Theo Bộ LĐ-TB&XH, DN có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng GDNN. Xác định được vấn đề đó, trong những năm gần đây, việc gắn kết DN với GDNN luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất…
Bộ LĐ-TB&XH cũng có Thông tư cho phép DN có thể đảm nhận giảng dạy nghề đến 40% thời lượng của chương trình đào tạo. Đồng thời, ký kết các chương trình hợp tác với VCC, các hiệp hội DN, các tập đoàn, công ty lớn…
Tuy vậy, hiệu quả liên kết DN với đào tạo nghề vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, khi chính sách ưu đãi chưa đủ sức hấp dẫn, việc thực hiện còn vướng mắc; thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của DN đối với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của quốc gia; thiếu các quy định cụ thể về đặt hàng đào tạo, đào tạo tại DN…
Do đó, cần xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích DN tham gia hoạt động GDNN. Tại Dự thảo Nghị định, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 5 nhóm chính sách.
Cụ thể, Chính sách về Ưu đãi thuế cho DN khi tham gia hoạt động GDNN, gồm ưu đãi về thuế thu nhập DN; thuế giá trị gia tăng; thuế xuất khẩu - nhập khẩu; ưu đãi giao, cho thuê đất…
Chính sách về Các cơ chế hợp tác giữa DN và cơ sở GDNN gồm: Liên kết đào tạo giữa DN với cơ sở GDNN; Đặt hàng đào tạo giữa DN với cơ sở GDNN; Nhà giáo, người hướng dẫn đào tạo của DN…
Chính sách Đào tạo tại DN, với quy định về: Thành lập trung tâm đào tạo tại DN; Tuyển sinh; Thời gian đào tạo; Chương trình đào tạo; Giáo trình đào tạo; Phương pháp đào tạo; Người dạy các chương trình đào tạo; Tổ chức và quản lý đào tạo; Chứng chỉ…
Chính sách về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng ngành, nhằm đảm bảo vai trò của DN trong việc gắn kết GDNN với thị trường lao động.
Chính sách về Quỹ Đào tạo nghề nghiệp, nhằm tăng cường ràng buộc và trách nhiệm của DN trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các trình độ trung cấp, cao đẳng trong GDNN. DN tham gia đóng góp một phần doanh thu theo tỷ lệ phần trăm của tổng lương cơ bản của toàn bộ cán bộ, nhân viên DN theo năm cho Quỹ hoạt động, và từ các nguồn khác…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện số lượng cơ sở GDNN của DN trong cả nước còn hạn chế. Cụ thể, chỉ có 46/379 trường cao đẳng thuộc DN (chiếm 11,6%); Chỉ 84/519 trường trung cấp thuộc DN (chiếm 16,1%); Chỉ 181/1.032 trung tâm dạy nghề thuộc DN.