón trả khách trên đường rất mất an toàn đồng thời đặt ra lời giải bài toán như thế nào?
“Nếu xử lý theo cách từ chối phục vụ thì không còn xe chạy và đồng nghĩa với việc không giải quyết được điều này là do sai ngay từ khâu quy hoạch tuyến đường. Vậy, phải có thời hạn hẳn hoi về việc không đón khách trên đường, nếu không làm thì Hiệp hội Vận tải sẽ thông tin tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai không phải là đường cao tốc,” ông Thanh bức xúc.
Trả lời vấn đề này, Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh cho rằng, các điểm dừng đỗ, hàng rào chưa phù hợp thì phía đơn vị sẽ xem xét lại. Dân phá rào phải có vai trò của chính quyền bởi khi cán bộ công nhân viên của VEC vào cuộc đều bị đánh, đe dọa đủ kiểu nên cần sự phối hợp của địa phương.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh phân tích thêm nguyên nhân và khẳng định việc nhiều điểm dân phản ánh chưa có đường dân sinh là do sau khi quy hoạch làm đường cao tốc dân mới làm nhà, điều này là do một phần quản lý quy hoạch của địa phương còn yếu kém.
“Bằng vốn dư của dự án sẽ tiếp tục mở rộng 4 làn khoảng 25km đoạn cao tốc Yên Bái-Lào Cai, nhất là những đoạn tiềm ẩn mất an toàn giao thông, tầm nhìn kém. VEC thành lập trung tâm giám sát, kiểm tra giám sát từ việc thu phí, bảo trì đến bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến,” ông Tuấn Anh cho hay.