Chiều ngày 5/3, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết tỉnh sẽ yêu cầu UBND huyện Lâm Hà báo cáo về vụ việc này bởi nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, bệnh lở mồm long móng sẽ lây lan, ảnh hưởng xấu đến tình hình sản chăn nuôi gia súc không chỉ của huyện Lâm Hà mà còn ở nhiều địa phương khác, nơi dòng suối chảy qua.
Nhiều người dân sống ven suối Cam Ly (thuộc địa bàn thôn 2) tố khổ: Bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện tại xã Gia Lâm cách đây khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, một số cơ sở chăn nuôi không báo cho chính quyền địa phương mà mang xác lợn chết vì bệnh vứt xuống suối khiến dòng nước đen ngòm.
Đi dọc theo suối Cam Ly, đoạn chảy qua địa bàn thôn 2, có hàng chục xác lợn chết (bị vứt trực tiếp xuống nước hoặc cho vào bao tải rồi đẩy xuống suối) đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Tại những nơi có vùng nước xoáy, xác nhiều con lợn trôi dạt vào, ứ đọng lại gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. “Mỗi lần muốn tưới dâu hay cà phê đều phải dùng gậy đẩy xác lợn chết trôi đi mới có chỗ đặt máy bơm”, một người dân bức xúc nói.
Điều nguy hại nữa là, suối Cam Ly bắt nguồn từ huyện Lạc Dương và lần lượt chảy qua địa bàn TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà rồi nhập vào sông Đạ Đờn (thượng nguồn sông Đồng Nai) nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.
Theo ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, việc nhiều người cố tình che giấu tình trạng đàn heo bị bệnh để tiến hành bán chạy đàn hoặc vứt xác lợn chết xuống suối là rất nguy hiểm bởi có nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng người dân giấu dịch, các cấp chính quền nên công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các hộ có gia súc, gia cầm chết. Cụ thể theo Nghị định của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất tại vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh: Khi bị thiệt hại do dịch bệnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi, 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu bò, dê cừu...
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Đạ Tẻh khiến hơn 800 con lợn mắc bệnh, trong đó đã tiêu hủy 337 con.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy Sản tỉnh Lâm Đồng cho hay sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, thu gom để tiêu hủy đúng cách đối với số lợn chết vì bệnh lở mồm long móng.