Bắt đầu từ 9h sáng nay (21/1), Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội, nhằm xây dựng diễn đàn để cơ quan quản lý, chuyên gia, chính quyền địa phương cùng nhau thảo luận các giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội một cách hiệu quả, khả thi.
Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.
Theo kết quả nghiên cứu, kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính (đóng góp từ 58-74%) cho bầu không khí thành phố.
![]() |
Bắt đầu từ 9h sáng nay (21/1), Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội. Ảnh: Duy Phạm. |
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, sáng 12/12, tại Kỳ họp lần thứ 20, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội, có hiệu lực từ 1/1/2025. Trước mắt, thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Nhằm ghi nhận ý kiến của các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về các giải pháp triển khai thí điểm vùng phát thải thấp tại Hà Nội, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội. Đây là dịp để cơ quan quản lý, chuyên gia, chính quyền địa phương cùng nhau thảo luận, chia sẻ, trao đổi các giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội một cách hiệu quả, khả thi.
Nguyên nhân ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Không khí "có chân", ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác
Phải kiểm soát được các nguồn phát thải
Vùng phát thải thấp tập trung vào phương tiện giao thông
Thí điểm vùng phát thải thấp là vấn đề rất khó
Nghiên cứu mở rộng phố đi bộ và có hệ thống xe điện
Phát triển giao thông xanh, giảm ô nhiễm
Phải hành động ngay!
Kinh nghiệm từ những thành phố lớn trên thế giới
Cần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện
Thiết kế vùng phát thải thấp rất khó khăn
Hà Nội quyết liệt giải quyết vấn đề ô nhiễm
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
21/01/2025 09:36
Phải quyết liệt chống “giặc ô nhiễm không khí”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng ban Thời sự - Nội chính, Báo Tiền Phong:
"Chúng ta đang sống trong những ngày mà bầu không khí Hà Nội ô nhiễm rất nghiêm trọng. Những ngày qua, khi mở các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Đại sứ quán Mỹ hay của PAM Air, chúng ta đều thấy một màu đỏ, màu tím, thậm chí màu nâu xuất hiện trên các điểm đo chất lượng không khí. Ngay sáng nay (21/1) khi toạ đàm của chúng ta đang bắt đầu thì ngoài kia ô nhiễm không khí đang ở mức rất nghiêm trọng.
Thưa toàn thể quý vị khách quý, mỗi ngày chúng ta cần khoảng 10.000 lít không khí để thở. Môi trường không khí ô nhiễm tác động đến sức khoẻ của tất cả mọi người, của chính chúng ta, của gia đình chúng ta. Tôi nhớ tại Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 tại Hà Nội, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới ở Việt Nam đã đưa ra con số rất báo động, khoảng 70.000 người Việt tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí, gần gấp đôi số người Việt tử vong trong đại dịch COVID-19. Đây là con số vô cùng lo ngại khiến chúng ta phải suy ngẫm và hành động.
Tôi cũng nhớ câu nói của TS Hoàng Dương Tùng tại lễ phát động chiến dịch Vì Thủ đô trong xanh của Tập đoàn Vingroup cách đây ít ngày. Ông nói, tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, đòi hỏi tất cả chúng ta, không riêng gì ai không thể chần chừ được nữa, phải quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống giặc ô nhiễm không khí, càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao.
Thưa toàn thể quý vị đại biểu khách quý, những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đã tích cực triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Một trong những giải pháp quan trọng vừa được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt là triển khai thực hiện vùng phát thải thấp, trước mắt thí điểm tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, với trọng tâm là thúc đẩy giao thông xanh, góp phần giải quyết ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất của Thủ đô Hà Nội.
![]() |
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. |
Đây là một vấn đề không mới ở nhiều nước phát triển nhưng là vấn đề rất mới ở Việt Nam. Chúng ta thí điểm lần đầu tại Hà Nội nhưng cũng là thí điểm lần đầu trên cả nước. Việc thí điểm vùng phát thải thấp là một nội dung được nhận định sẽ rất khó khăn, thách thức vì có thể tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô.
Với mong muốn đề xuất các giải pháp triển khai thí điểm vùng phát thải thấp tại Hà Nội một cách khả thi và hiệu quả trong thực tiễn, hôm nay Báo Tiền Phong tổ chức Toạ đàm “Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội”. Chúng tôi hy vọng các quý vị đại biểu ngồi đây sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ thẳng thắn, toàn diện về các giải pháp, lộ trình cũng như thuận lợi, khó khăn, thách thức khi triển khai vùng phát thải thấp.
Chúng tôi hy vọng, ý kiến quý báu của các vị đại biểu, khách quý tham dự Toạ đàm hôm nay sẽ trở thành nguồn thông tin tin cậy, giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin để triển khai hiệu quả chủ trương thí điểm vùng phát thải thấp ở quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình.
21/01/2025 09:51
Nguyên nhân ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:
Thưa bà, từ đầu mùa đông đến nay, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Hà Nội. Hiện Hà Nội đã thống kế, đánh giá như thế nào về tình hình ô nhiễm không khí từ đầu mùa đông đến nay và trong cả những năm trước. Đây là nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí này?
Bà Lưu Thị Thanh Chi: Những ngày cuối năm, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nhức nhối. Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn so với TPHCM do nhiều nguyên nhân.
Trong đó nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.
![]() |
Bà Lưu Thị Thanh Chi. |
Nguyên nhân nữa, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố và từ các tỉnh về Hà Nội đông hơn so với những thời gian khác trong năm khiến chất lượng không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông.
Theo thống kê quý IV tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kém là 48,91%, đạt mức xấu là 44,37%. Thời điểm chất lượng không khí ảnh hưởng sức khoẻ người dân chiếm nhiều hơn so với cả năm.
Vì vậy, Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông. Đây là bước đột phá của Hà Nội, cũng như cả nước nhằm phát triển giao thông xanh - sạch - thuận tiện - chi phí thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Vùng phát thải thấp bước đầu sẽ được thí điểm tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Đây là hai quận có mật độ dân cư đông và đang có những nền móng để phát triển vùng phát thải thấp.
21/01/2025 10:05
Không khí "có chân", ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác
- Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đặt câu hỏi với đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT): “Bộ đánh giá như nào về thực trạng ô nhiễm chung ở miền Bắc và đâu là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở miền Bắc?”.
- Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT: Riêng với những vấn đề nội tại ô nhiễm của Hà Nội thì UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì cùng các sở ngành có báo cáo xây dựng chất lượng không khí Hà Nội. Đây là động thái quyết liệt của TP. Hà Nội, thể hiện chúng ta không thể thờ ơ trước môi trường không khí.
![]() |
Bà Nguyễn Hoàng Ánh. |
Qua theo dõi chất lượng không khí trên website của Tổng cục môi trường có thể thấy mức độ ô nhiễm đang gia tăng qua các năm, đây là vấn đề thực sự lo ngại. Không khí "có chân", không phải ở đâu gây ô nhiễm thì ô nhiễm ở đó mà ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác. Chất lượng môi trường không khí chịu ảnh hưởng rất lớn của khí hậu thời tiết, đặc biệt cứ đến cuối năm lại chịu tác động rất lớn, do đó cần nhìn nhận tổng quát để thấy đâu là yếu tố chủ quan, đâu là yếu tố khách quan khi xem xét nguyên nhân ô nhiễm không khí.
Có 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng; giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; đốt mở; dân sinh và khí hậu thời tiết. Ô nhiễm thường bùng phát dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế xã hội đạt mức cao nhất, xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy xí nghiệp tăng công suất tối đa, cộng thêm "chăn ấm" của khí hậu thời tiết ủ vào khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng đột biến.
Mong rằng sau tọa đàm, chúng ta sẽ tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương, đồng thuận đến từng người dân để tìm ra giải pháp.
Bà Trịnh Thị Minh Phương - Phó Trưởng phòng TN&MT, UBND quận Hoàn Kiếm - bày tỏ thống nhất cao với các nguyên nhân được các chuyên gia, đại diện sở ngành nêu ra.
![]() |
Bà Trịnh Thị Minh Phương. |
Bà Phương cũng cho biết thêm, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động như: xóa bếp than tổ ong, phố đi bộ, phân loại rác, xoá các điểm đen rác thải và tạo khu vui chơi.
21/01/2025 10:13
Phải kiểm soát được các nguồn phát thải
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam:
Các báo cáo, nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên gia và Bộ TN&MT chỉ ra không khí tại Hà Nội thường ô nhiễm nhất vào mùa đông. Đặc biệt năm nay, tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn là do ít mưa.
![]() |
Ông Hoàng Dương Tùng. |
Chúng ta không thể điều khiển được khí hậu, thời tiết, do đó phải tìm nguyên nhân gây ô nhiễm để đưa ra giải pháp xử lý. Có thể thấy vấn đề phát thải của phương tiện giao thông - một trong những nguyên nhân lớn gây nên ô nhiễm môi trường tại TP. Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh), Bangkok (Thái Lan)... nói chung - là một trong những nguyên nhân mà chúng ta có thể tác động được, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài các nguyên nhân gây được nêu ra nhiều năm qua như hoạt động xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, đốt rác... cần phải nghiên cứu về vùng môi trường có tác động đến chất lượng không khí Hà Nội. Ví dụ như hoạt động của các nhà máy xi măng tại Hà Nam, hay đốt rơm rạ ở Thái Bình sẽ có tác động không nhỏ tới môi trường của Hà Nội. Chỉ khi kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường thủ đô thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được.
21/01/2025 10:30
Vùng phát thải thấp tập trung vào phương tiện giao thông
- Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến mời đại diện Sở TN&MT chia sẻ chủ trương và mục tiêu của Hà Nội khi ban hành Nghị quyết thí điểm vùng phát thải thấp. Việc triển khai chủ trương này sẽ được thành phố thực hiện như nào trong thời gian tới?
- Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội:
Giải pháp, vùng phát thải thấp được đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ được triển khai trong năm 2025. Hiện chúng tôi đang xây dựng những hướng dẫn chi tiết để thực hiện vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí.
![]() |
Bà Lưu Thị Thanh Chi. |
Hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025. Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tâng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát…; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Hà Nội cũng vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh, điện trên thành phố. Từ đó, tiến tới Hà Nội đạt tỉ lệ 100% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh trong năm 2035.
21/01/2025 11:01
Thí điểm vùng phát thải thấp là vấn đề rất khó
- Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Quận Ba Đình được thành phố lựa chọn là một trong hai địa phương thí điểm vùng phát thải thấp. Hiện nay, UBND Quận đã có những sự chuẩn bị gì cho việc triển khai này. Quận đánh giá, nhận định như nào về những thách thức, khó khăn gặp phải và có những đề xuất, kiến nghị gì?
- Ông Nguyễn Cương Quyết - Phó trưởng Phòng TN&MT quận Ba Đình:
Thí điểm vùng phát thải thấp là vấn đề rất khó, không hề đơn giản. Chúng ta có thể thấy việc xử lý ô nhiễm không khí liên quan đến bếp than tổ ong đã được thực hiện xuyên suốt từ năm 2018 - 2022 mới chấm dứt được. Chỉ riêng 1 việc tuyên truyền chấm dứt không dùng bếp than tổ ong nữa mà phải mất 5 năm. Nếu không kiên trì tuyên truyền, không có giải pháp, cứ thu của người dân thì cứ thu người ta lại dùng vì có nhu cầu. Do đó cần kiên trì nâng cao nhận thức của người dân, chứ cứ lý thuyết thì rất khó.
![]() |
Ông Nguyễn Cương Quyết. |
Về thực hiện Nghị quyết 47 năm 2024 của HĐND TP Hà Nội, quận Ba Đình đã sẵn sàng, cả hệ thống chính trị quận đã sẵn sàng, nội dung này cũng đã được Đảng bộ, UBND quận đưa vào công tác năm. Chúng tôi đề xuất phải lập đề án thực hiện, tránh loay hoay không biết bắt đầu từ đâu.
Ví dụ như Ba Đình lựa chọn các phố đi bộ Đảo ngọc Ngũ Xã, hồ Ngọc Khánh, Phạm Huy Thông để thí điểm. Nhưng phải có có liên kết vùng, như Đảo Ngọc Ngũ Xã liên quan dến cả trục đường Yên Phụ; phố Phạm Huy Thông liên quan đến cả trục Nguyễn Chí Thanh... nên phải nghiên cứu khi thí điểm cho cụ thể.
21/01/2025 11:16
Nghiên cứu mở rộng phố đi bộ và có hệ thống xe điện
- Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Quận Hoàn Kiếm được HĐND thành phố Hà Nội lựa chọn là một trong hai địa phương thí điểm vùng phát thải thấp. Hiện nay, UBND quận đã có những sự chuẩn bị gì cho việc triển khai này. Quận đánh giá, nhận định như nào về những thách thức, khó khăn gặp phải và có những đề xuất, kiến nghị gì?
- Bà Trịnh Thị Minh Phương - Phó Trưởng phòng TN&MT, UBND quận Hoàn Kiếm:
Những khó khăn và thuận lợi khi triển khai vùng phát thải thấp của quận Hoàn Kiếm và Ba Đình là tương đồng nhau. Tuy nhiên, ngay sau khi HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết 47/2024, ban lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã lập tức có các cuộc họp, nhằm tìm ra những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
![]() |
Bà Trịnh Thị Minh Phương. |
Hiện tại, quận Hoàn Kiếm đang trong quá trình khảo sát các giải pháp, và hy vọng sớm nhận được sự hướng dẫn của Sở TN&MT Hà Nội trong việc thực hiện vùng phát thải thấp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vùng phát thải thấp quận Hoàn Kiếm gặp phải một số khó khăn, trong đó liên quan phần lớn đến ý thức của người dân. Bởi lẽ, trong khi nhiều người thực hiện đi xe điện để góp phần cải thiện chất lượng không khí, thì vẫn có nhiều trường hợp có các hành động gây ô nhiễm.
Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội chưa được kết nối đồng nhất nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện vùng phát thải thấp.
Quận Hoàn Kiếm sẽ đề xuất khả năng mở rộng phố đi bộ, để giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân. Mở rộng hệ thống xe điện chạy xuyên toàn quận để góp phần cải thiện chất lượng không khí nội đô, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 47 của HĐND TP. Hà Nội.
21/01/2025 11:43
Phát triển giao thông xanh, giảm ô nhiễm
- Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Từ năm 2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/07/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Xin ông cho biết, đến nay việc triển khai Quyết định 876 được thực hiện như nào? Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ triển khai các nội dung gì để thúc đẩy giao thông xanh, hỗ trợ cho các địa phương thí điểm triển khai vùng phát thải thấp?
- Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ GTVT:
Bộ GTVT đã triển khai từ sớm việc kiểm soát ô nhiễm từ phương tiện giao thông. Trong đó, việc kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông lưu hành từ năm 2017, đến nay đã nâng mức quy chuẩn lên 2 lần; thực hiện kiểm soát tại nguồn đối với phương tiện giao thông sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới. Những tiêu chuẩn này cao và đi trước các nước trong khu vực.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Tiến. |
Bộ GTVT đã rà soát, tạo hành lang pháp lý để phương tiện giao thông xanh đủ điều kiện lưu thông trên đường; nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi phương tiện của người tham gia giao thông và các nhiệm vụ cụ thể khác.
Kết quả cơ bản đã bảo đảm hành lang pháp lý để ô tô điện lưu hành thuận lợi như các phương tiện giao thông khác.
Đã ban hành quyết định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp; thông tư quy định phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường. Đây là chính sách tạo tiền đề cho việc thực hiện các chính sách khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh trong GTVT, trong đó có ô tô điện.
Triển khai một số nghiên cứu đề xuất chính sách: Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ để khuyến khích đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa chuyển đổi sang sử dụng xe tải điện, xây dựng mô hình thí điểm vận tải giữa cảng và nhà máy cho các chuỗi cung ứng/thương hiệu quốc tế; nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích việc chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện đối với các tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt liên tỉnh và các tuyến vận tải hành khách cố định. Phối hợp với các bộ, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng “Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện”, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.
Để thúc đẩy giao thông xanh, giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó việc hỗ trợ cho các địa phương thí điểm triển khai vùng phát thải thấp, quan trọng nhất là người dân sẵn sàng cho việc chuyển đổi, có ý thức và mong muốn chuyển đổi phương tiện vì mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước của nhiều bộ ngành và địa phương.
21/01/2025 11:49
Phải hành động ngay!
Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường:
Giao thông xanh là thực sự cần thiết để đảm bảo tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, phải có góc nhìn rộng bởi giao thông xanh là hành vi ứng xử, từ phương tiện, quy trình vận hành, người vận hành... đến yếu tố ngoại cảnh, tích hợp lại thành văn hóa giao thông xanh.
Cơ chế chính sách, khung pháp lý chung đã được hình thành, giờ phải thực hành nó. Qua các bài học thí điểm của Hà Nội thực hành, rồi mới biết nó hổng ở đâu, người dân, doanh nghiệp, chính quyền được hưởng lợi gì? Từ đó phân tích thiếu hụt trong hệ thống chính sách, đang thiếu gì để tất cả đều “win”. Do đó phải hành động ngay, bắt đầu ngay.
![]() |
Bà Nguyễn Hoàng Ánh. |
Chúng ta không nên nhìn mọi thứ toàn màu xanh bởi trước mặt chúng ta rất ô nhiễm bắt đầu từ ý thức hệ và vướng từ thực tế. Hành vi giao thông đâu phải một phường, một quận. Mọi phương tiện đều bình đẳng, vậy giữ chỗ này lại di chuyển sang chỗ khác như vậy tổng phát thải không thay đổi. Do vậy thí điểm rồi phải làm lớn hơn, rộng hơn.
Quốc hội, Chính phủ rốt ráo rồi, đã đưa kiểm soát không khí vào chương trình giám sát của Quốc hội; Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT xây dựng Đề án về xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Chúng tôi đã sẵn sàng, dự kiến trình vào quý III/2025.
21/01/2025 11:52
Kinh nghiệm từ những thành phố lớn trên thế giới
PGS, TS. Nguyễn Đức Lượng - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội:
Dưới góc độ người làm khoa học, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành các cơ quan liên quan tìm ra các giải pháp có tính khả thi để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Lượng. |
Chúng tôi cũng đã tiến hành một số nghiên cứu tại các nước đã thực hiện kiểm soát ô nhiễm không khí, như tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan - một nơi có nhiều điều kiện tương đồng về kinh tế xã hội với Việt Nam. Đặc biệt, Bangkok có nhiều nguồn thải từ phương tiện cá nhân, trong đó có phương tiện truyền thống là xe tuk tuk là vấn đề nóng. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, chính quyền Bangkok đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp về quản lý như năm 2022 thí điểm dự án vùng phát thải thấp tại quận Pathum Wan - nơi có mức độ ô nhiễm nhất.
Đáng chú ý, việc thí điểm không chỉ dừng lại ở việc hạn chế phương tiện, khuyến khích giao thông công cộng mà còn có những chiến dịch xanh hướng đến nhiều bên liên quan, cộng đồng xanh, khách sạn xanh, văn phòng xanh, trung tâm thương mại xanh... trong vùng phát thải thấp. Chính quyền thành phố thực hiện quan trắc thường xuyên trong vùng phát thải thấp, liên tục truyền thông kết quả đến người dân. Người dân được biết chất lượng không khí cải thiện dần, từ đó họ thấy lợi ích và nâng cao ý thức về môi trường.
Một ví dụ nữa là thành phố từng đứng top thành phố ô nhiễm trên thế giới - Bắc Kinh. Tháng 9/2017, Bắc Kinh triển khai thí điểm đề án vùng phát thải thấp tại một số quận, thành phố. Tập trung vào việc giảm nguồn thải giao thông như: tăng giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch, cấm phương tiện có nguy cơ ô nhiễm cao, kiểm soát nguồn thải xây dựng. Đến cuối 2021 đã có 92% các quận, thành phố trực thuộc thành phố Bắc Kinh (hơn 300 quận, thành phố) đã thực hiện các giải pháp vùng phát thải thấp.
21/01/2025 11:55
Cần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ GTVT:
Việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông được Bộ GTVT nghiên cứu sớm, trong đó việc kiểm soát khí thải xe máy được nghiên cứu từ năm 2010. Trong quá trình làm, các chuyên gia đã có nhiều khuyến nghị vì tác động xác hội lớn, bởi giao thông của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng có tính đặc thù, đặc thù là xe máy. Bởi vì liên quan đến tác động xã hội và vấn đề pháp lý, việc kiểm định khí thải xe máy đến năm 2022 mới đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, năm 2024 đưa vào Luật An toàn giao thông. Từ đó mới có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để kiểm định khí thải xe máy.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Tiến. |
Kiểm định khí thải xe máy là việc lớn, trước tiên cần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, từ phương tiên sử dụng năng lượng xanh thay năng lượng hoá thạch…
Việc kiểm soát khí thải, giao thông xanh liên quan đến nhiều bộ, ngành, thậm chí các địa phương. Chủ trương chính sách đã có, ý tưởng đã thông, cần phải được nhân dân ủng hộ. Để được sự đồng tình của người dân rất cần sự đồng hành, tham gia của các cơ quan truyền thông.
21/01/2025 12:04
Thiết kế vùng phát thải thấp rất khó khăn
- Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến mời Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt NamHoàng Dương Tùng chia sẻ ý kiến về việc các địa phương cần có sự chuẩn bị cũng như những lưu ý, giải pháp nào để có thể triển khai thành công vùng phát thải thấp.
- Ông Hoàng Dương Tùng: Vùng phát thải thấp chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện ô nhiễm không khí TP. Hà Nội. Tuy nhiên, hiệu quả của vùng phát thải thấp đã được chứng minh ở rất nhiều nước, ví dụ tại châu Âu đã có hơn 300 vùng phát thải thấp.
Qua nghiên cứu tài liệu và kinh nghiệm tại các thành phố trên thế giới, kết quả của việc thực hiện các vùng phát thải thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai. Nhưng phải nhấn mạnh rằng việc thiết kế vùng phát thải thấp rất khó khăn, đòi hỏi phải có nhận thức đúng, thiết kế đúng và hành động đúng. Không có mô hình nào chung cho việc thực hiện các vùng phát thải thấp, mặc dù đều có mục đích chung là giảm thiểu ô nhiễm.
![]() |
Ông Hoàng Dương Tùng. |
Đúc rút bài học kinh nghiệm từ các thành phố trên thế giới, để đảm bảo thực hiện vùng phát thải thấp thành công thì cần phải đảm bảo các điều kiện sau: có định nghĩa rõ ràng về mục tiêu; cần có tầm nhìn về giao thông; phải có truyền thông sâu rộng về vùng phát thải thấp; có chiến lược thực hiện hiệu quả và công bằng; có chương trình giám sát; chương trình hỗ trợ các đối tượng bị tổn thương; có biện pháp bổ sung các phương tiện giao thông công cộng xanh.
Bên cạnh thách thức thì cơ hội trong cuộc chiến chống giặc ô nhiễm không khí cũng rất nhiều. Bởi lẽ việc này đã được sự chung tay vào cuộc của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và thành phố Hà Nội thông qua Luật Thủ đô 2024. Đây là cơ hội để thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội và đặc thù cho Hà Nội. Đồng thời, còn có sự chung tay đồng lòng của các doanh nghiệp Việt Nam, điển hình như tập đoàn Vingroup với nhiều chiến dịch để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, việc cả nước triển khai giải pháp thu phí không dừng, các giải pháp phương tiện thông minh, ứng dụng AI vào hệ thống điều khiển phương tiện giao thông... cũng góp phần hỗ trợ thực hiện vùng phát thải thấp.
Trước mắt, cần xây dựng hệ thống tài liệu chi tiết để quận Hoàn Kiếm và Ba Đình có định hướng lập đề án, chứ không phải loay hoay đi tìm. Đặc biệt, các giải pháp phải đi trước hành động theo cơ chế win - win.
Ví dụ, như hỗ trợ kiểm định xe máy, hỗ trợ chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, xây dựng các trụ sạc điện trong hai quận như thế nào, giảm giá giao thông công cộng, phát triển các hệ thống cho thuê xe đạp, xe điện. Ngoài ra, cần phải chú ý đến các vấn đề liên quận để tăng cường năng lực thực hiện.
21/01/2025 12:17
Hà Nội quyết liệt giải quyết vấn đề ô nhiễm
- Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Tình hình ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng và đặc biệt nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được coi là vấn đề trọng tâm của TP. Hà Nội ở thời điểm hiện tại. Do đó thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều biện pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề ô nhiễm.
![]() |
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. |
Báo Tiền Phong thông qua tọa đàm “Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội”, đã cùng các chuyên gia tìm ra các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, cũng như giải pháp góp phần cải thiện tình hình. Báo Tiền Phong hi vọng sẽ góp phần tham gia vào công tác tuyên truyền trong quá trình xây dựng đề án vùng phát thải thấp của quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, để nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp nhằm cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.
Hi vọng rằng các thông tin từ tọa đàm sẽ là nguồn thông tin có ích, để các chuyên gia và lãnh đạo sở, ban, ngành cùng phối hợp trong cuộc chiến chống “giặc ô nhiễm không khí” .
21/01/2025 15:47
Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Hà Nội, Tập đoàn Vingroup phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh”, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về môi trường và chung tay giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí với nhiều ưu đãi lớn cho các khách hàng mua xe đạp, xe máy, ô tô điện, thông qua đó giảm phát thải.
Từ ngày 10/1, Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái di chuyển xanh gồm VinFast, VinBus, GSM, FGF sẽ đồng loạt triển khai nhiều hoạt động và chính sách hỗ trợ ý nghĩa cho khách hàng mua, thuê và sử dụng xe điện hàng ngày.
Cụ thể, VinFast hỗ trợ 70 triệu đồng cho tất cả khách hàng mua xe ô tô điện và đăng ký biển số lưu hành tại Hà Nội từ ngày 10/1/2025 đến hết ngày 31/1/2026. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ tương ứng với từng dòng xe và hình thức mua xe kèm pin hoặc thuê pin, dao động từ mức 3,6 triệu đồng (cho xe VF 3 thuê pin) đến 70 triệu đồng (cho xe VF 9 mua pin).
Đối với khách hàng mua xe máy điện và xe đạp điện, mức hỗ trợ sẽ dao động từ 500.000 đồng (cho xe Evo200 thuê pin) đến 3.000.000 đồng (cho xe Theon S mua pin).
Số tiền hỗ trợ từ VinFast cho các loại xe trên sẽ được quy đổi thành điểm VinClub để khách hàng sử dụng dịch vụ tại tất cả các đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup và sẽ được chi trả sau khi khách hàng hoàn tất thủ tục đăng ký biển số.
Với các khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại TP. Hà Nội, công ty VinBus hỗ trợ 50% giá vé cho tất cả khách hàng mua vé tháng đơn tuyến trên các tuyến của VinBus từ ngày 1/2/2025 đến hết ngày 31/1/2026.
Công ty GSM cũng sẽ ra mắt các gói hội viên dành riêng cho khu vực Hà Nội, với các mã khuyến mãi trong 365 ngày cho cả dịch vụ Xanh SM Taxi và Xanh SM Bike có điểm đến và đi tại Hà Nội.
Trong khi đó, công ty FGF sẽ ưu đãi trực tiếp giá thuê xe và tích điểm cho các khách hàng thuê xe ngắn hạn và nhận xe tại Hà Nội kể từ ngày 15/01/2025 cho đến khi có thông báo mới. Khách hàng mua xe cũ qua FGF cũng sẽ được hưởng mức hỗ trợ tương tự như chính sách của VinFast đối với từng dòng xe.
/ Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
|
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội. Video: Trọng Quân. |
Tọa đàm có sự tham dự của các khách mời:
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải.
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
PGS.TS Nguyễn Đức Lượng - Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Ông Nguyễn Cương Quyết - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Bà Trịnh Thị Minh Phương - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận Hoàn Kiếm.
Mimi
Nguyên nhân lớn nhất là đốt rác thải. Nhất là rác thải nhựa là đốt thì kinh khủng.
Thích Trả lời
Trần Thị Thanh Xuân
Hà Nội bị ô nhiễm không khí do phát thải và bụi là chủ yếu. Vào mùa đông không khí khô hanh làm phát tán bụi rất nhiều nên ô nhiễm càng trầm trọng, nhà cửa, lá cây cũng phủ một lớp bụi. Trước hết nên tìm giải pháp hạn chế bụi như có xe quét hút bụi đường hoặc rửa đường thường xuyên là giải pháp dễ triển khai ngay nhất. Ở các nước phát triển như Đức tại các cửa ngõ vào thành phố các xe ô tô phải đi qua trạm rửa xe tự đồng. Biện pháp giảm phát thải thì phải có nhiều thời gian để thực hiện vì liên quan đến hạ tầng giao thông, giao thông công cộng, giao thông xanh thì phải có chương trình thực hiện cần nhiều thời gian
Thích Trả lời
Ngọc Minh
Riêng vấn đề khói thải thì không thấy ai nói, ai cũng tập trung vào xe cộ
Thích Trả lời
Hoàng Văn Nghĩa
Muốn hết ô nhiễm thì chỉ có một cách là cấm tất cả ô tô lẫn xe máy và đầu tư vào giao thông công cộng cho thật tiện lợi. Ô tô tư nhân ai muốn lưu thông trong TP thì phải đóng cao lấy tiền đó để đầu tư vào giao thông công cộng.
Thích Trả lời
Lê Dụ
Do quá ô nhiễm các tập đoàn lớn không thích đặt chân ở Hà Nội mà
Thích Trả lời
DXD
Cấm sử dụng bếp than tổ ong
Thích Trả lời
Tuấn Trần
Tôi đi xe lên tân Lục Ngạn Bắc Giang mà thử chỉ số ô nhiễm vẫn ở mức cao mặc dù tôi vào trong vùng đồi núi không có nhiều phương tiện giao thông
Thích (8)Trả lời
Tr. Anh Tuấn
Nên hạn chế xe máy, ô tô cá nhân, ưu tiên xe điện. Kiểm định khí thải đủ điều kiện mới cho lưu hành. Không có cái kiểu 50 năm vẫn chạy tốt.
Thích Trả lời
Thảo
Đốt rác xung quanh HN nữa các bác ạ!
Thích (3)Trả lời
Trần Văn Dưỡng
Phạt thật nặng những ai đốt rác đốt rơm phế thải
Thích (5)Trả lời