Phơi lộ thêm nhiều sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn

Phơi lộ thêm nhiều sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn
TPO - Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (gọi tắt là Sagri) trong giai đoạn 2016 – 2018, trong đó chủ yếu là là sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án.

Sai phạm tại dự án nhà ở

Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2018, Sagri có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án, không đúng phương án xử lý tổng thể nhà, đất của UBND TP HCM. Ngoài ra, chuyển nhượng đất không đúng đối tượng, mục đích sử dụng đất theo quyết định giao đất, cho thuê đất của UBNDTP và không đúng theo Luật Đất đai. 

Phơi lộ thêm nhiều sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn ảnh 1 Nhiều sai phạm tại Sagri được Thanh tra TP. HCM chỉ ra

Việc Sagri chuyển nhượng 28% phần vốn góp (thực chất chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Phước Long B, quận 9 đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) cho Tổng Công ty CP Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá thị trường là không thực hiện theo quy định tại khoản 1, điều 29 và khoản 5, điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Phơi lộ thêm nhiều sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn ảnh 2 Đặc biệt, Sagri ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty CP Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận, là không đảm bảo quyền lợi của Sagri.

Mặt khác, khi dự án đầu tư chưa được lập, phê duyệt, chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật, Sagri đã tổ chức thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật, là không đúng về trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1, điều 6 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Cùng với đó, Sagri đã ký hợp đồng ủy quyền cho Tổng Công ty CP Phong Phú ký kết với khách hàng đặt mua nhà và việc Tổng Công ty CP Phong Phú ký 77 hợp đồng vay vốn, đặt cọc, mua nhà liền kề, là vi phạm điều 9 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/10/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, quy định về huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở.

Phơi lộ thêm nhiều sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn ảnh 3 Tổng Công ty CP Phong Phú đã ký các hợp đồng huy động vốn từ khách hàng tại các lô đất nềntrong năm 2012 là trái quy định pháp luật khi dự án chưa được phê duyệt

Tuy nhiên, trong thực tế năm 2012, Tổng Công ty CP Phong Phú đã ký các hợp đồng huy động vốn từ khách hàng tại các lô đất nền. Nhưng ngày 16/5/2017, Sagri có Công văn số 488/TCT-KHĐT gửi UBND TP. HCM và Sở Xây dựng cam kết chưa huy động vốn từ khách hàng để thực hiện dự án với mọi hình thức, là báo cáo không trung thực.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Ngoài ra, Sagri không xin phép UBND TP HCM trong việc đồng ý cho Tổng Công ty CP Phong Phú thay thế Công ty Hồng Lĩnh và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò. Sagri đã chuyển đổi Chủ đầu tư không đúng  theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 194 Luật Đất đai năm 2013 khi dự án chưa thực hiện xong hạ tầng kỹ thuật (chỉ san lấp một phần diện tích khoảng 30ha/89.444ha). "Việc tự ý ký hợp đồng hợp tác kinh doanh và chuyển đổi chủ đầu tư của Sagri là trái với chỉ đạo UBND TP tại Văn bản số 734/UBND-CNN ngày 31/1/2018"- Kết luận nêu.

Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện gây lãng phí đất đai. Theo kết luận của Thanh tra thành phố cho thấy, hiện trạng khu đất diện tích 890.444 m2 có vị trí nằm trong khu vực khu dân cư hiện hữu nên cần xem xét lại chủ trương xây dựng cụm công nghiệp trong khu dân cư.

Thanh tra TPHCM cũng Viện dẫn Thông báo số 404/TB-VPCP ngày 19/9/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010, có nội dung: "Đối với các trường hợp còn lại: tạm dừng các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho đến khi quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành". Đồng thời, theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Sagri phải có phương án sử dụng đất trình UBND TP phê duyệt.

Việc dự án Nhà máy Giết mổ Gia súc và chế biến thực phẩm: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ Củ Chi triển khai từ năm 2010 đến nay đã hơn 8 năm nhưng Sagri chưa xây dựng hoàn chỉnh, chưa đưa vào khai thác sử dụng, là chậm tiến độ làm ảnh hưởng việc khai thác, phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm sạch cho người dân TP. HCM.

Thanh tra TPHCM chỉ ra, với việc người đại diện vốn Sagri thực hiện biểu quyết việc chuyển nhượng tổng diện tích 36.617,6 m2 tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tại Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn, trước khi có tờ trình báo cáo xin ý kiến Hội đồng Thành viên Tổng Công ty, là vi phạm điều 49 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Qua đó, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc SAGRI tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân thời kỳ có liên quan đối với các khuyết điểm, vi phạm trong công tác tham mưu, đề xuất, kiểm tra, giám sát liên quan việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm của Sagri khi Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Sagri) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập các pháp nhân mới để đầu tư trên 24 khu đất, có diện tích hơn 1.919ha. Sagri khi bàn giao 140ha đất  (trong số 1.919ha) và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri, bàn giao cho Công ty TNHH Nông nghiệp V. Sagri hơn 452ha, khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Điều này trái với quy định tại Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 5039/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 của UBND TP về việc công nhận quyền sử dụng đất với Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. HCM.

MỚI - NÓNG
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.