Kêu oan từ trung ương về địa phương
Bà Tâm cho biết thêm, bà vừa gửi đơn đến các cơ quan tố tụng huyện Krông Ana đề nghị phải xin lỗi công khai, vì đã khép tội oan sai chồng mình, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo đơn trình bày, khoảng 21h ngày 2/2/1997, ông Trịnh Công Minh - trú tại thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana đi bộ tìm anh Nguyễn Bá Tính đang ở nhà của ông Trần Hợp Sơn (trú cùng địa chỉ) mượn 1 chỉ vàng để lo việc gia đình, theo lời ông Tính đã hứa cho mượn từ trước.
Một lúc sau, có 4 cán bộ Công an huyện Krông Ana phát hiện một chiếc xe máy của người dân bị mất cắp đang dựng cạnh nhà ông Sơn. Sau đó, công an mời ông Minh về trụ sở để làm việc, đồng thời thực hiện lệnh bắt khẩn cấp. Ông Minh bị khởi tố, tạm giam về tội trộm cắp tài sản.
Quá trình điều tra, ông Minh liên tục kêu oan. Ngày 12/10/1997, TAND huyện Krông Ana mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù. Do có kháng cáo, nên ngày 18/12/1997, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, vì những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra chưa khách quan. TAND huyện Krông Ana tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2 đã trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp, đề nghị cho điều tra bổ sung chứng cứ.
Hết thời hạn điều tra, nhà chức trách vẫn không tìm được chứng cứ để chứng minh ông Minh thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng mãi tới ngày 22/7/1998, Viện KSND huyện Krông Ana mới ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Minh, sau khi ông Minh đã bị giam giữ gần 18 tháng.
Sau 18 năm gửi đơn kêu oan từ Trung ương về đến địa phương, ngày 16/3/2015, Viện KSND huyện Krông Ana mới ra quyết “Hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với ông Minh. Ngày 19/3/2015, Công an huyện Krông Ana ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Trịnh Công Minh.
Là cơ quan có trách nhiệm liên quan trong vụ án này, nhưng Viện KSND huyện Krông Ana đã không rà soát để báo cáo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk có biện pháp giải quyết kịp thời.
Mang án oan sai xuống mồ
Ra tù, ông Minh tiếp tục gửi đơn kêu oan, yêu cầu bồi thường cho ông và gia đình ông, cuộc kêu oan này kéo dài suốt gần 20 năm trời. Điều đau buồn cho gia đình ông là cuộc đấu tranh dai dẳng chưa kết thúc, thì ông Minh đã trút hơi thở cuối cùng vào tối ngày 13/2/2018 do mắc bệnh hiểm nghèo. “Dù chết trong đau đớn, nhưng trước giây phút lâm chung, chồng tôi vẫn dặn tôi bằng mọi giá phải đòi lại công bằng, phải yêu cầu các cơ quan tố tụng huyện Krông Ana công khai xin lỗi và bồi thường. Nếu tôi làm không xong, đến đời con phải làm bằng được!” - bà Tâm nghẹn ngào .
Cũng theo bà Tâm, kể từ khi chồng bị kết án trộm cắp tài sản, cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn. “Do gia đình chồng ở Thái Bình rất nghiêm khắc nên đã tạo áp lực rất lớn lên anh ấy. Suốt thời gian dài, đi đâu anh Minh cũng phải xin phép. Có những lúc, nửa đêm nửa hôm vẫn bị cán bộ chức năng gõ cửa kiểm tra, xem có chấp hành việc cấm đi khỏi nơi cư trú hay không. Rất là phiền hà. Hễ bị mất cắp, mất trộm nơi đâu… anh Minh cũng nằm trong diện tình nghi số 1. Sau này, việc học hành của con cái cũng bị ảnh hưởng nặng nề!” - bà Tâm nói.
Bà Tâm mong muốn cơ quan tố tụng nhanh chóng công khai xin lỗi, bồi thường theo quy định. “Con gái tôi cũng gần thi tốt nghiệp THPT, nếu sớm công khai xin lỗi, cũng là tạo điều kiện cho cháu làm hồ sơ nếu muốn thi vào các ngành Công an, Quân sự. Chỉ sợ, chờ đến được ngày công khai xin lỗi chồng, thì con đã hết cơ hội”, bà Tâm lo lắng.
Lấy ngân sách đền oan sai
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Phạm Đăng Nhường, Viện trưởng Viện KSND huyện Krông Ana cho biết, vụ án xảy ra từ năm 1997 và đã đình chỉ. “Chuyện này là của các bậc tiền bối đã nghỉ hưu để lại trách nhiệm cho những người kế nhiệm như chúng tôi phải thực hiện giải quyết bồi thường oan sai. Sắp tới liên ngành của huyện sẽ làm các thủ tục trình cấp tỉnh, trình Trung ương để thực hiện theo Luật bồi thường Nhà nước đã quy định. Nguồn tài chính sẽ lấy tiền từ ngân sách. Sau này ai sai sẽ kiểm điểm trách nhiệm của người đó” - ông Nhường nói.