Xăm hình nghệ thuật: Đi hối hả, về hối hận!

Xăm hình nghệ thuật: Đi hối hả, về hối hận!
Xăm hình trên cơ thể đang là một thú chơi, trào lưu không chỉ hấp dẫn giới trẻ mà còn “lôi kéo” mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội. Bằng chứng là sự ra đời, hoạt động công khai của hàng loạt các “Tattoo shop” – cơ sở xăm hình nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM.
Xăm hình nghệ thuật: Đi hối hả, về hối hận! ảnh 1

Từ “khắc dấu” lên cơ thể...

Nếu như trước đây việc sở hữu một hình xăm trên cơ thể thường chỉ dành cho giới “anh chị” với những hình ảnh thường mang ý nghĩa đe dọa, hầm hố như rồng, hổ, đại bàng... thì ngày nay phạm vi đó được mở rộng đến nhiều thành phần trong xã hội. Đặc biệt là trong giới trẻ với những hình vẽ, hoa văn, biểu tượng rất phong phú, đa dạng. Với họ, đây cũng là một loại hình nghệ thuật, giống như “body art”, chỉ có khác là thay vì vẽ thì xăm, lưu giữ hình ảnh trên da vĩnh viễn.

Khách của các cơ sở Tattoo có đủ thành phần, từ giới sinh viên, công chức, doanh nhân, bác sĩ, du khách nước ngoài... và không hiếm trường hợp trong số họ là các viên chức, nhiều nhất là lứa tuổi từ 20 - 40.

Thay vì ghi nhật ký hay lưu vào ký ức những sự kiện có ý nghĩa đánh dấu bước ngoặc trong đời, có thể là niềm vui hay nỗi buồn, nhiều người đã giữ lại những điều đó bằng cách “khắc dấu” lên cơ thể. Cũng có người tậu cho mình một hình xăm với mục đích làm đẹp, che giấu những vết sẹo trên cơ thể, yếu tố tâm linh, phong thủy hay đơn giản chỉ để thể hiện cái tôi, thế giới của riêng mình.

Tùy độ khó, diện tích, hình màu, 3D hay dạ quang mà có giá khác nhau. Một hình xăm nhỏ cỡ ảnh 3x4 cm thường có giá từ 300 ngàn đồng cộng thêm 20 phút chịu đau đến những hình xăm có giá lên đến vài ngàn “đô”, trong số đó không hiếm những “tác phẩm” phải được “vẽ” trong thời gian dài, có khi đến cả năm.

Họ có thể xăm bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, nhiều nhất là tay, vai, cổ, eo, chân, thậm chí bộ phận lưỡi, bên trong miệng cũng không bỏ qua... đến những chỗ nhạy cảm trên cơ thể. Trong đó mặt là khu vực mà giới xăm mình thường chừa ra nhưng cũng có người bất chấp, đa số là vì mục đích tôn giáo, hay nội quy của “bang phái” trong chốn “giang hồ”. 

... Đến khóc, cười với hình xăm

Đối với những tín đồ của hình xăm, thường họ không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo mà chỉ phụ thuộc vào 2 yếu tố: gia đình và công việc. Thế nên tại các cơ sở Tattoo có uy tín thường có hẳn một đội ngũ tư vấn cho khách hàng, sẵn sàng từ chối những “ca” dưới 18 tuổi hay tâm lý đang bất ổn nhằm tránh cho họ phải “ôm hận” về sau.

Với hình xăm vĩnh cửu không dễ dàng tẩy xóa nên chủ nhân của nó có rất nhiều người đã phải khổ sở với những “dấu ấn” trên da của mình do không vượt qua được định kiến của xã hội. Khi xăm hình háo hức bao nhiêu thì có lúc cũng muốn nó biến mất càng nhanh càng tốt. Nhiều bạn còn khôi hài khi đi xăm mình: đi hối hả, về hối hận.

Tuy chỉ thật sự phát triển mạnh gần 4 năm nay, nhưng lượng người tìm đến với nghệ thuật xăm mình có con số đáng ngạc nhiên. Dân trong nghề tính toán, hiện nay Sài Gòn có gần 60 thợ xăm hình, trung bình một thợ xăm khoảng 200 tác phẩm (theo số liệu thống kê của hội Tattoo Sài Gòn), như vậy, nếu chỉ tính riêng ở Sài Gòn đã có hơn 10 ngàn người sở hữu hình xăm và không ít người trong số họ đã phải hối hận, thậm chí “trả giá” cho một phút nông nổi của mình.

Ngày nay, dù xã hội có phát triển theo chiều hướng mở, việc xăm mình ở các nước phương Tây được xem là một loại hình nghệ thuật nhưng đối với các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam thì không dễ dàng chấp nhận và họ xem những người có hình xăm là thành phần... cá biệt. Không ít trường hợp phải chịu cảnh thất nghiệp oan uổng chỉ vì cấp trên sẵn sàng “duyệt” sa thải nhân viên hoặc trong thông báo tuyển dụng có ghi: “không tuyển người có hình xăm”.

So với cánh mày râu thì giới chị em có vẻ thiệt thòi hơn, vì định kiến của xã hội khắt khe hơn, không ít người chỉ vì lỡ “dính” một chút mực xăm mà lỡ hạnh phúc của đời mình.

Chị Quỳnh, một chuyên viên trang điểm kể về đám cưới hụt của mình: “Mọi thứ chuẩn bị cho lễ cưới đều hoàn tất, đến ngày thử áo cưới, vô tình mẹ chồng phát hiện một “quả phụ áo đen”- biệt danh mà giới xăm mình đặt cho loài nhện ngay trên thắt lưng của mình. Thế là mọi chuyện đành gác lại vì bà nghĩ mình là người hư hỏng”.

Xăm thì dễ, tẩy thì khó

Với kỹ thuật tiên tiến, chất lượng mực xăm hiện nay thì một hình xăm có “tuổi thọ” trung bình là 60 năm – bằng khoảng thời gian của cả đời người, trong khi biên độ thay đổi tâm lý của con người là rất ngắn – khoảng 6 tháng. Do đó, những ai khi đến với thế giới hình xăm mà không cân nhắc kỹ thì sẽ muốn từ bỏ chỉ sau nửa năm.

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM thì trung bình có khoảng 18 ca/tháng đến xóa hình xăm, trong khi đó, số lượt người đến tư vấn cao gấp 4 lần. Chưa kể những cơ sở thẩm mỹ bên ngoài cho thấy nhu cầu là rất nhiều nhưng chỉ một số ít người xóa vì đa phần không đủ khả năng tài chính. 

Dù là thú chơi không ảnh hưởng đến ai và là sở thích tự do của mỗi người nhưng “trước khi xăm mình thì phải... soi mình” là lời nhắc cho những ai trước khi đến với loại hình nghệ thuật còn đang tranh cãi này.

Theo bác sĩ Phan Thị Kim Anh – Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu: Tuy việc xăm mình chỉ tiến hành ở dưới 1/3 da nhưng vẫn có sự chảy máu. Đây là một nguy cơ, nguồn lây các căn bệnh truyền nhiễm như viêm gan siêu vi, HIV nếu như không đảm bảo khâu tiệt trùng, vệ sinh y tế. Chưa kể nhiều người có cơ địa dị ứng với mực xăm mà mắc các bệnh về da.

Theo Văn Hóa

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG