Vụ bắt giam 8 công dân oan: Nhận lại con sau gần 40 năm

TPO - Bị bắt khi đang mang thai, bà Lan sinh con trong tù. Ông Trần Quốc Lục và vợ là Ngô Thị Phanh nhận về nuôi dưỡng. Dù gặp lại con nhưng bà Lan không dám nhận vì sợ con mang mặc cảm có ‘mẹ ăn cướp’.  

Ngày 28/4, gia đình ông Hồ Long Chánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã tổ chức buổi lễ tri ân ông Trần Quốc Lục và bà Ngô Thị Phanh là người đã có công nuôi dưỡng con gái ông Chánh, bà Lan suốt gần 40 năm.

Vụ bắt giam 8 công dân oan: Nhận lại con sau gần 40 năm ảnh 1 Chị Trần Thị Tuyết trong ngày được cha mẹ ruột nhìn nhận. Ảnh: Tân Châu

Trong vụ bắt giam oan 8 công dân mà Tiền Phong liên tục đưa tin, khi bị bắt, bà Lan đang mang thai 5 tháng, hơn 2 tháng sau bà Lan đã sinh con trong tù. Bà Lan quyết định bỏ trốn nhưng bị công an bắt giữ lại và bỏ con gái vừa sinh tại trạm xá của trại giam.

Ông Lục mang cháu bé về nuôi dưỡng và đặt tên là Trần Thị Tuyết. Sau gần 40 năm bị giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của gia đình bà Lan, ông Chánh nên quyết định trả tự do cho cả gia đình.

Vụ bắt giam 8 công dân oan: Nhận lại con sau gần 40 năm ảnh 2 Bà Lan (trái) là người sanh con, bà Phanh (phải) là người nuôi đứa con sanh trong tù suốt 40 năm qua của bà Lan, tại ngày nhận con 28/4. Ảnh: Tân Châu

Sau khi ra tù, bà Lan âm thầm hỏi thăm thì được biết con bà được vợ chồng ông Lục và bà Phanh nhận nuôi. Biết địa chỉ, bà lân la tới nhà bà Phanh để tìm con. Tuy nhiên, lúc này vẫn trong thân phận kẻ cướp nên bà không dám thừa nhận chị Tuyết mà chỉ dám đứng xa nhìn con.

Phải đến khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án thì bà Lan mới thực sự cởi bỏ mặc cảm để mẹ con nhìn nhau...

“Bây giờ tôi đã được minh oan thì có thể nhận lại con rồi. Tôi cũng đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nên sẽ tính về sống chung với con để mẹ con tiện chăm sóc cho nhau”, bà Lan nói tại buổi nhận con.

Vụ bắt giam 8 công dân oan: Nhận lại con sau gần 40 năm ảnh 3 Ông Chánh, bà Lan, chị Tuyết và bà Phanh (trái sang) ngày nhận 'con ruột, con nuôi' 28/4. Ảnh: Tân Châu

Nhận lại cha mẹ ruột, chị Tuyết cũng xin ông Trần Quốc Lục và bà Ngô Thị Phanh nhận là cha mẹ nuôi và tất cả cùng đồng ý. Chị Tuyết và chồng cho biết sẽ có những kế hoạch để có thể chăm sóc tốt cho cả cha mẹ đẻ và mẹ nuôi.

Như Tiền Phong đưa tin, năm 1979 tại Tây Ninh xảy ra vụ cướp tài sản, công an đã bắt 8 công nhân và đến ngày 11/5/1983, VKSND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định số 15/KSĐT – TA về việc “Đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Văn Dũng” do không thực hiện hành vi phạm tội và trả tự do cho ông Dũng sau 3 năm 9 tháng và 14 ngày tạm giam.

Trường hợp ông Dũng đã bồi thường xong, chỉ còn tổ chức buổi xin lỗi công khai. 7 công dân còn lại do không có Quyết định đình chỉ điều tra nên các công dân không thể đòi bồi thường, xin lỗi được.

Đến ngày 23/4, VKSND tỉnh Tây Ninh đã tống đạt Quyết định đình chỉ cho nạn nhân cuối cùng trong số 8 nạn nhân bị hàm oan.

Đến thời điểm hiện tại, trong 8 nạn nhận thì Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận được 6 yêu cầu bồi thường; 1 trường hợp vừa tống đạt quyết định đình chỉ điều tra và trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) đã bồi thường xong, dự kiến Viện KSND tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức xin lỗi công khai tại địa phương ông Dũng vào tháng 5 tới.

MỚI - NÓNG