Xây sân bay mới, lo nặng nợ nước ngoài

Xây sân bay mới, lo nặng nợ nước ngoài
TP - Ngày 8/7, Bộ GTVT tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào báo cáo đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành, Đồng Nai.

> Việt Nam sắp có thêm sân bay quốc tế
> Trên 6,7 tỷ USD xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Theo quy hoạch, sân bay và nhà ga Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) khoảng 43 km.

CHKQT Long Thành đóng vai trò thay thế Tân Sơn Nhất trong tương lai gần, trở thành CHKQT lớn nhất toàn quốc, tổng công suất 80 - 100 triệu lượt hành khách/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án ước khoảng 5,6 tỷ USD. Trong đó, vốn Nhà nước và ODA (dự kiến của Nhật Bản) chiếm khoảng 53%, còn lại của tư nhân.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, đến năm 2020, lượt hành khách qua Tân Sơn Nhất sẽ đạt 25 triệu/năm. Việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành cần hoàn thành sau năm 2020 để bổ sung kịp thời khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải.

Tuy đồng tình nhưng tại hội thảo, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nên cân nhắc đến gánh nặng nợ nước ngoài. Theo cơ quan này, nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đắt nhất so với các nguồn khác. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Việt Nam cao và cần tính toán kỹ hơn chuyện vay nợ.

Đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng số dân bị ảnh hưởng bởi dự án này lên tới 5.381 hộ với 17.039 nhân khẩu, trong đó số trong độ tuổi lao động là 14.710 người. Kinh phí bồi thường hỗ trợ khoảng 15.300 tỷ đồng. UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị chủ đầu tư đào tạo nghề cho các lao động phổ thông để tham gia vào quá trình thi công dự án, đào tạo nghề cho các lao động có trình độ tham gia làm việc khi công trình đưa vào khai thác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG