Sẽ thêm nhiều thành phố bức xúc ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí đang và sẽ trở thành một vấn đề bức xúc ở nhiều thành phố trên cả nướcẢnh: P.V
Ô nhiễm không khí đang và sẽ trở thành một vấn đề bức xúc ở nhiều thành phố trên cả nướcẢnh: P.V
TP - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, ô nhiễm không khí sẽ là vấn đề bức xúc của các thành phố Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ Hà Nội, TPHCM.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ TN&MT sáng qua (27/12), các đại biểu cho rằng ô nhiễm không khí và quản lý chất thải rắn đang là vấn đề môi trường bức xúc nhất.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, chất lượng môi trường không khí năm nay tại Hà Nội, TPHCM giảm, nhất là tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Từ 2018 đến 2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng so với 2017. So sánh kết quả quan trắc nồng độ bụi PM2.5 giai đoạn 2013 - 2019 cho thấy, từ tháng 9 đến giữa tháng 12/2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ô nhiễm không khí và quản lý chất thải rắn là hai vấn đề rất lớn, tác động đến môi trường, ảnh hưởng việc thu hút du lịch và gây bức xúc cho người dân, nên cần được ưu tiên tập trung giải quyết trong năm 2020.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, không chỉ Hà Nội và TPHCM, nhiều thành phố khác sẽ bức xúc vấn đề ô nhiễm không khí trong tương lai. “Chúng tôi đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách giảm thiểu ô nhiễm không khí, sẽ sớm trình. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, cần triển khai các giải pháp hết sức đồng bộ và cụ thể mới đạt được thành tựu”, ông Hà nói.

Theo kết quả quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường và hệ thống PAMAir, ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, ô nhiễm không khí thường xuyên lên mức nghiêm trọng, nhất là vào mùa đông. Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, sẽ tập trung giải quyết vấn đề thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật sẽ xây dựng bộ lọc theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, ngăn chặn dòng công nghệ lạc hậu và làm tốt công tác quản lý thông qua công cụ kinh tế thay cho mệnh lệnh.

Giảm dần điện than

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ô nhiễm không khí tại một số đô thị có xu hướng gia tăng, thể hiện rất rõ trong thời gian gần đây tại Hà Nội, TPHCM và một số đô thị lớn khác. “Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí đang diễn ra ở nhiều nơi, đòi hỏi cần hành động quyết liệt để tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường. Ô nhiễm không chỉ ở khu công nghiệp, khu đô thị mà cả nông thôn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ TN&MT cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân. Rà soát các quy trình, quy chế ứng phó sự cố môi trường để sửa đổi, hoàn thiện, khắc phục nhanh sự cố. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế sàng lọc dự án, bảo vệ các khu vực nhạy cảm về môi trường, tập trung xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi dân cư, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bằng giám sát tự động, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần chuyển đổi cơ cấu năng lượng, nhất là điện năng, giảm dần điện than, đồng thời chuyển từ điện than dùng công nghệ lạc hậu sang công nghệ hiện đại để đảm bảo vấn đề môi trường. “Nhiều nước phát triển vẫn dùng điện than nhưng dùng công nghệ để giảm thiểu phát thải nhiều nhất”, Phó Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG