Những quả 'bom lửa' áp sát nhà dân ở Hà Nội

Đồ đạc của người dân bị cháy do nhà nằm cạnh khu xưởng của Cty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: PV
Đồ đạc của người dân bị cháy do nhà nằm cạnh khu xưởng của Cty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: PV
TP - Vụ cháy nghiêm trọng nhà xưởng của Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đêm 28/8 gây thiệt hại nặng nề. Dù đã nhiều lần cảnh báo, nhưng nguy cơ cháy nổ từ các nhà xưởng nằm lẫn trong khu dân cư vẫn hiện hữu, có thể trở thành thảm họa bất cứ lúc nào.

Khốn khổ dân quanh đám cháy

Ngay ngã tư đường sát đám cháy, sáng 29/8, chị Yến vẫn bán rau quả như thường ngày. Chỉ khác là bên cạnh rau, củ quả là quần áo, đồ đạc, máy móc được vận chuyển từ nhà chị xuống. Căn nhà chị ngay trên gác 2, sát khu bị cháy. Đến trưa 29/8 chị vẫn không dám về lại vì có thể còn nóng và nhà đã bị hư hại. Chị Nhàn, số 125 Hạ Đình, chủ nhà trọ ngồi nói chuyện với người thuê nhà và công an, trên người vẫn lấm lem vết bụi đen của vụ cháy.

Chị Nhàn bảo, do vụ cháy xảy ra vào buổi chiều tối, mọi người biết nên dọn đồ trước, không bị thiệt hại gì nhiều. Nhà chị Nhàn dù thế cũng bị sức nóng của vụ cháy làm ảnh hưởng, bụi bay đầy vào nhà. Trong khi đó, nhà ông Trần Văn Tuấn (ở số 68 ngõ 342 Khương Đình) do sát vách Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tầng 4 bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ông cho biết, nhà mới xây hết hơn 6 tỷ đồng cách đây hai năm giờ bị hư hỏng nặng.

Ông Bùi Văn Đoàn (66 ngõ 342 Khương Đình) cho biết, tối 28/8 lửa nung ngôi nhà đến tận sáng ông vẫn cảm thấy nóng. Từ tầng 2 đến tầng 4 đều bị ảnh hưởng nặng. Ngôi nhà của chị Nguyễn Thu Hà (số 191 Hạ Đình) xây có ống khói nên bị khói từ vụ cháy bay ngược vào. Từ tầng 2 trở lên khói đen bám kín trần...Trao đổi với phóng viên, một số người dân cho biết, trước đây, khu vực nhà xưởng bị cháy chỉ là bãi đất trống. Sau này, nhà xưởng mọc lên san sát, ngay gần nhà dân gây nhiều lo ngại về an toàn.

Vẫn phải chờ lộ trình

Không chỉ trên địa bàn quận Thanh Xuân, nhà xưởng xen lẫn khu dân cư có mặt ở hầu hết các quận: Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, huyện Thanh Trì…

Ngay ở phường có tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân tăng theo cấp số nhân, phường Vĩnh Tuy hiện vẫn có trên dưới 10 nhà máy đang hoạt động, như: Nhà máy Dệt kim Đông Xuân; Nhà máy May 10 tháng 10; Nhà máy Gạch Nam Thắng; Công ty Lương thực miền Bắc… Đại diện UBND phường cho biết, đa số các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, tuy nhiên vẫn rất khó di dời các đơn vị này ra khỏi nội đô. Bởi lộ trình, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để di dời vẫn chưa có. Theo vị này, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra PCCC ở các nhà máy này nhưng nếu xảy ra cháy lớn thì cũng rất khó khống chế.

Tại làng nghề Triều Khúc (huyện Thanh Trì), đa số các hộ làm nghề tái chế, thu gom đồ nhựa, để hàng hóa bừa bãi trong nhà xưởng, vỉa hè. Toàn bộ các hộ sản xuất ở đây đều làm nhà xưởng bằng khung sắt, mái tôn nằm sát nhau, khi xảy ra cháy rất dễ cháy lan sang hộ liền kề. Ngoài ra, dây diện được dân tự ý mắc kéo giữa các kho xưởng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.

Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ cháy kho xưởng khiến 8 người thiệt mạng ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp chặt chẽ với công an tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá lại điều kiện, tiêu chuẩn, khả năng PCCC đối với toàn bộ các lĩnh vực, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý, chủ hộ sản xuất, kinh doanh khắc phục các tồn tại về PCCC và xử lý nghiêm các vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, tiến hành các biện pháp cưỡng chế hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật các đối tượng cố tình vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC.

Trên địa bàn Hà Nội có hàng nghìn khu nhà xưởng, kho bãi đang hoạt động nhưng phần lớn không đạt yêu cầu PCCC… Các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa.. Phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây không có hệ thống báo cháy. Ngoài ra, các nhà kho, nhà xưởng được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, chỉ có một lối thoát duy nhất. Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này được làm bằng khung thép, mái tôn xen lẫn khu dân cư để làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Theo lãnh đạo Cảnh sát PCCC- Công an thành phố Hà Nội, đơn vị đã có Kế hoạch 359 về kiểm tra rà soát các công trình kho, xưởng trên địa bàn, trong đó có đối tượng nhà kho, xưởng trong khu dân cư. Đây là công tác thường xuyên chứ không có việc “mất bò mới lo làm chuồng”.

Những “quả bom lửa”

Nguy cơ cháy nổ tại các nhà xưởng sản xuất giữa khu dân cư đã được các cơ quan chức năng của Hà Nội chỉ ra trong nhiều năm qua. Cuối năm 2018, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội tiến hành giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC 2001 có hiệu lực. Làm việc với Sở Công Thương, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội chỉ ra:

Còn hàng trăm cụm công nghiệp, xưởng sản xuất, các cơ sở kinh doanh xăng dầu xen lẫn khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại ở các chung cư dễ xảy ra cháy nổ.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho hay: Các trung tâm thương mại nằm ở các chung cư khiến ông rất lo ngại về nguy cơ cháy nổ. Những nơi này thậm chí bịt cả cầu thang thoát nạn. Cùng với đó, cụm, điểm làng nghề chưa được rà soát. Ngoài việc quan tâm đến nước thải, phải quan tâm đến mất an toàn PCCC. Cần phải bổ sung vào danh sách theo dõi”.

Ông Nam cũng nhắc đến nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại các trạm biến áp, các hệ thống điện tại các chung cư cũ, các khu nhà xưởng...

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Trong 86 cụm công nghiệp, có 19 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, vấn đề PCCC cơ bản được đáp ứng. Còn các cụm khác do ban quản lý dự án cấp quận, huyện, xã quản lý đang đầu tư dở dang. Sở đã trình văn bản lên thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát, bổ sung xây dựng hạ tầng còn thiếu. Ngoài ra, còn 1.350 làng nghề, làng có nghề công tác PCCC gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, mất an toàn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, việc di dời các cơ sở công nghiệp đã được đặt ra từ sau quy hoạch năm 1998 và thành phố đã có rất nhiều chính sách ưu tiên để di dời. Hà Nội cũng đã làm được một số trường hợp, như di dời Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Mai Động.

“Hà Nội có những cơ chế, chính sách rất ưu tiên. Nhà máy Cơ khí Mai Động, Dệt 8/3 được giới thiệu địa điểm thích hợp, hỗ trợ cán bộ, công nhân viên. Ngay như Cty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, cũng được giới thiệu vị trí để di dời”, ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, thực tế Hà Nội vẫn chưa thực hiện quyết liệt việc di dời hết các đơn vị cơ sở công nghiệp này. Nguyên nhân được xác định là doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thích nghi với địa điểm mới. Khó khăn chủ yếu là nhiều đơn vị không đủ nguồn để thực hiện di dời. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện của cơ quan chức năng. Điển hình như khu vực Cao Xà Lá đến bây giờ vẫn chưa di dời được hết. Cũng vì thế, tồn tại một thực tế là nhiều khu nhà xưởng của cơ sở công nghiệp nằm sát vách với nhà dân. 

MỚI - NÓNG