Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phóng viên Tiền Phong trao đổi với PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về tư tưởng lấy dân làm gốc trong xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Ông Vũ Văn Phúc cho biết: Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, gốc rễ của Nhà nước pháp quyền là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Vì vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để nhân dân trực tiếp bầu ra các đại biểu xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội ảnh: TTXVN |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về Nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình. Tất cả các cơ quan Nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.
Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 do Người làm Trưởng ban soạn thảo, đã thể hiện đầy đủ tinh thần ấy, ghi nhận các quyền con người và quyền công dân. Theo Người, nhà nước pháp quyền phải là nhà nước dân chủ, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhà nước phục vụ nhân dân. Nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước. Toàn bộ quyền lực của nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân. Như vậy, nhà nước pháp quyền là nhà nước phải biết tôn trọng, lắng nghe và học hỏi nhân dân, gần nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, ý chí, tìm cách khơi nguồn, bồi dưỡng và nâng cao sức dân.
Tha hóa quyền lực khiến cán bộ hư hỏng
Thực tế có không ít trường hợp cán bộ lạm dụng quyền lực, biến quyền lực nhân dân giao cho, ủy quyền cho thành quyền lực cá nhân để phục vụ cho lợi ích cá nhân, gia đình, “lợi ích nhóm”. Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng này?
Quyền lực luôn có xu hướng tha hóa. Có người khi chưa được trao quyền lực là người rất tốt, nhưng khi được trao quyền lực có người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ phiếu, sau một lần được bổ nhiệm… người đó đã ra dáng “quan cách mạng”, dần trở nên tha hóa, hư hỏng, trở thành người xấu vì lợi ích thấp hèn của cá nhân, của “nhóm lợi ích”.
Cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và hiệu quả.
PGS.TS Vũ Văn Phúc
Sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra bằng nhiều phương thức rất đa dạng, tinh vi, phức tạp, dùng quyền hạn của mình để tác động không đúng, “ưu ái” đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích. Ngay cả một số đảng viên, công chức, viên chức cũng lợi dụng vị trí công tác để trục lợi cá nhân, phe nhóm và cả một số cán bộ tham mưu, giúp việc, một số trợ lý, thư ký riêng cũng có biểu hiện tha hoá quyền lực gây bức xúc trong xã hội.
Đặc biệt, sự tha hóa quyền lực vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ trên dưới, giữa trong và ngoài và có ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực và trong chừng mực đã xuất hiện sự tha hoá quyền lực của cán bộ, đảng viên với tội phạm có tổ chức. Hầu hết những vụ vi phạm của một số cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cấp cao của Đảng bị thi hành kỷ luật (kể cả truy tố hình sự) đến nay đều có nguyên nhân sâu xa từ sự tha hoá quyền lực, nhất là trong lĩnh vực công tác cán bộ và đầu tư các dự án kinh tế.... Điều đáng lưu tâm là hiện nay, sự tha hoá quyền lực đã có nhiều dư luận, nhiều người biết, nhưng để kiểm soát được là không dễ dàng, vì sự đan xen trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ gắn với người có chức, có quyền.
Để cán bộ “không thể”, “không dám” lạm quyền
Vậy giải pháp nào để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả, thưa ông?
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cá nhân người cán bộ khi được trao quyền lực. Người cho rằng: cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Sau khi có đường lối đúng thì khâu quyết định là lựa chọn đúng cán bộ. Người căn dặn: cán bộ là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Người cho rằng: “đức” là cái gốc của cán bộ. Do vậy, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước, chính là kiểm soát “cán bộ”: “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Vì thế, phải xây dựng và thực thi cơ chế, chế tài đủ mạnh để các tổ chức bộ máy, các cá nhân được giao quyền lực phải thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm chức trách, nhiệm vụ được giao, “không dám - không thể - không muốn lạm quyền, lộng quyền”, lợi dụng quyền lực vì mục đích, lợi ích cá nhân. Phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Nếu lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, tham nhũng, “lợi ích nhóm” đều phải được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và xử lý nghiêm hoặc truy tố theo pháp luật của Nhà nước.
Để phòng, chống sự tha hóa quyền lực, để kiểm soát quyền lực, Nhân dân phải phát huy quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Nhân dân phải thực sự tham gia vào quá trình quản lý đất nước, tham gia quản lý xã hội, tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý, điều hành quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng… của đất nước. Thực hiện nghiêm phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Đặc biệt, phải công khai, minh bạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tất cả các tổ chức, các cơ quan, đơn vị, của đội ngũ cán bộ để Nhân dân kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện. Phát huy mạnh mẽ, chủ động, tích cực sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân vào việc kiểm soát quyền lực.
Xin cảm ơn ông!