> Xây sân golf, resort ở Mỹ Sơn?
Nhiều đền tháp Mỹ Sơn vẫn trong cảnh chống đỡ để tồn tại. Ảnh :Trí Quân . |
Theo UBND huyện Duy Xuyên (địa phương có di tích đền tháp Mỹ Sơn), từ tháng 2, huyện làm việc với Cty Cổ phần TOT Korea (liên doanh giữa Thành Đạt Group với phía Hàn Quốc) và Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nam Quảng Nam.
Sau thời gian khảo sát, 2 công ty này xin chủ trương lập dự án đầu tư và phát triển các dịch vụ du lịch tại khu Mỹ Sơn – Thạch Bàn thuộc xã Duy Phú.
Cty TOT Korea xin tiếp nhận đầu tư dự án tại Khu du lịch Mỹ Sơn – Thạch Bàn với diện tích 98ha. Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nam Quảng Nam xin đầu tư các dự án với quy mô diện tích 1.557,2 ha, mở rộng ra khu vực lân cận thuộc xã Duy Phú.
Ngày 12–4, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho phép Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nam Quảng Nam nghiên cứu dự án Khu phức hợp Mỹ Sơn.
Theo trình bày của Cty này, diện tích dự án lên đến 1.557,2 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng, thời gian đầu tư 5 - 8 năm.
Dự án gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dự kiến 24 tháng (từ tháng 5-2012 đến 2014) rộng hơn 85 ha gồm biệt thự cao cấp và resort ven hồ rộng khoảng 47,85 ha, còn lại là các hạng mục khác như: Công viên văn hóa, bảo tàng thời gian, trạm dừng chân, khu phố cổ…
Ban Quản lý Di tích Mỹ Sơn mới đây trả lời báo chí, khẳng định rất lo ngại lượng du khách đông đã và sẽ ảnh hưởng lớn đến di tích vốn xuống cấp trầm trọng.
Để hạn chế tác động do các phương tiện vận chuyển lớn vào gần di tích, gây rung chấn nền móng đền tháp, BQL Mỹ Sơn sẽ đưa dịch vụ xe điện vào vận hành, bố trí lệch giờ để giãn khách tham quan Mỹ Sơn, tránh các giờ cao điểm 9-12 giờ.
Ông Văn Anh Tuấn, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, nói: “Tất cả chỉ mới là ý tưởng, tỉnh chưa có chủ trương cụ thể về dự án. Tỉnh chỉ thống nhất cho khảo sát nghiên cứu để lập dự án và phân kỳ đầu tư.
Trong quá trình lập dự án, nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh phê duyệt, thẩm quyền của Chính phủ thì tỉnh sẽ có văn bản xin Chính phủ. Đây chỉ là bước sơ bộ của sơ bộ.
Sau khảo sát nghiên cứu tổng thể, Cty phải báo cáo UBND tỉnh nữa”. Theo ông Tuấn, nếu xây dựng thì khu vực sẽ nằm trong vùng được cho phép xây dựng, không ảnh hưởng di tích và tốt cho Mỹ Sơn.
Ý tưởng này của ngành du lịch và tỉnh ấp ủ từ lâu, tuy nhiên không có chủ đầu đầu tư và nếu được sẽ cấp 85 ha cho Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nam Quảng Nam để làm giai đoạn 1.
Nhà Champa học Trần Phương Kỳ, người gắn bó gần trọn cuộc đời để nghiên cứu Mỹ Sơn, nói rằng, ông khó hiểu tính mục đích và nghi ngờ khả năng thành công của dự án này. Chưa nói đến việc có tác động xấu đến tuổi thọ của di tích hay không, mà là sự thiếu khả thi. Theo ông, đã có một đô thị cổ Hội An cách Mỹ Sơn không xa, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, mua sắm, đương nhiên sau khi tham quan Mỹ Sơn, du khách sẽ trở lại nghỉ ở Hội An. Sẽ chẳng có mấy ai ở lại những resort Mỹ Sơn hẻo lánh, kín gió. Vai trò của Hội An cũng giống như thành phố Xiêm Riệp đối với Angkor Wat. Trong khi đó, Mỹ Sơn về quy mô chỉ bằng một góc rất nhỏ so với Angkor Wat. “Với một di sản văn hóa như Mỹ Sơn, mỗi du khách muốn thích thì trước hết người ta phải hiểu về nó, mà tất nhiên số đó không nhiều. Cái của mình, mình thích, nhưng đừng nghĩ ai cũng thích như mình”, ông Kỳ nói. |