Thực hư người đàn bà có hành động phản cảm ở Lễ hội Ná Nhèm

Màn rước "Tàng thinh" thu hút sự chú ý của mọi ngưởi .Ảnh: Duy Chiến
Màn rước "Tàng thinh" thu hút sự chú ý của mọi ngưởi .Ảnh: Duy Chiến
TPO - Vài ngày gần đây, bỗng nhiên trên mạng xã hội lan truyền một hình ảnh một người nữ giới đã luống tuổi lè lưỡi gần “tàng thinh” trong lễ hội, thu hút sự bình luận, chia sẻ rất nhiều người..  

Sáng 23/2, ông Hoàng Thế Vinh, Trưởng phòng VH &TT huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết, hình ảnh phản cảm mà cư dân mạng đang chia sẻ, bình luận rất nhiều trên zalo, facebook là có thật xảy ra ở Lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.

“Người phụ nữ trong ảnh là đại biểu khách mời đến từ tỉnh Bắc Giang.  Tuy nhiên, việc này xảy ra từ năm ngoái (lễ hội Ná Nhèm xuân 2018). Họ cũng đã xin lỗi Ban tổ chức và mọi người. Không rõ, gần đây ai đó lại đăng trên mạng gây sự hiểu lầm về lễ hội năm nay”, ông Vinh nói.

Ông Vinh giải thích thêm, năm 2019 thẻ đại biểu được thiết kế cài ngực (không đeo như năm ngoái) và hình tượng “Tàng thinh” (dương vật nam) không được buộc nơ ở đầu như năm 2018.

Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ" được phục dựng 5 năm nay. Điểm đặc sắc nhất của lễ hội là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). Đây là một nghi thức độc đáo để cầu may mắn, bình an, sinh sôi nảy nở.

Ông Hoàng Văn Cứng (SN 1963, người địa phương chế tác tàng thinh năm 2019) cho biết, tàng thinh năm nay dài khoảng 1m30, đường kính 20cm và nặng gần  30kg. “Khác với năm ngoái, tàng thinh năm nay được sơn màu hồng nhạt, có trang trí các khăn phủ bên ngoài. Năm 2018 cũng chính tay tôi làm tàng thinh đã được mọi người đón nhận nhiệt tình”. Ông Cứng chia sẻ.

Lễ hội Ná Nhèm được Bộ VH-TT &DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015 đã khẳng định tính độc đáo, hấp dẫn của hoạt động này. Mỗi năm, hàng vạn lượt người đến tham dự lễ hội này và không ít người vô tình hay cố ý có những hoạt động, hình ảnh không đẹp, gây xôn xao dư luận.

MỚI - NÓNG