“Gã khùng” mê mẩn cây dược liệu
Vượt qua đèo dốc hiểm trở, xe ôtô chở chúng tôi rẽ vào con đường bê tông nhỏ hướng về cánh đồng xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ, Hà Giang). Đi qua những nương ngô xanh mướt, xe dừng lại ở cánh đồng có các vạt thực vật nhỏ với mầm non đang nhú chồi. Dưới ruộng gần 20 phụ nữ cặm cụi nhổ cỏ trên từng luống cây. Đón chúng tôi, anh Vàng Thìn Nghì (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ), người mang cây dược liệu về với vùng đất này cho biết: “Đây là cánh đồng trồng cây đương quy. Lứa này vừa trồng xuống, sau 16 tháng sẽ cho thu hoạch, thương lái đến tận nơi thu mua”.
Là người dân tộc Bờ Y, năm 2000 khi đang làm bảo vệ tại Trung tâm giống cây trồng Hà Giang, lần đầu tiên anh biết đến cây dược liệu. Là người dân tộc nơi núi cao, anh Nghì càng thấu hiểu sự quan trọng của những cây dược liệu trong đời sống. Trước kia, đường sá đi lại khó khăn, mỗi khi có người thân ốm, ông bà, cha mẹ anh Nghì dựa vào bài thuốc, cây thuốc dân gian có ở vùng đất này để chữa bệnh. Nhưng cây thuốc ngày càng cạn kiệt mà nhu cầu ngày càng lớn. Có thời gian rảnh, anh chạy ra từng luống xem kỹ sư chăm bón cây giống. Tối về, anh ghi chép những điều học được để làm kinh nghiệm giắt lưng. Những cây giống thối rễ, gãy ngọn, anh xin về trồng.
Hợp với khí hậu, chất đất, những cây đương quy không còn lành lặn trên mảnh đất 500 m2 quanh vườn của anh Nghì lớn nhanh như thổi. Nhưng khi thu hoạch, anh mang củ đương quy ra chợ bán, rất ít người mua vì chưa rõ công dụng, cách dùng. May mắn, anh gặp khách hàng miền xuôi, chuyên thu gom dược liệu gom mua hết. Vị khách này còn cho anh số điện thoại, dặn khi nào thu hoạch, gọi điện anh sẽ lên tận nơi thu mua.
Mày mò, học lỏm các chuyên gia đến năm 2009, anh Nghì bỏ công việc bảo vệ, về nhà trồng đương quy. “Lúc bỏ việc, ai cũng bảo tôi điên khùng rồi. Đang có công việc với lương ổn định lại về trồng cây lạ hoắc, ăn không được mà cũng không biết bán cho ai”, anh Nghì kể lại những ngày đầu tiên.
“Giá bán củ đương quy cao hơn trồng ngô, sắn nhiều mà có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu nên tôi về bàn với vợ con mở rộng diện tích. Giống cây do tôi mày mò nhân lên từ cách làm học lỏm từ kỹ sư ở trung tâm giống. Đến năm 2013, toàn bộ vốn liếng trong gia đình đổ hết vào trồng 3.000 m2 đương quy”, anh Nghì nhớ lại.
Thời điểm đó, tiền thuê nhân công, làm đất, mua phân hữu cơ cũng lên tới 30 triệu đồng/1.000m2. Đặc thù cây đương quy không dùng phân hóa học mà toàn bộ bón bằng phân hữu cơ nên anh phải thu gom phân bò, phân trâu từ các hộ dân xung quanh xã.
Thắng cả mưa đá, rét mướt
Quá trình tự nhân giống, phát triển cây dược liệu của anh Nghì đầy nước mắt. Số tiền bán củ đương quy, anh dùng thuê đất của người dân để mở rộng diện tích. Biết bao lần anh nhìn ruộng đương quy chết mà lòng chát đắng. Năm 2015, 3 ha đương quy mới trồng với hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư phân bón, giống cây, nhân công, chết sạch vì mưa đá.
“Thời tiết ở vùng núi khắc nghiệt, mùa đông mưa đá, xuất hiện cả băng. Cây chết đành chịu vì không có cách khắc phục”, anh Nghì ngậm ngùi.
“Lúc bỏ việc, ai cũng bảo tôi điên khùng rồi. Đang có công việc với lương ổn định lại về trồng cây lạ hoắc, ăn không được mà cũng không biết bán cho ai”.
Anh Vàng Thìn Nghì
Chưa hoàn hồn sau lần ấy, đầu năm 2017, mưa lớn khiến 4 ha đương quy của anh Nghì chết do ngập úng. Anh lại vay vốn ngân hàng đầu tư gầy dựng lại. Sau 16 tháng, củ đương quy thu hoạch có giá 50.000 đồng/kg. 1 ha cho thu hoạch khoảng 15 tấn. Anh Nghì thuê lại đất của người dân trong bản với giá 25 triệu đồng/ha/năm. Người dân cho anh thuê đất, trở thành nhân công trồng chăm sóc ruộng dược liệu cho gia đình anh.
Những ngày đầu thuê đất của người dân, anh Nghì phải kiên trì cùng trưởng bản thuyết phục. Người dân nghèo, sợ thuê đất trồng dược liệu thất bại, không có cả ngô lúa để ăn. “Có cuộc họp bản, cán bộ huyện, xã thuyết phục người dân đến gần nửa đêm họ cũng không đồng ý. Kiên trì thuyết phục và nhìn thấy gia đình trồng dược liệu đầu tiên bán được tiền, người dân mới hiểu ra”, một lãnh đạo xã Quyết Tiến chia sẻ.
Ngoài giống cây do tỉnh Hà Giang hỗ trợ như đương quy, bạch chỉ, anh Nghì tự tìm cách nhân giống các cây dược liệu do cha truyền lại để chữa bệnh về gan, mật… Anh Nghì bật bí: “Bà nội tôi có nhiều cây thuốc truyền lại cho con cháu để tăng sức đề kháng, giảm thiểu bệnh tật. Bà truyền lại cho cha và cha truyền lại đến đời chúng tôi. Tôi đang nhân giống cây này, dự định 2018 sẽ trồng đồng loạt”.
Trong quá trình trồng dược liệu, anh bạo gan vay 500 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư. Với chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho 50 triệu đồng/ha dược liệu trong 5 năm của tỉnh Hà Giang, anh Nghì không phải lo trả lãi, chuyên tâm đầu tư đợi thu hoạch trả lại khoản vay. Đến nay, anh Nghì thuê đất của bà con trong vùng trồng 10 ha đương quy. Anh nhẩm tính, trừ tiền đầu tư, thuê nhân công khoảng 150 triệu đồng/ha, lúc thu hoạch vẫn có lãi khoảng 200 triệu đồng/ha. Đến nay, mỗi năm gia đình anh Nghì có tiền lãi khoảng 1 tỷ đồng từ cây dược liệu.
“Tôi phải tự tạo nguồn giống nên chi phí sản xuất còn lớn. Sắp tới, tôi dự định hỗ trợ giống cho một số hộ trong thôn để họ tự trồng, sau đó thu mua lại sản phẩm. Trồng dược liệu cho lãi gấp 5 lần so với trồng ngô, lúa trước đây. Tôi cũng mong chính quyền địa phương hỗ trợ xây vườn ươm giống; tạo điều kiện cho tôi mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên gấp khoảng 5 lần”, anh Nghì đề xuất.
Ngoài bán sản phẩm thô, anh Nghì ấp ủ dự định mở rộng diện tích hướng đến xây dựng dây chuyền sơ chế, chế biến các sản phẩm. Trong đó, một số cây như tục đoan, đương quy bào chế thành viên nén để tiện sử dụng.
“Sản phẩm người dân mình làm ra bán với giá rẻ nhưng người mua phải mua giá cao vì quá trình sơ chế, chế biến mất nhiều chi phí. Không những mong muốn bán hết sản phẩm, tôi còn mong người dân được hưởng lợi, mua dược liệu chất lượng tốt với giá phù hợp”, anh Nghì tâm sự.
Cao dược liệu Quản Bạ
Nhìn thấy sự thành công của anh Nghì, nhiều hộ dân ở Quản Bạ học theo trồng dược liệu. Những gia đình có mong muốn tìm hiểu về giống, kỹ thuật đều được anh Nghì tận tình hướng dẫn. Bên cạnh sự cố gắng của người dân, để bảo tồn các loại dược liệu quý và xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu, UBND huyện Quản Bạ hỗ trợ người dân xây dựng các hợp tác xã (HTX) thu mua cây dược liệu và tinh chế thành sản phẩm như cao đương quy, cao hà thủ ô, cao giảo cổ lam, cao atiso… Đến nay có 5 HTX được thành lập gồm HTX cộng đồng dược liệu Nậm Đăm, HTX dược liệu Bình Dương; HTX dược liệu Nà Trang…
“Với cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, chúng tôi hỗ trợ người dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để bảo tồn giống và tránh việc hàng không nguồn gốc tràn qua địa bàn. Các HTX này đã góp vốn thành lập công ty cổ phần thảo dược Cao nguyên đá. Cty này thu mua, bao tiêu sản phẩm của các HTX và quảng bá sản phẩm ra thị trường, hỗ trợ các HTX đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu”, ông Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết.
Theo ông Long, quá trình kỹ thuật tinh chế các loại cao dược liệu Quản Bạ nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học của Trường Đại học Dược Hà Nội, các công ty dược. Sản phẩm hoàn chỉnh bán tại các điểm bán hàng được cấp phép như điểm du lịch Cổng trời Quản Bạ, nhà trưng bày tại bản văn hóa Nậm Đăm.
Vừa giới thiệu, ông Long đưa chúng tôi đến tham quan HTX chưng cất, chế biến dược liệu bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ). Với hệ thống máy móc, dụng cụ chưng cất hiện đại, từ cây dược liệu thô người dân thu hoạch, từng lọ cao chất lượng hình thành. Sản phẩm cao được bày bán tại phòng trưng bày ngay cạnh bảo tàng văn hóa của người Dao tại bản Nậm Đăm.
“Sản phẩm cao dược liệu Nậm Đăm nói riêng và cao dược liệu Quản Bạ nói chung trở thành bản sắc, thương hiệu của chúng tôi. Các sản phẩm này nhiều lần được trưng bày tại hội chợ hàng nông nghiệp để giới thiệu với người tiêu dùng trên cả nước”, ông Long cho biết.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, toàn huyện trồng gần 339 ha cây dược liệu. Trong đó, có hơn 360 ha cây Ấu tẩu, Hương thảo; trồng mới gần 80 ha cây Đương quy, Bạch chỉ, Đẳng sâm, Atiso…