Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Doanh nghiệp chủ xe phải bồi thường

TPO - Tài xế xe container là người lái thuê cho chủ xe là Công ty TNHH Thạnh Đức là một pháp nhân, tức đang thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, do vậy chủ xe sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau khi đã chi trả bồi thường thì chủ xe có quyền yêu cầu tài xế hoàn trả lại khoản tiền này, cũng như có thể đối diện với việc truy cứu hình sự.

Liên quan tới vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Long An, phần dân sự, các luật sư (Ls) cho rằng chủ xe – tức Cty Thạnh Đức – phải bồi thường đầu tiên.

Cụ thể, theo Theo Ls Nguyễn Thành Công (Giám đốc Cty Đông Phương Luật, Đoàn Ls TPHCM) thì thiệt hại về tài sản của vụ tai nạn là rất lớn nên xác định giá trị thiệt hại thành tiền để áp dụng là tình tiết định khung tăng nặng cũng là vấn đề trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự của tài xế. Đồng thời giá trị xác định cũng là 1 phần trong việc áp mức trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân bên cạnh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Nếu tài xế là người lái xe thuê thì Chủ sở hữu xe phải có trách nhiệm đền bù trước các thiệt hại dân sự này rồi sau đó có thể đòi lại phần vật chất này từ tài xế.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Doanh nghiệp chủ xe phải bồi thường ảnh 1 Ls Nguyễn Thành Công nói Cty Thạnh Đức phải bồi thường trước. Ảnh: ĐPL

Ls Nguyễn Thành Công viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 cho rằng, chiếc xe container (Phương tiện giao thông cơ giới) được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo khoản 2 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hay trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Thực tế thiệt hại xảy ra không thuộc các trường hợp này do vậy không được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (thỏa thuận về việc bồi thường không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP).

“Tuy nhiên, trong trường hợp này, tài xế xe container là người lái thuê cho chủ xe Cty TNHH Thạnh Đức là một pháp nhân, tức đang thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, do vậy chủ xe sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015. Sau khi đã chi trả bồi thường thì chủ xe có quyền yêu cầu tài xế hoàn trả lại khoản tiền này” - Ls Nguyễn Thành Công phân tích.

Theo Ls Hoàng Thị Thu (Cty luật Hoàng Thu, Đoàn Ls TPHCM) thì có thể xem xét truy cứu chủ xe trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được vào thời điểm giao xe cho người đó sử dụng, chủ xe biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc có căn cứ để chủ xe thấy rõ người được giao xe không đủ các điều kiện để điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (như đang trong tình trạng sử dụng rượi, bia hoặc các chất kích thức mạnh khác) thì chủ xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 264 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ) hoặc trách nhiệm hành chính (Điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ) tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm của người được giao xe.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Doanh nghiệp chủ xe phải bồi thường ảnh 2 Luật sư Hoàng Thị Thu- Giám đốc Cty luật TNHH Hoàng Thu.

Về trách nhiệm dân sự trong vụ tai nạn, Ls Hoàng Thu nói rằng trong trường hợp tài xế đang thực hiện nhiệm vụ được chủ xe giao mà gây tai nạn thì chủ xe có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự 2015. Trong trường tài xế gây tai nạn trong khi không thực hiện nhiệm vụ được chủ xe giao thì tài xế này phải tự mình chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Nguyễn Hữu Lộc (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tây Ninh, Đoàn Ls TPHCM) cho rằng, theo quy định của pháp luật thì đơn vị vận tải (trong vụ tai nạn tức chủ xe) kinh doanh đúng theo luật, xe có đăng ký hoạt động và đảm bảo chất lượng lưu thông thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên còn tùy thuộc vào kết luận điều tra lỗi gây tai nạn. Thường đơn vị vận tải sẽ chịu trách nhiệm dân sự với lỗi do tài xế (là nhân viên của đơn vị vận tải) gây nên chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Doanh nghiệp chủ xe phải bồi thường ảnh 3 LS Nguyễn Hữu Lộc nói có thể xem xét trách nhiệm hình sự chủ xe. Ảnh: Tân Châu

“Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Theo quy định này, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại khi mà người của mình gây ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao” – Ls Nguyễn Hữu Lộc nói.

Ls Lộc đặt vấn đề: Để làm rõ việc Cty TNHH Thạnh Đức có phải bồi thường không tôi xin phân tích như sau: Cty Thạnh Đức là công ty trách nhiệm hữu hạn TNHH). Theo quy định tại chương III của luật doanh nghiệp 2014 thì công ty TNHH có tư cách pháp nhân. Có nghĩa là Cty Thạnh Đức là một pháp nhân. Người của mình được hiểu là một thành viên của pháp nhân, được pháp nhân tuyển dụng vào làm việc bằng hợp đồng. Trong trường hợp này, tài xế Hiền là một người của pháp nhân. Việc lái xe không tập trung đâm chết người là lỗi của nhân viên này. Việc đâm chết người này xảy ra khi nhân viên này đang chở hàng đến cho khách hàng, là nhiệm vụ được công ty giao cho. Vì vậy, theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự thì Cty TNHH Thạnh Đức sẽ phải bồi thường những thiệt hại mà người nhân viên này gây ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

“Sau khi bồi thường xong thì công ty TNHH Thạnh Đức có quyền yêu cầu nhân viên này hoàn trả lại một phần tiền mà công ty TNHH Thạnh Đức phải bồi thường” – Ls Nguyễn Hữu Lộc nói.

Đề cập tới việc bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm, theo Ls Nguyễn Hữu Lộc thì thường bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có). Ngoài ra thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

Phần trách nhiệm hình sự của chủ xe hoặc Thành viên Cty TNHH Thạnh Đức, Ls Nguyễn Hữu Lộc phân tích là nếu chủ xe biết tài xế Phạm Thành Hiếu có dùng ma túy mà vẫn giao xe container thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù 7 năm nếu hành vi của người được giao xe gây tai nạn làm chết từ 3 người trở lên.

Trong trường hợp nếu như không phải chủ xe trực tiếp giao xe hoặc điều động xe mà là người quản lý hoặc người có thẩm quyền trong Cty trực tiếp điều động xe, thì sẽ bị xử lý theo Điều 263 của Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại Điều 263 – Bộ LHS năm 2015 – về tội “Điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ” với hình phạt có thể bị phạt tù đến 12 năm vì vụ tai nạn này đã gây hậu quả chết 4 người trở lên.

Vụ tai nạn này đang trong giai đoạn điều tra, để xác định việc chủ xe hoặc người trực tiếp điều động xe có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không và mức phạt cụ thể ra sao phải dựa trên kết luận điều tra với các yếu tố sau: Người lái xe gây tai nạn có bằng lái hay không? có đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ hay không.

Trong vụ tai nạn giao thông này, cần điều tra làm rõ tài xế Hiếu có đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ hay không, dù cho tài xế Hiếu có bằng lái nhưng ‘có am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ’ không? và có đủ sức khỏe, có đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người đang sử dụng ma túy, rượu, bia hay không (theo Điều 5 – Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BQP-BTP-VKSNDTC- TANDTC).

“Tài xế Hiếu có bằng lái FC và đáp ứng đủ các điều kiện về phương tiện giao thông đường bộ đối xe container khi được Cty Thạnh Đức giao xe thì hành vi giao xe của chủ xe không có căn cứ để bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên nếu Tài xế Hiền không đáp ứng được các điều kiện nêu trên mà chủ xe vẫn đưa xe cho tài xế Hiền lưu thông thì hành vi của chủ xe đã có cơ sở để bị khởi tố hình sự” – Ls Nguyễn Hữu Lộc nói.

15h ngày 2/1, tài xế Phạm Thành Hiếu (SN 1987, quê huyện Bến Lức, Long An), lái xe đầu kéo mang biển số Long An 62C-043.48,  lưu thông theo hướng từ Long An về TPHCM thì xe lao tới lùa 21 xe máy đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Bình Nhật (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Hậu quả là 3 người thiệt mạng ngay tại chỗ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 17 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu.

 
MỚI - NÓNG